USAID đồng hành cùng Việt Nam để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

04/03/2022 17:42

(Chinhphu.vn) - Dự án USAID Hỗ trợ chấm dứt bệnh lao áp dụng các sáng kiến và mô hình tiếp cận mới để tiến tới mục tiêu tăng cường phát hiện bệnh lao đưa vào điều trị cho hơn 90% người được phát hiện và đảm bảo điều trị thành công ít nhất 90% bệnh nhân lao. Dự án có mục tiêu hỗ trợ Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

USAID đồng hành cùng Việt Nam để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia đánh giá cao sự hỗ trợ của USAID trong công tác phòng chống lao tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Giang Oanh

Việt Nam hiện vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Ước tính tại Việt Nam mỗi năm có 170.000 ca mắc mới.

Ngày 4/3, Chương trình Chống lao Quốc gia phối hợp cùng dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao do tổ chức FHI 360 thực hiện đã tổ chức trực tuyến Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai năm 2022. Hội nghị đã có sự tham gia của lãnh đạo Chương trình Chống lao Quốc gia, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Vụ bảo hiểm y tế thuộc Bộ Y tế, các y bác sỹ thuộc các Bệnh viện Phổi tỉnh/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện/Trung tâm y tế huyện triển khai Dự án thuộc 7 tỉnh Nghệ An, Thái Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia đánh giá cao sự hỗ trợ của USAID trong công tác phòng chống lao tại Việt Nam: "Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các dịch vụ chẩn đoán và điều trị lao, gây khó khăn thêm cho hoạt động phát hiện bệnh lao tại Việt Nam. Trong năm 2021, USAID hợp tác với Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam triển khai các mô hình sáng tạo và linh hoạt để chẩn đoán và điều trị trị lao trong bối cảnh thách thức của dịch COVID-19. Dự án đã áp dụng Chiến lược 2X, trong đó sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert (một công cụ phát hiện vi khuẩn lao/lao kháng thuốc nhanh chóng) để chẩn đoán lao hoạt động. Nhờ triển khai Chiến lược 2X, chúng ta có thể phát hiện sớm ca bệnh, đưa vào điều trị và cắt đứt nguồn lây của bệnh lao. Nếu bệnh lao được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam".

USAID đồng hành cùng Việt Nam để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 - Ảnh 2.

Bà Ritu Singh, Giám đốc Phòng Y tế, USAID Việt Nam nhận định: "Dự án USAID Hỗ trợ chấm dứt bệnh lao đã có một năm triển khai hoạt động hiệu quả và đáng ghi nhận" - Ảnh: VGP/Giang Oanh

Bà Ritu Singh, Giám đốc Phòng Y tế, USAID Việt Nam nhận định: "Dự án USAID Hỗ trợ chấm dứt bệnh lao đã có một năm triển khai hoạt động hiệu quả và đáng ghi nhận. Chúng tôi vui mừng và vinh dự hợp tác với Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030".

Đặc biệt, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh COVID-19, Dự án đã áp dụng nhiều mô hình linh hoạt khác nhau trong hoạt động phát hiện tích cực các ca mắc lao tại các cơ sở y tế và phát hiện chủ động ca lao và lao tiềm ẩn trong cộng đồng. Dự án đã áp dụng mô hình sử dụng trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ đọc phim X-quang ngực, nâng cao chất lượng và hiệu quả chẩn đoán lao. Trong 12 tháng triển khai tại 33 huyện thuộc 7 tỉnh/thành, dự án đã góp phần phát hiện 2.032 ca lao hoạt động và 1.303 ca lao tiềm ẩn.

Trong năm 2022, Dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chương trình Chống lao Quốc gia và Chương trình chống lao 7 tỉnh triển khai các hoạt động tập trung vào ba mục tiêu chính của dự án. Đó là tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh lao; cải thiện tiếp cận với các dịch vụ toàn diện và thúc đẩy vai trò của địa phương trong ứng phó với bệnh lao.

Giang Oanh

Top