Trách nhiệm của nhà trường và cơ sở giáo dục trong giáo dục phòng, chống mại dâm

06/02/2023 13:37

(Chinhphu.vn) - Hoạt động thông tin, tuyên truyền trong phòng, chống mại dâm chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi nhiều chủ thể trong xã hội cùng tham gia thông tin, tuyên truyền trong phòng, chống mại dâm.

Trách nhiệm của nhà trường và cơ sở giáo dục trong giáo dục phòng, chống mại dâm - Ảnh 1.

Phổ biến, tuyên truyền về phòng chống mại dâm trong một phiên tòa giả định. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

Theo Khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh số 10/2003/PL-UBTVQH11 ngày 17/3/2003, mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm. Trong đó:

- Mua dâm là hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu

- Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác

Các hành vi liên quan đến mại dâm bao gồm: Chứa mại dâm, Tổ chức hoạt động mại dâm, Cưỡng bức mại dâm, Môi giới mại dâm, Bảo kê mại dâm; Lợi dụng hoạt động kinh doanh để hoạt động mại dâm; Các hành vi tiếp tay, che giấu, dung túng để tạo điều kiện, khuyến khích các hoạt động mại dâm. Các hành vi trên đều bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Việc thông tin, tuyên truyền trong phòng, chống mại dâm là vô cùng quan trọng, do phòng, chống mại dâm bước đầu là từ tư tưởng, tư tưởng, mà tư tưởng phòng, chống mại dâm cần được xây dựng thông qua sự tác động của giáo dục, tiếp nhận thông tin từ các nguồn cung cấp thông tin, tiếp nối tư tưởng từ các cá nhân xung quanh. Hoạt động thông tin, tuyên truyền trong phòng, chống mại dâm chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi nhiều chủ thể trong xã hội cùng tham gia thông tin, tuyên truyền trong phòng, chống mại dâm, vì một hoặc một số chủ thể nhất định thì không thể đáp ứng mục đích và hiệu quả của hoạt động thông tin, tuyên truyền trong phòng, chống mại dâm.

Theo đó, môi trường giáo dục là một trong các môi trường thể hiện đủ các khả năng tuyên truyền về phòng, chống mại dâm có hiệu quả nhất (do là môi trường chuyên về giáo dục, đào tạo kiến thức, đạo đức con người), lại tác động lên nhiều nhóm chủ thể khác nhau (từ những nhóm chủ thể ở độ có khả năng tiếp thu kiến thức tốt nhất, tức các chủ thể tham gia học trong chương trình phổ thông, đại học, cho đến những người tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo ngắn hạn).

Trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm

Trong đó, nội dung tuyên truyền, giáo dục phải phù hợp với từng loại hình trường học, trình độ, lứa tuổi, giới tính của học sinh, sinh viên, học viên và phong tục, tập quán của các dân tộc.

Ví dụ, đối với học sinh tiểu học, chưa đủ tuổi và nhận thức để thực hiện hoạt động tuyên truyền, thông tin về phòng, chống mại dâm đến học sinh.

Đối với học sinh trung học cơ sở trở lên, bắt đầu thực hiện các hoạt động tuyên truyền cơ bản về mại dâm như khái niệm mại dâm, các hành vi liên quan đến mại dâm và tại sao mại dâm bị nghiêm cấm, tác hại của mại dâm, các biện pháp phòng, chống mại dâm cơ bản, tác động tư tưởng đến học sinh để nhận thức được sự sai trái của mại dâm và các hành vi liên quan, để học sinh có nhận thức và có thể tuyên truyền đến các cá nhân xung quanh học sinh về việc phòng, chống mại dâm.

Đối với người trưởng thành, hoạt động tuyên truyền phải được thực hiện một cách sâu rộng hơn, do nhóm đối tượng này có nhận thức tốt hơn và đã có kinh nghiệm sống.

Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân địa phương quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên, học viên, tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên, học viên tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm

Trong đó, nội dung phối hợp giữa Nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương bao gồm:

Một là thường xuyên liên lạc, trao đổi với gia đình của học sinh, sinh viên, học viên và Ủy ban nhân dân nơi nhà trường đóng trên địa bàn đó về công tác phòng, chống mại dâm: Hoạt động liên lạc dựa trên mối liên hệ giữa Nhà trường và phụ huynh, đại diện Nhà trường là giáo viên thường xuyên liên lạc với gia đình để thông tin về các hoạt động học tập, hoạt động ngoại khóa,… đối với học sinh và gia đình, đồng thời tuyên truyền với gia đình về các vấn đề xã hội cần giáo dục cho học sinh (trong đó có mại dâm và phòng, chống mại dâm).

Hai là tổ chức các cuộc tọa đàm trao đổi giữa các bên về công tác phòng, chống mại dâm, về biện pháp và các hoạt động giáo dục phòng ngừa phù hợp với lứa tuổi, giới tính, tôn giáo của học sinh, sinh viên, học viên: Các buổi tọa đàm được nhà trường hoặc các tổ chức, cơ quan phối hợp nhà trường thực hiện, giữa học sinh và các chuyên gia, các chủ thể của cơ quan nhà nước về phòng, chống mại dâm

Ba là tổ chức các hoạt động xã hội về địa bàn với sự tham gia của học sinh, sinh viên, học viên như tổ chức các hoạt động xã hội để học sinh được tiếp xúc với môi trường thực tế, hiểu biết hơn về tình hình xã hội, trong đó có vấn đề mại dâm và biện pháp phòng, chống mại dâm.

Vĩnh Hoàng

Top