Phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm giảm gánh nặng bệnh lao

04/05/2022 10:02

(Chinhphu.vn) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch COVID-19 lên số ca tử vong do lao. Kết quả cho thấy, tử vong do lao tăng đáng kể trong năm 2020.

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm giảm gánh nặng bệnh lao - Ảnh 1.

Các quốc gia nên đầu tư nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh nhân lao

WHO dự báo số người mắc lao có thể tăng thêm 1 triệu ca mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2025.

Đồng thời khuyến nghị, các quốc gia nên đầu tư nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh nhân lao để cứu sống thêm hàng triệu người có nguy cơ và đang mắc bệnh lao.

Dịp này, WHO cũng đã có thông tin cập nhật về hướng dẫn thuốc kháng lao (DR-TB). Những cập nhật này bao gồm toàn bộ phác đồ 6 tháng mới ngắn hơn cho đa thuốc và rifampicin (MDR/RR-TB), có hoặc không có thêm fluoroquinolones (thuốc lao kháng) cũng như một phương thức pháp thay thế Phác đồ 9 tháng toàn đường uống để điều trị đa kháng thuốc/RR-TB.

Hiện nay, lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết do bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi. Tại Việt Nan, chấm dứt bệnh lao nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm và hàng trăm nghìn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Theo Chương trình chống lao quốc gia, tại Việt Nam, dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động khám chữa bệnh nhiều nhất kể từ đầu năm 2020. Do đó, việc phát hiện bệnh nhân mới, công tác điều trị, bảo đảm tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát, bệnh nhân lao tái khám, lĩnh thuốc… đã không được thực hiện một cách chính xác và đầy đủ.

Vì vậy, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao, Chương trình Chống lao quốc gia có công văn yêu cầu các địa phương củng cố hệ thống y tế phòng chống lao tại tất cả các tuyến (tỉnh, huyện, xã) song song với kế hoạch ứng phó với dịch COVID-19, đặc biệt là tuyệt đối không chuyển đổi công năng điều trị COVID-19 vượt quá 50% số giường điều trị của các bệnh viện chuyên khoa.

Đồng thời kêu gọi, tuyên truyền để người dân và cộng đồng hiểu: Bệnh lao phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Làm được điều nay sẽ giúp tỉ lệ lây nhiễm và tử vong giảm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân và toàn xã hội.

Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.

Hiện tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.

Giang Oanh

Top