Tích cực hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng

29/03/2022 08:46

(Chinhphu.vn) - 3 năm trở lại đây, nhiều địa phương đã triển khai mô hình quản lý cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Qua thời gian thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp đỡ nhiều người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ người nghiện trên toàn quốc.

Tích cực hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng - Ảnh 1.

Nhiều địa phương có giải pháp hay để hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng

Xã hội hóa công tác cai nghiện

Tại Hà Nội, việc tổ chức cai nghiện theo hình thức xã hội hóa bằng cách để các doanh nghiệp, tư nhân thành lập các cơ sở cai nghiện tự nguyện được coi là giải pháp quan trọng để giảm tác hại do ma túy gây ra; đồng thời, góp phần giảm tải cho các cơ sở cai nghiện tập trung.

Mô hình cai nghiện theo hình thức xã hội hóa khác, là tổ chức cai nghiện dựa vào gia đình, cộng đồng cũng được Hà Nội áp dụng.

Để chủ động gỡ vướng, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào các mô hình điều trị cai nghiện này, ngoài việc tiếp tục triển khai các chính sách theo quy định chung, từ năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã huy động các nguồn lực để triển khai mô hình "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng" và "Mô hình tăng cường hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người sử dụng ma túy" tại nhiều địa phương. Hiện tại, các mô hình này đã được thiết lập tại các quận: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, huyện Thanh Trì...

Kết quả bước đầu cho thấy, toàn quận Tây Hồ đang quản lý hồ sơ của 420 người nghiện ma túy. Trong 9 tháng năm 2021, quận Tây Hồ đã lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy đối với 35 trường hợp, đạt 140% chỉ tiêu cả năm, còn các phường tổ chức cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 82 người, đạt hơn 96% chỉ tiêu. Đáng ghi nhận hơn, sau cai nghiện, một số trường hợp đã tích cực hòa nhập cộng đồng.

Tương tự, ở quận Hai Bà Trưng, việc đưa "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng" vào hoạt động, đặt tại Trạm y tế phường Nguyễn Du mang lại những kết quả khả quan. Đi vào hoạt động từ tháng 8/2020 đến nay, thông qua mô hình điểm tư vấn, các cơ quan chức năng đã trợ giúp về nhiều mặt cho gần 50 người nghiện, sử dụng ma túy, vận động 16 người nghiện, người sau cai nghiện tham gia tư vấn, điều trị cai nghiện tại cộng đồng... Số người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng ở quận Hai Bà Trưng cũng vượt xa so với chỉ tiêu đề ra. Từ đầu năm 2021 đến nay, quận Hai Bà Trưng có 83 người điều trị cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, bằng 145,6% kế hoạch được giao.

Những địa phương khác có nhiều dịch vụ hỗ trợ điều trị cai nghiện tại cơ sở, như các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, huyện Thanh Trì... đến thời điểm này cũng đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đưa người nghiện đi cai nghiện ma túy bắt buộc hoặc điều trị cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Tìm việc làm, hỗ trợ vốn vay giúp người cai nghiện hòa nhập cộng đồng

Tại Đồng Tháp, để triển khai thực hiện mô hình "Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng", Sở LĐTB&XH tỉnh đã xây dựng kế hoạch; phối hợp với các sở, ngành liên quan tập huấn kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã tham gia thực hiện mô hình. Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn chính sách quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng. Lực lượng công an các xã phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên gặp gỡ, động viên đối tượng từ bỏ ma túy; tư vấn giới thiệu việc làm, xem xét các nguồn vay vốn giúp các đối tượng từng bước thay đổi hành vi, phát triển sản xuất và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Đến tháng 3/2022, có 127/143 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh triển khai thực hiện mô hình, trực tiếp quản lý 1.619 người nghiện ma túy tại cộng đồng. Với những giải pháp triển khai hiệu quả từ mô hình, hiện nay có 427/1.619 đối tượng nghiện ma túy có chuyển biến tốt, kiểm tra nhiều lần không dương tính với ma túy (chiếm hơn 26%); trong đó, có 52 người được giới thiệu việc làm; 25 người được vay vốn từ "Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng" với số tiền 875 triệu đồng để phát triển kinh tế...

Tiếp tục mục tiêu kiềm chế, đẩy lùi tệ nạn ma túy, trong năm 2022, Sở LĐTB&XH tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND huyện, thành phố rà soát, thống kê người sử dụng ma túy tại cộng đồng để đưa vào diện quản lý, giáo dục và giúp đỡ. Tăng cường công tác tư vấn và trợ giúp người sau cai nghiện; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn vay, dạy nghề, giới thiệu việc làm... tạo điều kiện cho đối tượng từ bỏ ma túy ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện.

Tại An Giang, UBND tỉnh yêu cầu nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là cấp cơ sở trong việc lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác cai nghiện ma túy cấp tỉnh, huyện. Tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý và thi hành pháp luật về cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, bảo đảm việc triển khai và thực hiện Nghị định 116/2021/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương của tỉnh đã nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút người vào làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đặc biệt là bác sĩ; đề xuất chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia công tác cai nghiện ma túy tự nguyện. Đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả bài thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh…

Vĩnh Hoàng

}
Top