Tổng kết Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp

20/12/2023 17:18

(Chinhphu.vn) - Qua 1 năm triển khai Đề án thí điểm cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh, hoạt động này đã góp phần không nhỏ vào hoạt động giảm hại, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Tổng kết Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp- Ảnh 1.

Xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi

Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giai đoạn 2022 - 2023 bắt đầu được triển khai tại tỉnh Điện Biên từ tháng 6/2022 - 11/2023.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ký hợp đồng với các nhóm tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng gồm nhóm Hoa Ban Trắng, nhóm Hướng Dương và nhóm Bình Minh, tổ chức các hoạt động như: Truyền thông, tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; cấp phát vật phẩm can thiệp giảm hại; chuyển người có nhu cầu tiếp cận điều trị Methadone và chuyển gửi xét nghiệm khẳng định HIV và điều trị ARV… cho các đối tượng gồm người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, bạn tình của nam quan hệ tình dục đồng giới.

Qua 1 năm triển khai Đề án thí điểm cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh, hoạt động này đã góp phần không nhỏ vào hoạt động giảm hại, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên, các tổ chức này còn gặp một số khó khăn trong hoạt động, như: Kinh nghiệm, khó tiếp cận đối tượng, khó khai thác thông tin khách hàng, một số khách hàng không muốn cung cấp các dịch vụ từ lần thứ hai trở đi…

Đại diện Sở Y tế Điện Biên cho biết, hiện nay, các tổ chức xã hội có thể tham gia vào hầu hết các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với lợi thế cung cấp các dịch vụ trực tiếp. Tuy nhiên, kinh phí của phần lớn các hoạt động đều do tài trợ từ các tổ chức quốc tế mà hiện nay, các tổ chức quốc tế đang tiếp tục cắt giảm hỗ trợ tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Chính vì vậy, nguy cơ dịch HIV/AIDS quay trở lại là rất lớn trong khi Điện Biên là tỉnh nghèo. Trong bối cảnh này, UNAIDS đã hỗ trợ kinh phí triển khai thí điểm ở 3 huyện trọng điểm về ma túy, HIV/AIDS của tỉnh gồm: TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Mường Ẳng.

Đại diện tỉnh Điện Biên trân trọng cảm ơn UNAIDS và Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã hỗ trợ và cũng đề nghị 2 đơn vị tiếp tục đồng hành sâu sát cùng Điện Biên triển khai hoạt động mới nên không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc.

Điện Biên là 1 trong 5 tỉnh được Bộ Y tế phê duyệt thí điểm triển khai hoạt động mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội. Trong 4 gói dịch vụ thí điểm, Điện Biên lựa chọn Gói dịch vụ giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV gồm: phân phát bơm kim tiêm sạch và tư vấn, chuyển gửi người nghiện chích ma túy tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện; phân phát bao cao su cho phụ nữ bán dâm; phân phát bao cao su và chất bôi trơn cho người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và Gói dịch vụ tiếp cận, tư vấn, xét nghiệm HIV không chuyên do cộng đồng thực hiện.

Dự án thí điểm được tiến hành trong giai đoạn 2022-2023 với 02 mục tiêu cụ thể: đánh giá nhu cầu và xây dựng năng lực cần thiết cho các bên tham gia thí điểm tại tỉnh Điện Biên và thí điểm mua sắm gói dịch vụ giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV và gói dịch vụ xét nghiệm HIV không chuyên do cộng đồng thực hiện bằng hình thức đặt hàng dịch vụ với tổ chức cộng đồng chưa có tư cách pháp nhân tại thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Mường Ẳng.

Tính đến tháng 06/2023 lũy tích các trường hợp nhiễm HIV tại Điện Biên là 7.737 trường hợp, số người nhiễm HIV còn sống quản lý được là 3.392 người, ước tính có 3.619 người nhiễm HIV đang còn sống trong cộng đồng. Như vậy hiện đã có khoảng 93,73% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Trong 6 tháng năm 2023 phát hiện 48 trường hợp nhiễm HIV, (tăng 16 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022).

Hiện nay có 120/129 xã, phường, thị trấn của 10/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV. Tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống quản lý được trong tổng dân số Điện Biên là 0,52%.

Đường lây truyền HIV ở tỉnh Điện Biên đã có sự thay đổi, cao nhất là lây truyền qua đường tình dục, tiếp theo là qua đường máu. Nhiễm HIV qua đường tình dục 6 tháng đầu năm 2023 chiếm 53,06 %.

Thùy Chi

}
Top