Tiếp tục đóng góp vào công tác phòng, chống HIV/AIDS

29/03/2022 18:37

(Chinhphu.vn) - Trong nhiệm kỳ tới, Hội Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục củng cố tổ chức; đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống HIV/AIDS, đồng thời cung cấp các dịch vụ y tế, đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển nguồn lực cho người nhiễm HIV/AIDS…

Tiếp tục đóng góp vào công tác phòng, chống HIV/AIDS  - Ảnh 1.

Ra mắt Ban Chấp hành Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026

Chiều 29/3, Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 (nhiệm kỳ 2021-2026).

Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam được thành lập vào tháng 6/2007. Sau gần 15 năm phát triển, các hoạt động của Hội đã đóng góp không nhỏ vào sự thành công trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của nước ta. Hội đã tích cực tuyên truyền và huy động cộng đồng tham gia phòng chống HIV; chia sẻ kiến thức cho cộng đồng hiểu về HIV và tham gia phản biện các văn bản pháp quy của Nhà nước…

Hội đã tìm kiếm các nguồn lực, phối hợp với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan biên soạn tài liệu và tổ chức đào tạo cho người nhiễm HIV tự nguyện, còn sức khỏe và có trình độ văn hóa trở thành các "nhân viên chăm sóc đồng đẳng HIV/AIDS"; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực quản lý, kiến thức, kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS; cập nhật diễn biến tình hình dịch HIV trên thế giới và Việt Nam, những tiến bộ trong điều trị, dự phòng, chăm sóc cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS tại gia đình và cộng đồng; chống kỳ thị phân biệt đối xử… ; tham gia tích cực các hoạt động của Chương trình Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS…

Trong nhiệm kỳ tới Hội Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục củng cố tổ chức, tăng cường phát triển năng lực; đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông về phòng chống HIV/AIDS, lồng ghép các nội dung phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; về giới- bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục; cung cấp các dịch vụ y tế, đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển nguồn lực cho người nhiễm HIV/AIDS…

Phát biểu tại đại hội, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, thời gian tới, Hội cần tăng cường kết nạp hội viên để tăng thêm hiệu quả trong các hoạt động của Hội; tập trung vào các hoạt động có thế mạnh; nâng cao năng lực cho mạng lưới hội viên; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ hoạt động chuyên môn, kiến thức trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS…

Đại hội nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã bầu ra Ban chấp hành gồm 51 người. PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) làm chủ tịch Hội.

Năm 2021, cả nước phát hiện được 13.223 trường hợp nhiễm HIV, trong đó tỷ lệ nhiễm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cao nhất (27%) và TPHCM (26%). 84,7% là nam giới, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%). Nhìn chung, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao đã giảm đáng kể và tỷ lệ chung trong cộng đồng được kiểm soát ở mức dưới 0,3%.

Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS trong vài năm gần đây có diễn biến đáng quan ngại. Tỷ lệ nhiễm HIV có xu hướng gia tăng ở một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Trong khi tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ bán dâm được khống chế ở mức thấp (trên dưới 3%) trong nhiều năm, thì tỷ lệ này ở nhóm tiêm chích ma túy vẫn có khá cao (trên 12%). Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng lên một cách đáng lo ngại, từ 6,7% năm 2014 lên 12,2% (2017) và 13,3% (2020). Một số địa phương, tỷ lệ MSM chiếm đến 50-70% tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện.

Năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã đạt kết quả tốt ở một số lĩnh vực. Về mở rộng và đa dạng hóa xét nghiệm HIV, ngành Y tế đã triển khai xét nghiệm sàng lọc tại 1.345 cơ sở; cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng tại 33 tỉnh/thành phố; triển khai xét nghiệm khẳng định HIV tại 144 phòng xét nghiệm tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 57 cơ sở tại tuyến huyện. Triển khai xét nghiệm nhiễm mới tại 17 tỉnh trọng điểm.

Bảo đảm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trong bối cảnh COVID-19; mở rộng điều trị ARV đúng kế hoạch và duy trì chất lượng điều trị; mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP); đồng thời mở rộng điều trị Viêm gan trên bệnh nhân đồng nhiễm HIV/VGC.

Năm 2022, Hội sẽ sát cánh cùng Bộ Y tế và các thành viên tiếp tục thúc đẩy đa dạng và mở rộng xét nghiệm HIV; duy trì điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho trên 50.000 bệnh nhân; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) cho 45.000 bệnh nhân; điều trị ARV cho 170.000 bệnh nhân HIV/AIDS… Đặc biệt sẽ hướng dẫn các địa phương xây dựng và trình duyệt đề án, kế hoạch bảo đảm tài chính để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Giang Oanh

Top