Thuốc điều trị HIV thế hệ mới được tạp chí Science vinh danh là ‘Đột phá của năm’
(Chinhphu.vn) - Thuốc lenacapavir, do Công ty dược sinh học Gilead Sciences phát triển, được Tạp chí khoa học Science uy tín hàng đầu của Mỹ vinh danh là “Đột phá của năm”.
Đây là loại thuốc tiêm HIV mới với cơ chế hoạt động độc đáo, cho thấy hiệu quả vượt trội trong việc ngăn ngừa lây nhiễm, hứa hẹn mở ra một chương mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch HIV/AIDS.
Nhiều nhà nghiên cứu về HIV/AIDS hy vọng rằng loại thuốc do công ty dược phẩm sinh học Gilead Sciences của Mỹ phát triển sẽ có tác dụng giảm mạnh tỉ lệ lây nhiễm trên toàn cầu khi được sử dụng là thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).
Mặc dù y học đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong điều trị HIV/AIDS, việc phát triển vaccine phòng ngừa vẫn còn là một thách thức lớn. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của lenacapavir mang đến một tia hy vọng mới.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn cho thấy lenacapavir có hiệu quả gần như tuyệt đối trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV. Một nghiên cứu trên hơn 5.000 phụ nữ trẻ ở châu Phi cho thấy không có trường hợp nào nhiễm HIV sau khi tiêm lenacapavir, đạt hiệu quả 100%. Một thử nghiệm khác trên hơn 2.000 người thuộc nhiều giới tính khác nhau cũng ghi nhận hiệu quả phòng ngừa lên đến 99,9%.
Khác với các loại thuốc kháng virus hiện nay thường nhắm vào enzyme của virus, lenacapavir ức chế protein vỏ bọc (capsid) của HIV. Protein này tạo thành một lớp vỏ bảo vệ vật liệu di truyền của virus, giúp nó xâm nhập vào tế bào người. Lenacapavir liên kết với capsid, làm cứng lớp vỏ này, ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào và nhân lên.
Cơ chế hoạt động mới này không chỉ mang lại hiệu quả phòng ngừa cao mà còn mở ra triển vọng phát triển các loại thuốc tương tự để điều trị các bệnh do virus khác gây ra.
Lenacapavir được bào chế dưới dạng tiêm, mỗi mũi tiêm có tác dụng bảo vệ trong 6 tháng. Điều này mang lại nhiều lợi thế so với các loại thuốc uống PrEP hiện có, vốn yêu cầu người dùng phải uống thuốc hàng ngày. Việc tuân thủ điều trị bằng thuốc uống thường gặp khó khăn, đặc biệt là ở những người có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đối mặt với sự kỳ thị. Thuốc tiêm tác dụng kéo dài giúp khắc phục vấn đề này, tăng cường hiệu quả phòng ngừa và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.
Ban đầu, lenacapavir được phát triển dưới dạng uống nhưng gặp khó khăn do thuốc không hòa tan và cơ thể khó hấp thụ. Tuy nhiên, chính "điểm yếu" này lại trở thành lợi thế khi các nhà khoa học phát triển dạng tiêm của thuốc. Đặc tính không hòa tan giúp lenacapavir tồn tại lâu hơn trong cơ thể, kéo dài thời gian bảo vệ.
Mặc dù lenacapavir mang đến nhiều hứa hẹn, việc tiếp cận thuốc với giá cả phải chăng vẫn là một thách thức lớn. Hiện tại, giá thuốc vẫn chưa được công bố. Gilead Sciences, nhà sản xuất lenacapavir đã cam kết sản xuất các phiên bản giá rẻ cho các quốc gia đang phát triển, nhưng vẫn chưa rõ mức giá cụ thể.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo, còn yếu kém, có thể gặp khó khăn trong việc triển khai tiêm chủng lenacapavir trên diện rộng.
Tuy nhiên, với hiệu quả phòng ngừa vượt trội và tiềm năng thay đổi cục diện đại dịch HIV/AIDS, lenacapavir xứng đáng được vinh danh là "Đột phá của năm". Thuốc được kỳ vọng sẽ là một công cụ phòng ngừa quan trọng, góp phần bảo vệ hàng triệu người khỏi HIV và đưa thế giới tiến gần hơn đến mục tiêu chấm dứt đại dịch này.
Tuy lenacapavir là một bước tiến quan trọng, các chuyên gia y tế vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục nghiên cứu và phát triển vaccine phòng ngừa HIV. Vaccine sẽ mang lại khả năng miễn dịch lâu dài và có thể được phổ biến rộng rãi với chi phí thấp hơn.
Jeanne Marrazzo, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết: "Chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm một biện pháp can thiệp có thể tạo ra khả năng miễn dịch cá nhân lâu dài nếu chúng ta thực sự muốn chấm dứt HIV".
Thùy Chi
Theo science.org