Tháo gỡ khó khăn để quản lý thuốc chống lao hiệu quả từ nguồn BHYT

27/08/2022 06:47

(Chinhphu.vn) - Từ ngày 1/7/2022, thuốc chống lao đã chính thức được thanh toán bằng nguồn BHYT, qua gần 2 tháng triển khai thực tế đã xuất hiện những khó khăn vướng mắc từ các cơ sở chống lao tuyến tỉnh.

Tháo gỡ khó khăn để quản lý thuốc chống lao hiệu quả từ nguồn BHYT - Ảnh 1.

Bệnh nhân được nhận thuốc lao qua HBYT nhằm bảo đảm tài chính cho chương trình chống lao quốc gia. Ảnh: Thùy Chi

Chương trình Chống lao Quốc gia vừa phối hợp với Dự án Phát triển Hệ thống Y tế Bền vững do USAID tài trợ (LHSS) tổ chức Hội thảo hướng dẫn lập kế hoạch tiếp nhận, quản lý sử dụng, điều tiết thuốc chống lao mua sắm từ nguồn Bảo hiểm Y tế (BHYT) để hỗ trợ các tỉnh, cơ sở y tế quản lý và sử dụng thuốc chống lao hiệu quả từ nguồn BHYT, kịp thời phục vụ người bệnh lao có thẻ BHYT trên toàn quốc.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, BHYT Việt Nam, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội và gần 200 đại biểu đại diện cho 32 đơn vị đầu mối phòng chống lao tuyến tỉnh tại khu vực miền Bắc.

PGS.TS Nguyễn Bình Hoà, Phó Giám đốc Dự án Phòng Chống Lao Quốc gia cho biết, từ ngày 1/7/2022, thuốc chống lao đã chính thức được thanh toán bằng nguồn BHYT, qua gần 2 tháng triển khai thực tế, những khó khăn vướng mắc đã thể hiện rõ nét, các cán bộ chống lao tuyến tỉnh có nhiều băn khoăn, chính vì vậy việc tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn kịp thời cho các tuyến tỉnh là việc làm cấp thiết.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích hướng dẫn chi tiết các hoạt động lập kế hoạch tiếp nhận, cung ứng và quản lý sử dụng, điều tiết sử dụng thuốc chống lao do quỹ BHYT chi trả nhằm bảo đảm việc cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chống lao phục vụ điều trị cho người bệnh lao có thẻ BHYT.

Sau khi lắng nghe báo cáo chi tiết về tiến độ ký hợp đồng và cung ứng thuốc chống lao hạng 1 nguồn BHYT tính đến ngày 15/8, những hướng dẫn chi tiết về cách thức lập kế hoạch tiếp nhận, quản lý sử dụng, điều tiết thuốc chống lao hạng 1 từ các chuyên gia của Bệnh viện Phổi Trung ương – đơn vị đầu mối phòng chống lao quốc gia và đơn vị tài trợ LHSS, các đại biểu tập trung vào giải quyết các vấn đề 2 chiều "Hỏi và trả lời".

Tại hội thảo, nhiều ý kiến từ các đại biểu tuyến tỉnh được đưa ra bàn luận, và nhiều câu hỏi xuất phát từ thực tế phát sinh được giải thích thoả đáng, làm rõ những vấn đề từ lý thuyết đến thực hành, tạo dựng một cơ sở vững chắc để các đơn vị khám chữa bệnh lao hiểu và thực hiện đúng, góp phần phục vụ quyền lợi tiếp cận thuốc lao của người bệnh có BHYT được kịp thời và hiệu quả.

Lao là căn bệnh cần điều trị dài lâu. Trước đây, thuốc chống lao được cung cấp bởi nguồn ngân sách mua sắm từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia, sau đó là Chương trình Mục tiêu Y tế Dân số tới hết năm 2021, điều trị miễn phí cho bệnh nhân lao. Tuy nhiên, do cơ chế tài chính thay đổi, nguồn ngân sách chính phủ hạn hẹp không thể bảo đảm nguồn tài chính bền vững, đầy đủ để cung cấp thuốc chống lao miễn phí cho toàn bộ các bệnh nhân lao lâu dài. Do đó, từ ngày 1/7, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc đã bắt đầu cấp thuốc lao cho bệnh nhân qua BHYT, nhằm đảm bảo tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam.

Dự kiến, một hội thảo tương tự cũng sẽ được tổ chức tại miền Trung và miền Nam trong tháng 8-9/2022 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác phòng, chống lao.

Thùy Chi

Top