Tổng kết Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2023
(Chinhphu.vn) - Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, giai đoạn 2021-2023 nhiều mô hình mới và các kỹ thuật mới về phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai tại Việt Nam.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét đã hỗ trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đến nay đã trải qua 6 vòng và tròn 20 năm.
Riêng với phòng, chống HIV/AIDS, Qũy Toàn cầu đã hỗ trợ Việt Nam một nguồn lực rất quý với gần 295 triệu USD cho riêng. Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu, nhiều mô hình mới và các kỹ thuật mới về phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai tại Việt Nam.
Cũng thông qua sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu, mạng lưới các tổ chức tham gia phòng, chống HIV/AIDS cũng không ngừng được mở rộng và nâng cao năng lực. Từ đó, giúp các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và những người nhiễm HIV cũng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS.
Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS do Quỹ Toàn cầu hỗ trợ giai đoạn 2021-2023 đã được triển khai trong bối cảnh đặc biệt khi một nửa thời gian của dự án triển khai trong bối cảnh dịch COVID 19. Từ đó ảnh hưởng lớn các hoạt động của dự án nhất là các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các địa phương và toàn thể cán bộ Ban quản lý dự án nên các kết quả hoạt động đến nay cũng tương đối tốt. Từ đó góp phần vào việc kiểm soát dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.
Có thể nói sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu trong 20 năm qua cùng chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đóng góp vào việc dự phòng cho khoảng 1 triệu người không bị nhiễm HIV và 200.000 người nhiễm không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS.
Ths. Dương Thu Hằng, Điều phối viên Dự án cho biết, Dự án Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2021-2023 đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Mục tiêu của Dự án là: (1) Duy trì, cải thiện các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng tập trung vào các nhóm đối tượng đích và bạn tình của người nhiễm HIV trong cộng đồng; (2) Mở rộng chẩn đoán sớm thông qua các hình thức xét nghiệm HIV tại cơ sở xét nghiệm, xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các nhóm quẩn thể đích và bạn tình của người nhiễm HIV; (3) Mở rộng, cải thiện chất lượng dịch vụ điều trị ARV để tối đa hóa lợi ích về điều trị, dự phòng giảm lây truyền HIV và giảm tử vong do AIDS, đảm bảo quá trình chuyển sang BHYT được thuận lợi; (4) Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/ AIDS các tuyến; và (5) Nâng cao năng lực ứng phó COVID 19 và giảm ảnh hưởng của COVID-19 đối với các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Qua 3 năm thực hiện, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt chỉ tiêu cam kết với Quỹ Toàn cầu. Có 27/33 tỉnh, thành phố xếp hạng A theo tiêu chuẩn xếp hạng của Quỹ Toàn cầu. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện dự án cũng gặp một số khó khăn vướng mắc như việc mua các sinh phẩm xét nghiệm tải lượng virus HIV; sinh phẩm xét nghiệm CD4 hoặc sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc và khẳng định. Nguồn thuốc ARV từ bảo hiểm y tế cũng không được cung ứng theo kế hoạch. Nhiều cán bộ nghỉ việc do vậy phải tuyển bổ sung cán bộ mới không đáp ứng được nhu cầu…
Thùy Chi