Tiếp thu kiến thức pháp luật thông qua phiên tòa giả định về xét xử vụ án ma túy

08/11/2023 14:49

(Chinhphu.vn) - Phiên tòa giả định được xem là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả với tình huống giả định sát thực tế, nội dung thể hiện sinh động đã giúp các em học sinh cùng những người tham dự phiên tòa nhận thức rõ hành vi sai phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, từ đó góp phần nâng cao ý thức và hình thành chuẩn mực ứng xử.

Tiếp thu kiến thức pháp luật thông qua phiên tòa giả định về xét xử vụ án ma túy - Ảnh 1.

Học sinh nhiều địa phương đã tái hiện lại tình huống giả định liên quan đến vi phạm về ma túy

Tái hiện sinh động giúp tăng hiệu quả tuyên truyền đến học sinh

Tại Lạng Sơn, sáng 6/11, các cơ quan tư pháp trên địa bàn huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Trường THPT Lộc Bình để tổ chức chương trình phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên, học sinh năm 2023 tại trường THPT Lộc Bình.

Tại phiên tòa giả định có trên 1.300 học sinh tham dự xét xử giả định vụ án hình sự "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" đối với các bị cáo Hoàng Chí Dũng sinh năm 2000 và Hoàng Văn Học sinh năm 2001, cùng là sinh viên.

Theo cáo trạng, ngày 18/5/2023 (ngày sinh nhật của Học), Dũng đã bàn với Học cùng góp tiền mua ma túy để sử dụng trong lúc tổ chức sinh nhật và được Học đồng ý.

12 giờ cùng ngày, Dũng trực tiếp đi mua ma túy đá với một người đàn ông làm nghề xe ôm (không rõ lai lịch) với giá 500.000 đồng.

Đến 21 giờ 30 phút cùng ngày, Dũng và Học rủ các bạn đến dự sinh nhật cùng sử dụng ma túy đá tại phòng ký túc xá.

Khi các đối tượng đang sử dụng ma túy thì bị Ban Quản lý Ký túc xá phát hiện và thông báo cho lực lượng công an đến lập biên bản, bắt quả tang và thu giữ các vật chứng liên quan.

Hành vi của Hoàng Chí Dũng và Hoàng Văn Học đã phạm vào tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại điểm b, Khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Chí Dũng 7 năm 6 tháng tù, bị cáo Hoàng Văn Học 7 năm tù.

Đại diện lãnh đạo huyện Lộc Bình cho biết, bên cạnh việc phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy đến với các em học sinh, thì việc lồng ghép chương trình trong phiên tòa giả định còn giúp các em học sinh được tham gia phần hỏi - đáp tìm hiểu kiến thức pháp luật liên quan đến phòng, chống ma túy và phòng, chống tệ nạn xã hội khác.

Tương tự, tại tỉnh Bình Thuận, Phòng Tư pháp huyện Hàm Thuận Bắc vừa phối hợp với Huyện đoàn tổ chức phiên tòa giả định tại Trường THCS Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc. 

Tại đây, phiên tòa giả định thu hút hơn 300 đoàn viên, học sinh Trường THCS Ma Lâm. Đây là mô hình tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả đã được huyện Hàm Thuận Bắc triển khai trong những năm qua, góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật cho đoàn viên, học sinh.

Phiên tòa giả định có sự tham gia của “Hội đồng xét xử” là người hoạt động trong các cơ quan tố tụng của huyện khiến cho phiên tòa giả định y như thật, thu hút sự chú ý của các em học sinh. Qua đó giúp các em hiểu hơn về mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy là vi phạm pháp luật, cũng như các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy khi ban tổ chức đặt câu hỏi đố vui có thưởng có liên quan nội dung xét xử tại phiên tòa.

Ông Trần Ngọc Diệu, Bí thư Huyện đoàn Hàm Thuận Bắc, cho biết phiên tòa giả định là một trong những hoạt động kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 của Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Huyện đoàn và các đơn vị khác trên địa bàn huyện. Đây cũng là sân chơi bổ ích giúp cho đoàn viên, học sinh không chỉ có thêm kiến thức pháp luật mà còn có cơ hội giao lưu, học hỏi, tự tin thể hiện mình trước đám đông.

Tại Tiền Giang, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Gò Công Đông vừa phối hợp cùng Ban Liên lạc Hội đồng hương sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM, Hội đồng hương sinh viên Tiền Giang tại TPHCM tổ chức chương trình "Phiên tòa giả định" nhằm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh. Chương trình thu hút hơn 150 đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn huyện tham dự.

Phiên tòa giả định được xây dựng kịch bản như một phiên tòa thực tế và được các bạn sinh viên tái hiện lại tình huống giả định là một học sinh đang học trung học phổ thông, nhiều năm liền là học sinh giỏi nhưng vì thiếu suy nghĩ đã bị đối tượng xấu lôi kéo dẫn đến có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và bị bắt quả tang. Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép chất ma túy" đối với bị cáo đang trong độ tuổi thanh niên với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ban Thường vụ Huyện Đoàn Gò Công Đông đánh giá, chương trình đã giúp các em học sinh hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về ma túy, hành vi phạm tội, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật… Đây là hoạt động hết sức bổ ích đối với các em học sinh, khi hiện nay ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội; đồng thời là cách tuyên truyền hiệu quả cho đoàn viên, học sinh, góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi học đường.

Tiếp thu kiến thức pháp luật thông qua phiên tòa giả định về xét xử vụ án ma túy - Ảnh 2.

Những phiên tòa giả định giúp học sinh có thêm kiến thức về pháp luật

Nâng cao nhận thức để phòng, tránh những vi phạm

Phiên tòa giả định (mô phỏng phiên tòa) là một phương pháp đào tạo và thảo luận phổ biến trong lĩnh vực pháp lý. Nó cho phép các luật sư, sinh viên luật và những người quan tâm khác (như cha mẹ, học sinh, giáo viên...) được trải nghiệm quá trình tòa án một cách tương đối thực tế.

Theo các luật sư, trong phiên tòa giả định, vụ án hư cấu được tạo ra để tái hiện một tình huống pháp lý cụ thể. Các bên sẽ phải xem xét bằng chứng, chứng minh lập luận và đưa ra những câu hỏi chính xác để thẩm định sự thật. Đây là một cơ hội tuyệt vời để thực hành các kỹ năng pháp lý cần thiết như nói trước công chúng, trình bày luận điểm và thuyết phục.

Các phiên tòa giả định được tổ chức tại nhiều địa điểm, ở các khoảng thời gian khác nhau nhưng đều có chung một đặc điểm là thu hút được lượng người xem đông đảo, nhất là các đoàn viên thanh niên, học sinh, những đối tượng chưa có kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo. Đối với nhiều học sinh, việc tham dự các phiên tòa như thế này còn khá mới mẻ, có em thậm chí còn chưa hình dung được phiên tòa giả định là như thế nào, nhưng khi bắt đầu phiên tòa, các em đều bị lôi cuốn vào từng tình tiết của vụ án, chăm chú theo dõi từ cáo trạng, quá trình xét hỏi, tranh luận giữa luật sư và đại diện Viện Kiểm sát và việc tuyên án của Chủ tọa phiên tòa.

Trực tiếp theo dõi phiên tòa giả định từ đầu đến khi kết thúc, nhiều học sinh bày tỏ cảm xúc ngạc nhiên và cho biết, phiên tòa đã cung cấp cho các em những kiến thức pháp luật cơ bản, sát thực tế. Trước đây, các em chỉ biết được diễn biến phiên tòa qua chương trình truyền hình "Tòa tuyên án" nhưng tham sự phiên tòa mới tận mắt thấy được một phiên tòa diễn biến ngoài thực tế, càng thấy được sự uy nghiêm trong phiên tòa, càng thấy rõ được tính răn đe và thông điệp tuyên truyền về pháp luật đối với học sinh.

Có thể nói, những phiên tòa giả định mang tính trực quan như trên không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng, mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn hoạt động của những người cầm cân nẩy mực, giúp người xem biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính "hướng thiện" trong chính sách hình sự của nước ta đối với những người đã phạm tội thông qua mức án được tuyên xử.

Đồng thời, thông qua những phiên tòa giả định cũng giúp các em có nhận thức tự rèn luyện bản thân, trau dồi khả năng tranh tụng trước khi bước vào một phiên tòa công lý thực sự; đồng thời có cơ hội giao lưu với các đoàn viên các chi đoàn các trường học khác để học hỏi kinh nghiệm trong công tác tổ chức phiên tòa.

Với mục đích tuyên truyền phòng chống ma túy, nhiều trường học, nhiều địa phương đang tích cực xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều phiên tòa giả định hơn nữa với các tiêu chí nâng cao chất lượng của từng phiên tòa, đa dạng hóa các tội phạm trong vụ án, đa dạng nơi tổ chức phiên tòa để đưa pháp luật đến gần hơn với các em học sinh, nhất là trong thời điểm tình hình ma túy đang diễn ra phức tạp hiện nay.

Giang Oanh

}
Top