Việt Nam là điểm sáng về chuyển đổi cơ chế tài chính trong điều trị HIV/AIDS

20/09/2022 11:03

(Chinhphu.vn) - Nếu như năm 2016 tỉ lệ người tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT mới chỉ đạt 50%, thì đến năm 2022 tỉ lệ này đã lên đến 95%. Nhờ vậy, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên thế giới về chuyển đổi cơ chế tài chính đối với chương trình điều trị HIV/AIDS.

Việt Nam trở thành điểm sáng về chuyển đổi cơ chế tài chính đối trong điều trị HIV/AIDS - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thùy Chi

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết như trên tại Hội thảo "Đảm bảo nguồn lực tài chính và chuyển giao bền vững chương trình điều trị thuốc kháng HIV tại Việt Nam" vừa được tổ chức tại Nghệ An.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho biết, từ năm 2014, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã bắt đầu xây dựng các cơ chế đưa thuốc ARV từ các chương trình dự án sang chi trả của Quỹ BHYT. Đến năm 2016, Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã tạo một bước ngoặt to lớn trong việc chi trả quỹ BHYT cho các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS. Nếu như năm 2016 tỉ lệ người tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT mới chỉ đạt 50% thì đến năm 2022 tỉ lệ này đã lên đến 95%. Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên thế giới về chuyển đổi cơ chế tài chính đối với chương trình điều trị HIV/AIDS.

Ngoài ra, Quyết định 2188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo một số cơ chế rất đặc thù như thanh toán tập trung trong đó cơ quan bảo hiểm thanh toán cho nhà cung ứng để bảo đảm việc điều phối thuốc trong giai đoạn đầu tiên.

Quyết định cũng đã tạo cơ chế hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc ARV để giúp cho việc tiếp cận công bằng giữa các nhóm bệnh nhân. Để cải thiện hơn nữa công tác cung ứng thuốc, Bộ Y tế giao Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm đơn vị đầu mối đánh giá Quyết định 2188 để có căn cứ trình Thủ tướng chính phủ định hướng giải pháp cung ứng thuốc trong thời gian tiếp theo.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương đề nghị: Các tỉnh/thành phố trao đổi thẳng thắn về những vướng mắc khó khăn đặc biệt là các kiến nghị trong công tác quản lý sử dụng và cung ứng thuốc cũng như các văn bản hướng dẫn để Cục Phòng, chống HIV/AIDS có căn cứ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các giải pháp phù hợp tiếp theo.

Tại Hội thảo, các đại biểu được Ts. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS trình bày về Đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 16/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thanh toán thuốc ARV mua sắm tập trung cấp quốc gia về Tình hình tham gia BHYT trong bệnh nhân điều trị ARV và những thuận lợi khó khăn trong thanh toán thuốc ARV.

Kể từ khi viên thuốc ARV được Quỹ BHYT kê đơn tại các cơ sở điều trị vào ngày 8/3/2019 đến nay trung bình mỗi năm Quỹ BHYT chi trả cả dịch vụ khám chữa bệnh và thuốc ARV lên tới 400 tỷ mỗi năm.

Năm 2022 và 2023 dự kiến riêng thuốc ARV nguồn BHYT lên tới hơn 400 tỷ mỗi năm. Tuy nhiên sau 3 năm thực hiện đã có nhiều vướng mắc khó khăn đặc biệt là vấn đề cung ứng thuốc ARV nguồn mua sắm tập trung bị chậm qua các năm. Việc chậm cung ứng thuốc đã làm khó khăn cho việc kê đơn tại các cơ sở điều trị, việc điều phối thuốc từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố và đặc biệt là gián đoạn điều trị của người bệnh.

Bên cạnh đó, người nhiễm HIV lo sợ kỳ thị phần biệt đối xử nên không muốn tham gia BHYT; việc bảo đảm tham gia BHYT liên tục cho nhóm người nhiễm HIV là công nhân lao động, nhóm lao động ngoại tỉnh, không có mã số định danh là rất khó; nhóm mất giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác định danh tính, phạm nhân mới ra tù cũng rất khó tham gia BHYT; và việc yêu cầu cung cấp thông tin khi mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV theo hộ gia đình cũng khiến việc tham gia BHYT càng khó khăn hơn.

Với sự hỗ trợ và phối hợp của các cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt nam, các Vụ, Cục trong Bộ Y tế, các văn bản hướng dẫn liên tục được cập nhật giúp cho việc cung ứng thuốc được thuận lợi hơn.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng được các chuyên gia chia sẻ về phương pháp Lập kế hoạch nhu cầu, quản lý, sử dụng thuốc ARV mua sắm tập trung cấp quốc gia; Những vướng mắc trong cung ứng thuốc ARV nguồn quỹ bảo hiểm y tế và  Lộ trình hoàn thiện căn cứ pháp lý hướng dẫn đấu thầu, quản lý, sử dụng thuốc ARV của chương trình phòng, chống HIV/AIDS; Tiếp cận thuốc kháng HIV nguồn quỹ BHYT – Góc nhìn từ cộng đồng và Định hướng các nội dung sửa đổi Thông tư số 22/2020/TT-BYT ngày 02/12/2022 quy định việc quản lý thuốc ARV được mua sắm tập trung cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, cùng trao đổi và thảo luận về các nội dung: Lập kế hoạch nhu cầu thuốc ARV; Phương thức thanh quyết toán; Cơ chế thanh toán phần chi phí cùng chi trả thuốc ARV; Phân cấp mua sắm thuốc ARV; nội dung sửa Thông Tư 22/2020/TT-BYT.

Thùy Chi

Top