Tiến sĩ trẻ phát minh thuốc điều trị HIV mới được thế giới đánh giá cao

27/02/2023 18:08

(Chinhphu.vn) - Phát minh thuốc điều trị HIV mới là một trong số rất nhiều thành tích của Tiến sĩ, dược sĩ Trương Thanh Tùng - một trong 10 nhà khoa học trẻ đạt được giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2021, và nằm trong top 20 đề cử Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam” tiêu biểu năm 2022,

Tiến sĩ trẻ phát minh thuốc điều trị HIV mới được thế giới đánh giá cao - Ảnh 1.

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng hiện có 40 công bố quốc tế, trong đó có nghiên cứu phát minh thuốc điều trị HIV mới. Ảnh nhân vật cung cấp

Phương pháp điều trị HIV mới do Tiến sĩ Trương Thanh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, khoa Dược, Trường ĐH Phenikaa phát minh ra, được thế giới đánh giá cao về tiềm năng thuốc điều trị HIV trong tương lai.

Sinh năm 1989, Tiến sĩ Trương Thanh Tùng hiện có 40 công bố quốc tế, trong đó có nghiên cứu phát minh thuốc điều trị HIV mới; thuốc điều trị ung thư trúng đích; các công trình phát triển các chất thay thế kháng sinh mới và hứa hẹn sẽ cho ra đời các sản phẩm thuốc "Make in Vietnam".

Với đề tài "Thuốc tiêu diệt virus HIV thông qua việc thức tỉnh virus ở thể ngủ nhằm thúc đẩy việc loại bỏ ưu tiên các tế bào bị nhiễm HIV", hướng nghiên cứu của Tiến sĩ Tùng là tìm cách loại bỏ toàn bộ tế bào nhiễm HIV và virus ra khỏi cơ thể.

Tiến sĩ Tùng cho biết, các loại thuốc hiện có trên thị trường chỉ kiểm soát, loại bỏ bớt nồng độ virus trong máu, chưa thể loại bỏ hoàn toàn HIV khỏi cơ thể. Tức là các bệnh nhân HIV hiện nay khi sử dụng thuốc đều đặn chỉ đạt được ngưỡng 'sống, tránh lây nhiễm và cầm cự cùng HIV'. Trong khi đó, nghiên cứu của Tiến sĩ Tùng hướng tới mục đích điều trị hoàn toàn bệnh HIV trong tương lai. Nổi bật nhất trong kết quả nghiên cứu là các dược chất có thể thức tỉnh virus HIV ở trạng thái 'ngủ' trong tế bào, đánh dấu rồi tiêu diệt chúng".

Theo Tiến sĩ Tùng, khó nhất đối với việc điều trị HIV hiện nay là loại bỏ hoàn toàn virus ở thể "ngủ" ra khỏi cơ thể, tuy nhiên phát minh của anh cho thấy điều này hoàn toàn có thể giải quyết được. Nghiên cứu này đã được anh cùng các đồng nghiệp tại Đức và Đan Mạch nộp đơn xin bảo hộ phát minh sáng chế tại Mỹ và châu Âu.

Ngay khi là sinh viên trường Đại học Dược Hà Nội, anh Tùng đã mải mê với những công trình nghiên cứu. Tốt nghiệp, anh lên đường du học Thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Seoul- Hàn Quốc, sau đó nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đan Mạch, rồi sang Mỹ làm trợ lý giáo sư tại Đại học Pittsburgh nhằm mở mang tầm nhìn, hiểu biết về nền khoa học thế giới. Trải qua 8 năm học tập, làm việc tại nhiều quốc gia, anh Tùng tích lũy cho bản thân nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học.

Anh Tùng cũng nhận được nhiều lời mời làm việc với mức đãi ngộ hấp dẫn ở các quốc gia. Tuy nhiên, cuối năm năm 2019, anh quyết định trở về Việt Nam và chọn trường Đại học Phenikaa làm điểm dừng chân. Anh lập ra nhóm nghiên cứu thuốc mới và trực tiếp làm trưởng nhóm.

Hiện anh Tùng và nhóm nghiên cứu là những người đầu tiên đi theo con đường tổng hợp thuốc. "Khát vọng lớn nhất của tôi và nhóm nghiên cứu là trong tương lai Việt Nam sẽ làm chủ hoàn toàn quy trình từ nghiên cứu, phát triển, tổng hợp sản xuất được các loại thuốc. Nước ngoài sẽ đến đất nước chúng ta để mua bản quyền sản xuất thuốc", Tiến sĩ Tùng chia sẻ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh Tùng là khi bài báo đầu tiên mà anh là tác giả chính (khi còn là sinh viên đại học năm thứ tư) được công bố trên tạp chí ISI, về các chất mới có tiềm năng điều trị ung thư. Với anh Tùng, việc một sinh viên có bài báo khoa học trên tạp chí ISI chính là niềm hạnh phúc lớn, là động lực để tôi quyết định theo đuổi nghiên cứu khoa học sau khi tốt nghiệp. Thời điểm đó, nhiều bạn đồng lứa sau khi ra trường lựa chọn kinh doanh dược - một công việc có thu nhập cao hơn rất nhiều so với theo đuổi nghiên cứu khoa học. Trong khi đó anh lại đam mê con đường nghiên cứu.

Giai đoạn sinh viên, đã không ít lần anh Tùng mải mê nghiên cứu xuyên trưa tại trường, quên ăn để giải quyết những công đoạn khó. Song, quãng thời gian khó khăn nhất mà anh trải qua là giai đoạn 4 tháng đầu học thạc sĩ Hóa dược tại ĐH Quốc gia Seoul, Hàn Quốc. Lúc đó khoảng năm 2012, anh mới 23 tuổi. 

Môi trường nghiên cứu khoa học tại Hàn Quốc khá khắc nghiệt. Thuở đó, có những hôm, anh Tùng làm việc tại phòng thí nghiệm từ sáng sớm đến 1-2 sáng ngày hôm sau. Làm việc vào ngày nghỉ cuối tuần là hoàn toàn bình thường. Có những lúc anh đã muốn bỏ cuộc. Thế nhưng, niềm đam mê nghiên cứu khoa học cũng khiến anh vượt qua tất cả. 

Chia sẻ về công việc hiện tại, Tiến sĩ Tùng cho hay, khó khăn nhất trong quá trình phát triển sâu hơn thuốc điều trị HIV mới là việc thử nghiệm phải phụ thuộc vào cơ sở vật chất, trang thiết bị của nước ngoài. "Những phát minh, sáng kiến về các chất hóa dược vẫn có thể được tiến hành tại Việt Nam, song công việc thử nghiệm sinh học thì hiện vẫn phải thực hiện ở châu Âu", anh Tùng cho hay.

Về các sản phẩm thuốc "Make in VietNam", hiện nay nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Tùng đang phát triển tổng hợp các peptit kháng khuẩn tự nhiên dùng ngoài da để điều trị nhiễm khuẩn, làm liền sẹo. Đây là nhóm sản phẩm về dược mỹ phẩm. Sản phẩm này đang trong quá trình thử nghiệm để trở thành sản phẩm thuốc dùng ngoài da thay thế kháng sinh.

Nhìn về tương lai, Tiến sĩ Tùng mong muốn sẽ mở rộng nhóm nghiên cứu để trở thành một nhóm nghiên cứu mạnh, tiên phong trong lĩnh vực tổng hợp thuốc tại Việt Nam.

Với những kết quả vượt trội và những đóng góp về khoa học, hiện Tiến sĩ Trương Thanh Tùng là thành viên Ban biên tập của 6 tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI, như Bioorganic & Medicinal Chemistry,... Mới đây, TS Tùng vinh dự được nhận giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu thủ đô Hà Nội năm 2022; lọt vào danh sách 20 đề cử cho Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022.Anh cũng từng đạt giải thưởng Quả cầu vàng 2021.

Tháng 11/2022, TS Trương Thanh Tùng là nhà khoa học trẻ (ngoài Mỹ) đầu tiên của Việt Nam được hội đồng quốc tế bầu trực tiếp là thành viên chính thức của Hiệp hội khoa học nghiên cứu quốc tế danh giá Sigma Xi.

Sigma Xi là một trong những hiệp hội khoa học nghiên cứu lâu đời và uy tín nhất thế giới, được thành lập vào năm 1886, có trụ sở tại Mỹ. Trong suốt 136 năm lịch sử, Hiệp hội đã có hơn 200 thành viên đạt giải thưởng Nobel, bao gồm các nhà khoa học nổi tiếng như: Albert Einstein, James Watson...

Năm 2022, TS Trương Thanh Tùng xuất sắc vượt qua hơn 2.000 hồ sơ, được bầu chọn là 1 trong 28 nhà khoa học trẻ tiêu biểu thế giới. Hiện anh là thành viên hội đồng biên tập của 6 tạp chí quốc tế ISI, tham gia phản biện cho 20 tạp chí top đầu của hệ thống các nhà xuất bản trên thế giới… Anh đang sở hữu hơn 40 công bố khoa học quốc tế.

Thùy Chi

Top