TPHCM: Số ca mắc bệnh lao trong 6 tháng đầu năm tăng cao

05/08/2022 13:48

(Chinhphu.vn) - Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận hơn 8.434 người mắc bệnh lao, tăng 33,3% so với cùng kỳ 2021 (6.327 trường hợp).

TPHCM: Số ca mắc bệnh lao trong 6 tháng đầu năm tăng cao - Ảnh 1.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Ảnh: Thùy Chi

Hiện TPHCM duy trì quản lý điều trị lao đã kháng thuốc tại 24 đơn vị. Thành phố tiếp tục triển khai phác đồ điều trị ngắn hạn hoàn toàn bằng đường uống với thuốc Bedaquiline (điều trị bệnh lao phổi). Tuy nhiên, thành phố vẫn còn rất nhiều khó khăn do nhân sự thiếu nhiều tại các quận, huyện và phòng khám chống lao/HIV. Nhiều cán bộ mới chưa được tập huấn về công tác chuyên môn.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí của chương trình chống lao chưa nhận được kinh phí cho các hoạt động phòng chống lao/HIV năm 2021 cũng như 6 tháng đầu năm 2022 từ nguồn ngân sách nhà nước.

Hoạt động truyền thông phòng chống bệnh lao tuy có duy trì thường xuyên nhưng chưa được đánh giá hiệu quả, chủ yếu tập trung vào sự kiện chiến dịch ngày phòng chống lao thế giới hàng năm.

Khả năng tiếp cận giữa chương trình chống lao và người dân trong cộng đồng còn thấp. Chương trình chống lao vẫn phải duy trì thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ phòng chống lao/HIV và phòng chống COVID-19.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Trong đó, TPHCM là một trong những tỉnh, thành có gánh nặng bệnh lao cao nhất cả nước vì dân số đông.

Hàng năm Việt Nam có hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết do bệnh lao. Mỗi năm Việt Nam đã phát hiện và điều trị hết bệnh cho trên 100.000 bệnh nhân lao. Hiện nay, cả nước duy trì tỉ lệ khỏi bệnh là trên 90% những trường hợp lao mới phát hiện và 70% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Dữ liệu giám sát gần đây cho thấy tỉ lệ lưu hành bệnh lao kháng thuốc đã tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Bệnh lao kháng thuốc thường phát sinh thông qua việc lựa chọn các chủng vi khuẩn đột biến do không tuân thủ điều trị tốt. Chủng vi khuẩn kháng thuốc này lây cho người khác. Do đó, đã phát hiện những người bệnh nhiễm chủng kháng thuốc ngay lần đầu tiên mắc lao.

Thùy Chi

Top