Triển khai các mô hình giảm hại trong phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy
(Chinhphu.vn) - Một trong những giải pháp để phòng chống tệ nạn xã hội hiệu quả là các địa phương cần thí điểm tổ chức các hoạt động hỗ trợ xã hội, các mô hình, chương trình can thiệp, giảm hại đối với người nghiện ma túy, người bán dâm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Tại Hà Nội, trong thời gian qua, tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm diễn biến phức tạp. Theo thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 2.900 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.
Bên cạnh đó, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, kín đáo để môi giới, hoạt động mại dâm thông qua internet, thông qua facebook, zalo... diễn biến phức tạp, rất khó phát hiện và xử lý triệt để.
Tính đến 14/5/2023, tổng số người sử dụng và nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội là 17.268 người (tăng khoảng 5.200 người so với năm 2016). Người nghiện ma túy sử dụng nhiều loại chất ma túy tổng hợp, bán tổng hợp khác nhau (ma túy đá, thuốc lắc, ma túy có nguồn gốc từ thiên nhiên (cỏ mỹ, cần sa, lá khát …) gây tình trạng ảo giác, loạn thần, gây khó khăn trong công tác quản lý và điều trị, đặc biệt số người nghiện ma túy có xu hướng trẻ hóa và gia tăng theo từng năm.
Bà Lê Thị Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH TP. Hà Nội cho biết: "Mại dâm là hiện tượng xã hội và có sự phát triển cùng với xã hội. Xã hội biến chuyển từng ngày trong khi Pháp lệnh phòng chống mại dâm đã có từ khoảng 20 năm nay và chưa có sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung. Khi các chế tài để phòng chống tệ nạn mại dâm chưa có sự đổi mới thì việc giảm hại là rất quan trọng".
Theo quy định, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, xét dưới góc độ hỗ trợ xã hội, người bán dâm là một trong các nhóm dân cư dễ bị tổn thương (bị ngược đãi, bạo lực, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phân biệt đối xử, không tiếp cận được các dịch vụ y tế, xã hội).
Do vậy, cần thiết phải có các biện pháp, giải pháp nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, tình dục an toàn, tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe, cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác (tâm lý, pháp lý), đặc biệt tạo cho họ cơ hội có việc làm, có thu nhập khác để giảm tần suất hoặc dừng công việc bán dâm, ổn định cuộc sống và hòa nhập xã hội.
Từ năm 2019, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội đã tham mưu với Sở LĐTB&XH phối hợp với các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Hai Bà Trưng triển khai hoạt động các mô hình hỗ trợ giảm hại trong công tác phòng, chống mại dâm, bao gồm các hoạt động nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và cung cấp dịch vụ xã hội cho người bán dâm.
Qua đó, đã tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho hơn 3.000 lượt chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ và người lao động làm việc trong cơ sở kinh doanh dịch vụ và 2.000 lượt người bán dâm ngoài cộng đồng để nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ các dịch vụ y tế, pháp lý, tâm lý, giới thiệu việc làm, học nghề; đồng thời tổ chức kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ khách hàng..
Thông qua hoạt động nhóm đồng đẳng, 6 tháng đầu năm 2023 đã tiếp cận được 385 người bán dâm trên địa bàn Thành phố; chuyển gửi xét nghiệm HIV cho 223 người, dự phòng phơi nhiễm HIV cho 4 người, chuyển gửi khám cho 2 người về các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) và xét nghiệm viêm gan B, C, Lao cho 15 người; phát 38.900 bao cao su cho người bán dâm.
Trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, tính đến ngày 14/6/2023, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã triển khai 406 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại 391 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố.
Trong đó có, 284 mô hình "Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng"; 93 mô hình "Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng- Câu lạc bộ B93"; 28 mô hình "Điểm tư vấn hỗ trợ, chăm sóc điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng".
Bà Nguyễn Phương Thúy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) cho biết, Câu lạc bộ B93 thị trấn Trâu Quỳ đi vào hoạt động từ năm 2017. Được sự hỗ trợ của chính quyền và các đoàn thể, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 thị trấn Trâu Quỳ có thể nắm rõ mốc thời gian những người hoàn thành điều trị cai nghiện ma túy trở về với gia đình.
Căn cứ vào hoàn cảnh của từng người sau cai nghiện ma túy, các bên phối hợp xây dựng phương án tiếp cận, trợ giúp theo hướng thân thiện, diễn ra đều đặn hằng ngày. "Mưa dầm thấm lâu", Câu lạc bộ B93 thị trấn Trâu Quỳ hiện có 6 hội viên tham gia sinh hoạt đều đặn. Đặc biệt, 4/6 người nỗ lực tránh xa con đường từng lầm lỡ, hiện không còn trong danh sách người nghiện ma túy thuộc diện quản lý. Các hội viên được tiếp cận với cơ hội học nghề, tạo việc làm, có hội viên mở cửa hàng cắt tóc, mang lại thu nhập ổn định, có hội viên phát triển mô hình trồng giống cây ăn quả…
Tuy nhiên, công tác phòng chống tệ nạn xã hội của Hà Nội cũng nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa có cơ chế chính sách phù hợp để thực hiện các biện pháp giảm hại, hỗ trợ người bán dâm; chưa có mô hình hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy thực sự có hiệu quả để nhân rộng...
Trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giai đoạn 2017-2020, TP.Hà Nội đã triển khai công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng tại 100% xã, phường, thị trấn; đối với các xã, phường, thị trấn không đủ điều kiện để tổ chức điều trị cai nghiện ma túy sẽ phối hợp các Cơ sở cai nghiện ma túy hỗ trợ cắt cơn trong 15 ngày, sau đó về địa phương quản lý, giúp đỡ, các địa phương đã tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho 3.769 lượt người.
Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021, các địa phương phải rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn có chức năng, nhiệm vụ phù hợp cung cấp các dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, nhưng đến nay chưa có địa phương nào công bố cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm có hiệu quả ở một số địa phương
Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, hiệu quả thực hiện hoạt động can thiệp giảm hại, xây dựng các mô hình thí điểm, cung cấp, chuyển gửi các dịch vụ hỗ trợ hoà nhập cộng đồng, đặc biệt các hỗ trợ về giáo dục, vay vốn, dạy nghề, tìm việc làm cho người bán dâm ở nhiều địa phương còn hạn chế; chưa thúc đẩy sự tham gia tích cực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm. Một số địa phương đã tạm ngưng triển khai mô hình hỗ trợ người bán dâm từ giai đoạn 2016-2020 do không có cơ chế, hướng dẫn nội dung chi, mức chi.
Đa số các tỉnh, thành phố chưa quan tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện chính sách cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP (20/63 tỉnh có chỉ đạo triển khai). Ủy ban nhân dân cấp huyện (cơ quan được Luật Phòng, chống ma túy giao chủ trì việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng) chưa thực sự vào cuộc, chưa xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện chính sách này ở địa bàn. Việc xây dựng hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại công đồng gặp nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm; truyền thông, tuyên truyền phòng, chống mại dâm; nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ, các gói dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình thí điểm có hiệu quả ở một số địa phương.
Đồng thời thí điểm một số chính sách hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện thông qua các mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người sau cai nghiện, gia đình người sau cai nghiện thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại một số tỉnh, thành phố.
Hoàng Giang