Tiếp tục cảnh báo ma túy 'ngụy trang' trong thực phẩm, thuốc lá điện tử

24/04/2023 08:01

(Chinhphu.vn) - Công an TPHCM vừa phát đi thông báo để người dân cảnh giác với dạng ma túy mới nhắm đến dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng.

Tiếp tục cảnh báo ma túy trộn trong thực phẩm, thuốc lá điện tử - Ảnh 1.

Ma túy trộn trong thuốc lá điện tử

Theo Công an TPHCM, thời gian gần đây, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến rất phức tạp. Các đường dây tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đa phần hoạt động với quy mô lớn, địa bàn rộng, liên tỉnh hoặc xuyên quốc gia; tội phạm ma túy hoạt động có tổ chức, có sự phân công, phân cấp, phân quyền, trách nhiệm cụ thể giữa các đối tượng. Hầu hết các nhóm tội phạm về ma túy đều thích ứng áp dụng công nghệ thông tin: liên lạc, mua bán, trao đổi hàng hóa thông qua mạng xã hội với các phương thức, thủ đoạn rất đa dạng, tinh vi … nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng và rút ngắn thời gian giao dịch với độ bảo mật cao.

Theo thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, hiện nay, khoảng 95% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, trong số này có tới 70% - 75% là giới trẻ, học sinh, sinh viên (độ tuổi từ 17 đến 35 tuổi). Những ngày gần đây trên địa bàn cả nước nói chung và TPHCM nói riêng xuất hiện một số dạng ma túy mới, đã gây ra các tác hại không nhỏ đến sức khỏe của các em học sinh, sinh viên như chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu… Từ đó có thể thấy học sinh, sinh viên là những đối tượng mới lớn, đang trong độ tuổi hình thành nhân cách, đễ bị dụ dỗ, lôi kéo, thích trải nghiệm những cái mới và muốn thể hiện bản thân nhanh chóng trở thành mục tiêu mà tội phạm ma túy hướng tới.

Phương thức, thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm

Theo Công an TP, tội phạm thường sử dụng ma túy ngụy trang, "núp bóng" dưới hai dạng: Các loại hàng hóa (bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm...) có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng. Ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử... Người dân nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa, thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Các đối tượng chế biến, sản xuất những loại ma túy mới, chưa có trong danh mục cấm pha, trộn trong dung dịch thuốc lá điện tử (thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine - một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của trẻ. Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong. 

Ngoài ra, chúng ta cũng cần cẩn trọng cả với những sản phẩm bao bì ghi không chứa nicotine nhưng thực chất vẫn có. Trong thuốc lá điện tử còn chứa các chất hoá học phụ gia như methyl salicylate, glycerin, hay propylence glycol. Đây là các hóa chất có thể gây ung thư hoặc tổn thương phổi). Đối tượng thông qua thuốc lá điện tử để kinh doanh, buôn bán, lôi kéo người dân sử dụng trái phép. Các chất ma túy mới bao gồm: 1eP-LDS, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC, MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA, 4F-MDMB-BUTICA, 4F-ABUTINACA; tác hại của loại ma túy này sẽ gây ra ảo giác, có thể xuất hiện co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng.

Tội phạm ma túy cũng thường sử dụng công nghệ thông tin, mạng Internet để trao đổi, mua bán và rút ngắn thời gian giao dịch với độ bảo mật cao, điển hình như: lập các nhóm chát kín trên các nền tảng mạng xã hội của nước ngoài như: Telegram, Viber…; thay đổi phương thức giao dịch, vận chuyển bằng cách sử dụng các đơn vị vận chuyển trung gian như: Grab, Bee, Gojek…để vận chuyển, mua bán ma túy đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, khám phá của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, ma túy "núp bóng" thường được đựng trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây có in các dòng chữ dễ nhầm lẫn như: Crispy fruit, Crispy fruit grape, Mango, Yaoyao hoặc "nước dâu", "nước vui", cà phê "White Coffe", "CHALI"....được vận chuyển về Việt Nam theo dạng hàng hóa xách tay, đường bộ, đường thủy, đường hàng không…; được rao bán tại các shop Online, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường…. Cá biệt các đối tượng cũng bán tại các cơ sở giáo dục, các trường đại học, trung học…nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy.

Gia đình và nhà trường cần nhận biết dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy

Khi thấy nạn nhân có những dấu hiệu dưới đây, Công an TP đề nghị gia đình và những người có trách nhiệm trong nhà trường có biện pháp giúp đỡ, đưa đi xét nghiệm khi thấy học sinh, con em mình thay đổi bất thường về giờ giấc sinh hoạt, thức khuya, đêm ít ngủ, dậy trễ, ngày ngủ nhiều; hay tụ tập, đi lại với người không có việc làm, không lao động, không học hành, hay chơi thân với người nghiện ma túy.

Đi lại có quy luật, mỗi ngày cứ đến một giờ nhất định nào đó, dù đang bận việc gì cũng tìm cách kiếm cớ để đi. Thường tụ tập nhóm đi bar, vũ trường, thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử; khi ở nhà ít tiếp xúc với người khác (kể cả người thân trong gia đình); hay ngáp vặt, người lừ đừ, mệt mỏi, lười lao động, không chăm lo vệ sinh cá nhân (lười tắm). Nếu là học sinh thì đi học muộn, trốn học, học lực giảm sút, ngồi học trong lớp hay ngủ gà ngủ gật.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu tiền ngày một nhiều, sử dụng tiền không có lý do chính đáng, thường xuyên xin tiền người thân, hay bán đồ đạc cá nhân và gia đình (trộm cắp đồ trong gia đình). Đối với người đã nghiện nặng, ngoài các dấu hiệu ở trên còn có các biểu hiện khác như: sức khỏe giảm sút rõ rệt, thường xuyên ngáp, mắt lờ đờ, môi thâm, cơ thể hôi hám, ăn mặc luộm thuộm.

Nêu cao cảnh giác và kiên quyết tố giác tội phạm

Từ phương thức, thủ đoạn trên, Công an TPHCM đề nghị các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình, bản thân các em học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên cập nhật, theo dõi các thông tin tuyên truyền về tác hại của ma túy (đặc biệt là các loại ma túy mới); phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy để nhận biết, phòng ngừa tránh các nguy cơ, rủi ro liên quan đến ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội (chú ý giáo dục, khuyến cáo con em mình trong các độ tuổi thanh, thiếu niên không tham gia tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, đặc biệt loại ma túy mới như: thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tinh thần không rõ nguồn gốc hoặc chưa được chính quyền cấp phép lưu hành tại Việt Nam; thường xuyên quan tâm đến những biểu hiện về tâm sinh lý của con, em mình, sớm phát hiện những biểu hiện bất thường về giờ giấc sinh hoạt, tâm sinh lý để kịp thời có biện pháp động viên, ngăn chặn nếu nhận thấy các em có sử dụng các thực phẩm, chất kích thích không rõ nguồn gốc).

Tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm liên quan đến ma túy, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm về ma túy. Mạnh dạn tố cáo những tổ chức, cá nhân có hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy cho chính quyền địa phương (Công an phường hoặc UBND phường) nơi mình cư trú; vận động người nghiện tham gia cai nghiện tại cơ sở chữa bệnh của nhà nước hoặc các cơ sở cai nghiện tư nhân để họ từ bỏ ma túy góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

Đối với các dịch vụ kinh doanh có điều kiện và các hộ kinh doanh khác tuyệt đối không được tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc kích thích (có thể là ma túy núp bóng) trôi nổi không rõ nguồn gốc…để bày, bán dễ gây nhầm lẫn cho người dân khi mua, sử dụng như các thực phẩm thông thường.

Vĩnh Hoàng

Top