TPHCM: Nỗ lực ngăn chặn lây nhiễm mới HIV trong nhóm MSM
(Chinhphu.vn) - Hiện lây nhiễm HIV ở TPHCM tăng chủ yếu qua đường quan hệ tình dục, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. TPHCM đang nỗ lực ngăn chặn lây nhiễm trong nhóm này, hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Lây nhiễm HIV tăng nhanh và trẻ hóa trong nhóm MSM
Theo số liệu thống kê, tính đến nay, TPHCM phát hiện lũy tích khoảng 68.359 trường hợp nhiễm HIV, chiếm khoảng 24% số người nhiễm HIV trên cả nước hiện nay. Đến tháng 5/2022, có hơn 44.200 bệnh nhân HIV đang được điều trị ARV tại hơn 40 cơ sở y tế công, tư trên địa bàn thành phố, trong đó có 92% bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh.
Kết quả xét nghiệm tải lượng virus HIV cho thấy, 99% đang điều trị ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Ngoài ra, bệnh nhân HIV còn nhận được các dịch vụ y tế khác như điều trị viêm gan C, sàng lọc các bệnh không lây nhiễm, bệnh lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, sức khỏe tâm thần...
Trong những năm gần đây, tại TPHCM số người nhiễm mới HIV tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM), chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ThS. Lương Quốc Bình, Phó trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết: Qua giám sát trọng điểm tại TPHCM trong các năm 2016-2017- 2018 và 2020 cho thấy, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM khá cao (13% -17% -13.8% và 14.7% tương ứng), tập trung ở nhóm MSM có độ tuổi trẻ hóa từ 25 đến 30 tuổi. Riêng trong năm 2021, nhóm MSM nhiễm HIV chiếm tỷ lệ lớn là 76% số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận.
Theo ThS. Lương Quốc Bình, để ứng phó với HIV/AIDS, TPHCM đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường công tác dự phòng cho cộng đồng và dựa vào cộng đồng; tăng cường tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong xã hội nhằm xây dựng ý thức đúng về nguy cơ lây truyền HIV, viêm gan B, viêm gan C, qua đó giúp nâng cao ý thức, chủ động phòng ngừa HIV trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, ngành y tế địa phương cũng đa dạng hình thức truyền thông, tiếp cận và tăng tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao sử dụng các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV... Cung ứng, quản lý, sử dụng thuốc, sinh phẩm và vật dụng can thiệp phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Ngoài ra, để phát hiện người mới nhiễm HIV, ngành y tế thành phố cũng mở rộng hình thức xét nghiệm HIV nhằm, can thiệp bạn tình, bạn chích người nhiễm HIV, kết nối điều trị HIV/AIDS và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Để gia tăng số bệnh nhân HIV/AIDS được tiếp cận điều trị và bảo đảm người nhiễm HIV được điều trị liên tục, bền vững, ngành y tế tỉnh đã chú trọng 3 hình thức: Điều trị qua bảo hiểm y tế; điều trị qua hệ thống y tế tư nhân và điều trị miễn phí.
Đồng thời, bảo đảm hệ thống nhân sự hỗ trợ kỹ thuật cho các chương trình hoạt động từ dự phòng (truyền thông, tiếp cận cộng đồng, điều trị methadone, tư vấn xét nghiệm HIV, giám sát, đánh giá) đến điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS: Điều trị ARV trong ngày; khám chữa bệnh, xét nghiệm cận lâm sàng qua BHYT; các chỉ số cải tiến chất lượng; phối hợp Lao/HIV; các bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C, đồng diễn (các bệnh không lây) các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Giải pháp đạt mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025
Liên Hợp Quốc đã đề ra mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS, tức là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Và trong Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2023 cần đạt các mục tiêu 90-90-90.
Là một trong số ít tỉnh, thành phố phấn đấu đạt được mục tiêu 95-95-95 (tức là 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện) vào năm 2025, hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, để thực hiện được mục tiêu này, hệ thống y tế thành phố tại các tuyến luôn nỗ lực phối hợp cùng nhau triển khai tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS từ dự phòng đến điều trị, nhất là đảm bảo việc điều trị methadone, ARV cho bệnh nhân được liên tục trong thời gian giãn cách xã hội; sự vào cuộc hỗ trợ có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế; các tổ chức xã hội, thiện nguyện, tôn giáo; các tình nguyện viên, cộng tác viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng, các nhóm dựa vào cộng đồng (CBOs).
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên y tế từ thành phố đến địa phương luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm; sáng tạo ứng phó với tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp… để bảo đảm người bệnh được cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV không bị gián đoạn, không để thiếu thuốc điều trị; đặc biệt là việc cung cấp thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone; thuốc ARV (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV-PrEP và điều trị người nhiễm HIV).
Tuy nhiên, đối tượng nguy cơ hiện nay thay đổi, phần lớn những người có nguy cơ lây nhiễm HIV khó tiếp cận và phần lớn là những người có vị trí, địa vị xã hội, yêu cầu bảo mật cao; nhân sự phòng chống HIV/AIDS hiện nay đang thiếu, nên việc triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cũng gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, nguồn lực/ngân sách chính phủ cho chương trình dự phòng còn hạn chế; còn nhiều khó khăn trong việc áp dụng cách tiếp cận sáng tạo và hiệu quả nhằm tăng cường phát hiện ca nhiễm mới và can thiệp kiểm soát chuỗi lây truyền HIV; khó khăn trong việc mở rộng điều trị dự phòng, ARV, lao, STI; đảm bảo tính liên tục của điều trị ARV (người tiêm chích ma túy, thanh thiếu niên, người di cư, các dịch vụ tự chi trả…).
Tính đến 31/12/2021, mục tiêu thứ nhất thành phố đạt 92%; mục tiêu thứ 2 đạt 89%; mục tiêu thứ 3 đạt 98%. Như vậy, TPHCM vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu đã đề ra đối với mục tiêu 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình và 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV.
Để đạt được mục tiêu này, TPHCM cần phải tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, thông tin, đẩy mạnh các hình thức tư vấn xét nghiệm trong cộng đồng; tăng cường tiếp cận và chuyển chuyển gửi người nhiễm HIV để tiếp cận điều trị sớm; đồng thời tăng cường các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và điệu trị dự phòng trước phơi nhiễm…
Thùy Chi