Việt Nam chia sẻ mở rộng PrEP và các sáng kiến mới tại Hội nghị AIDS quốc tế

08/08/2022 16:37

(Chinhphu.vn) - Phần chia sẻ của đại diện Việt Nam tại Hội nghị AIDS quốc tế lần thứ 24 đã tạo ấn tượng và thu hút của hơn 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại phiên họp vệ tinh và hàng nghìn đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến tại các quốc gia trên thế giới.

Việt Nam chia sẻ mở rộng PrEP và các sáng kiến mới tại Hội nghị AIDS quốc tế - Ảnh 1.

PGS. TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS trình bày tại hội nghị. Ảnh: Cục Phòng, chống HIV/AIDS cung cấp

Trong phiên họp vệ tinh do PATH tổ chức tại Hội nghị AIDS quốc tế lần thứ 24 ở Montreal (Canada), Việt Nam được lựa chọn là quốc gia chia sẻ kinh nghiệm về bài học thành công triển khai chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) với chủ đề: Mở rộng PrEP tại Việt Nam: các mô hình dịch vụ khác nhau và các sáng kiến mới trong từng mô hình.

Hơn 52.000 khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP

PGS. TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế Việt Nam), là trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị đã có phần trình bày và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về mở rộng PrEP, các mô hình dịch vụ khác nhau và các sáng kiến mới trong từng mô hình.

Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo về hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP), từ năm 2017 Việt Nam triển khai thí điểm PrEP tại 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Với những bài học thành công từ thí điểm và hiệu quả của PrEP trong dự phòng lây nhiễm HIV, từ năm 2019 đến nay Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng PrEP tại 29 tỉnh, thành phố với 210 cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP.

Tính đến 30/6/2022, Việt Nam có hơn 52.000 khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP. Để mở rộng và tăng số khách hàng nhanh chóng, với sự hỗ trợ của PEPFAR, Quỹ Toàn cầu và các đối tác, các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP đã được triển khai đa dạng và thành công tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân như PrEP lưu động, PrEP từ xa – Tele PrEP, mô hình cung cấp dịch vụ PrEP toàn diện – OSS, cung cấp PrEP cho học sinh, sinh viên... Hầu hết các mô hình đều đơn giản và khách hàng có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PrEP đơn giản, dễ dàng và thuận lợi.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định về PrEP nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục đầu tư, thực hiện trong tương lai để hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Đề xuất các giải pháp bảo đảm tính bền vững của PrEP

Tại phiên họp, Việt Nam tiếp tục đưa ra những khuyến nghị, đề xuất đối với hoạt động PrEP như nghiên cứu triển khai thí điểm liệu pháp điều trị PrEP có tác dụng kéo dài (CAB-LA), tiếp tục triển khai các mô hình, sáng kiến trong cung cấp dịch vụ PrEP và kế hoạch bảo đảm tính bền vững của dịch vụ PrEP.

Được biết, WHO vừa công bố hướng dẫn mới việc sử dụng cabotegravir tiêm tác dụng kéo dài (CAB-LA) như một biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đối với HIV và kêu gọi các quốc gia xem xét lựa chọn biện pháp phòng ngừa an toàn và hiệu quả cao này cho những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Các hướng dẫn này được công bố trước Hội nghị AIDS Quốc tế lần thứ 24 (AIDS 2022), sẽ hỗ trợ các quốc gia khi lên kế hoạch đưa CAB-LA như một phần của phương pháp tiếp cận toàn diện về phòng, chống HIV và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu cần thiết.

CAB-LA là thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV dạng tiêm bắp, có tác dụng kéo dài. Hai mũi tiêm đầu tiên được thực hiện cách nhau 4 tuần, sau đó cứ mỗi 8 tuần tiêm một lần.

PrEP dạng tiêm tác dụng kéo dài sẽ làm tăng sự tuân thủ PrEP, đặc biệt ở nhóm có nguy cơ cao, việc tuân thủ thuốc đường uống kém như: Nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới), những người bị trầm cảm, rối loạn sử dụng chất kích thích, kỳ thị…).

PrEP được viết tắt từ cụm từ Pre-Exposure Prophylaxis. PrEP là loại thuốc ngăn ngừa nhiễm HIV ở những người không nhiễm bệnh. Tuy nhiên, PrEP không dành cho tất cả mọi người, PrEP đặc biệt dành cho nhóm người có nguy cơ mắc HIV cao.

Việt Nam chia sẻ mở rộng PrEP và các sáng kiến mới tại Hội nghị AIDS quốc tế - Ảnh 3.

Đoàn công tác của Bộ Y tế Việt Nam chụp ảnh với đại diện các cơ quan của Chính phủ Hoa kỳ.Ảnh: Cục Phòng, chống HIV/AIDS cung cấp

Tăng cường hợp tác trong phòng, chống HIV/AIDS

Để tăng cường hợp tác trong phòng, chống HIV/AIDS, đoàn công tác của Bộ Y tế Việt Nam đã có 2 buổi làm việc với các cơ quan của Chính phủ Hoa kỳ. Cuộc họp thứ nhất với bà Loyce Pace, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế và Dân sinh Hoa Kỳ, Phụ trách Văn phòng các vấn đề y tế toàn cầu cùng ông Jin Park, văn phòng các vấn đề y tế toàn cầu; ông Eric Dziuban, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Trong cuộc họp, PGS. TS. Phan Thị Thu Hương đã cám ơn các hỗ trợ của Bộ Y tế Hoa Kỳ cho công tác phòng chống HIV/AIDS; phòng, chống COVID-19 và các bệnh dịch tại Việt Nam.

Hai bên trao đổi cởi mở, thẳng thắn các khó khăn, tồn tại trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thiếu thốn cả về nhân lực và vật lực.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương mong muốn, Bộ Y tế Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống bệnh dịch và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tiến tới chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Tại cuộc họp thứ hai với Ông Hank Tomlinson, Giám đốc chương trình HIV/AIDS và Lao Quốc tế, US.CDC, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương mong muốn CDC Hoa Kỳ hỗ trợ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS mới, đáp ứng với tình hình dịch HIV/AIDS đang thay đổi tập trung chủ yếu trong cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ như: Hoạt động truyền thông về nguy cơ lây  nhiễm HIV cho học sinh các trường phổ thông trung học, trường đại học, các khu công nghiệp; đẩy mạnh chương trình PrEP; mở rộng địa bàn đáp ứng chùm y tế công cộng (PHCR) và can thiệp Chemsex.

Thùy Chi

Top