Tránh biến chứng nguy hiểm của bệnh lao cột sống

21/06/2022 13:22

(Chinhphu.vn) - Theo giới y khoa, bệnh lao cột sống là tình trạng do viêm đốt sống - đĩa đệm do lao. Khi bị mắc bệnh là lúc cột sống bị vi khuẩn lao sau khi qua phổi hoặc hệ thống tiêu hóa sẽ theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận của hệ thống cơ xương khớp.

Tránh biến chứng nguy hiểm của bệnh lao cột sống - Ảnh 1.

Chụp X-quang cột sống chẩn đoán các tổn thương lao

Nguyên nhân bệnh lao cột sống do vi khuẩn lao sau khi qua phổi hoặc hệ thống tiêu hóa sẽ theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó của hệ thống cơ xương khớp gây bệnh.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất từ 21 - 30 tuổi và 41 - 50 tuổi.

Triệu chứng lao cột sống

Bệnh nhân bị bệnh lao cột sống sẽ bị phá hủy các thân đốt sống âm thầm, vì vậy các triệu chứng bệnh lao cột sống xuất hiện rất chậm và thường có các triệu chứng chủ quan giống như lao phổi: Sốt nhẹ về chiều, lười hoặc chán ăn, giảm cân trầm trọng, cơ thể ốm yếu, mệt mỏi.

- Đau vùng đốt sống bị tổn thương: Ban đầu vết đau âm ỉ và có chiều hướng tăng dần vào chiều và đêm. Đau thường khu trú ở khu vực đốt sống vùng ngực là lúc bị lao cột sống ngực. Nếu biểu hiện đau càng dữ dội là lúc cột sống thắt lưng bị phá hủy nặng dẫn đến một hay hai chân co giật và đau lan theo rễ thần kinh bị chèn ép.

- Chân tay bị teo: Chân teo nhỏ lại, đặc biệt là vùng trước ngoài cẳng chân hay bắp chuối chân, thường thấy trong lao cột sống thắt lưng. Kèm theo đó là các biểu hiện liệt vận động hai chân, do chèn ép tuỷ sống, dấu hiệu này xuất hiện chậm hơn.

- Khi hai chân có dấu hiệu bị chèn ép rễ thần kinh sẽ có biểu hiện rối loạn biến dưỡng da, lông, móng.

- Thấy phồng lên trong ổ bụng dưới. Khi áp xe lớn sẽ chui qua dây chằng bẹn, xuống đùi, giống dạng áp xe hình nút áo. Áp xe lao có thể xuất hiện lớn sau mông, vùng tam giác Petit trên mào chậu sau, xuống vùng u toạ, hay ra mặt ngoài đùi,... Khi áp xe quá lớn dưới da, áp xe bể sẽ dẫn đến hiện tượng dò mủ dưới da.

- Liệt vận động hai chân là biểu hiện thường thấy hơn liệt tứ chi, đa phần do lao cột sống ngực thấp.

Đối tượng nguy cơ bệnh lao cột sống

- Người có tiền sử mắc bệnh về lao phổi hoặc lao xương;

- Hay tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh lao;

- Mắc hội chứng suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, các bệnh lý mạn tính khiến hệ miễn dịch yếu,

- Sử dụng thuốc corticoid, thuốc điều trị ung thư;

- Nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ.

Các biến chứng bệnh lao cột sống

Bệnh nếu không được điều trị sớm sẽ để lại những biến chứng nghiêm trọng:

- Chèn ép thần kinh xung quanh do xẹp đốt sống, thoát vị đĩa đệm, do áp-xe lạnh, do viêm màng nhện tủy… gây đau. Nếu chèn ép thần kinh ở vùng cột sống thắt lưng gây yếu liệt hai chân, rối loạn cảm giác vùng hậu môn sinh dục khiến đại tiểu tiện không tự chủ. Chèn ép ở cột sống cổ có thể gây liệt tứ chi....

- Có thể gây biến dạng cột sống, hoặc gù nhọn cột sống;

- Khàn tiếng, gặp khó khăn trong ăn uống;

- Làm tăng nguy cơ bị gãy xương, đặc biệt là vùng cột sống cổ; Nén tủy sống;

- Có thể gây suy hô hấp

- Có thể bị xoang

Người bệnh cần được theo dõi quản lý chặt chẽ, tuân thủ các nguyên tắc điều trị của bác sĩ tránh hiện tượng lao tái phát, lao kháng thuốc.

Các biện pháp điều trị lao cột sống

Bệnh lao cột sống có thể chữa trị khi người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ.

Điều trị lao cột sống: Chữa bệnh lao và chữa những bệnh liên quan đến cột sống.

- Khi bị bệnh bác sĩ sẽ sử dụng các thuốc chống lao, phối hợp nhiều loại rifampicin, rimifon, ethambutol…, điều trị đủ liều, đủ thời gian. Có thể dùng kết hợp với thuốc giảm đau, vitamin và tăng cường dinh dưỡng. Việc sử dụng thuốc phải được bác sĩ theo dõi chặt chẽ

- Nếu bệnh còn nhẹ cần nằm bất động cột sống khoảng 3-4 tháng. Nếu bệnh tiến triển nặng cần sử dụng giường bột, máng bột để cố định cột sống. Có thể tập vận động, xoa bóp chân tay để tránh teo cơ, cứng khớp. Chỉ định ngoại khoa được bác sĩ áp dụng khi đã có biểu hiện chèn ép tủy, chèn ép đuôi ngựa và khi có ổ áp-xe lạnh.

- Điều trị các vấn đề về cột sống: có chế độ nghỉ ngơi phù hợp; tránh mang vác vật nặng; có thể dùng thuốc giảm đau; sử dụng nẹp để cố định trong trường hợp bị gù cột sống.

Vĩnh Hoàng



Top