Vĩnh Phúc: Đa dạng hóa các mô hình xét nghiệm HIV ở tất cả các tuyến
(Chinhphu.vn) - Đẩy mạnh công tác phát hiện nhiễm mới HIV, ngành y tế tỉnh chủ động tiếp cận, tư vấn cho nhóm nguy cơ cao làm xét nghiệm HIV, đa dạng hóa các mô hình xét nghiệm ở tất cả các tuyến; tăng cường các hoạt động truyền thông để phát hiện, thu dung thêm bệnh nhân mới.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến tháng 7/2022, Vĩnh Phúc phát hiện trên 4.850 người nhiễm HIV, số người nhiễm HIV hiện còn sống là 3.774 người.
Xác định công tác phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài, thời gian qua ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV. Cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, hiểu biết của toàn xã hội về HIV/AIDS, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm hoặc người có liên quan đến HIV/AIDS, ngành đã tổ chức can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV với các hoạt động trao đổi bơm kim tiêm sạch, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho người nghiện chích ma túy…
Nhờ những nỗ lực trong công tác này, trong những năm gần đây cả 3 tiêu chí nhiễm mới, chuyển AIDS và tử vong đều giảm. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, ngành y tế tỉnh vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Đặc biệt, từ năm 2021, thông qua Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS với các hoạt động thiết thực như: Dự phòng cho nhóm người tiêm chích ma túy, gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), điều trị Methadone, điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), tư vấn và xét nghiệm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chương trình can thiệp giảm tác hại, trên địa bàn tỉnh đã có 1.080 bệnh nhân, trong đó có 24 trẻ được nhận thuốc điều trị ARV; tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện đạt 97,2%...
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, ngành y tế tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS ở các ngành, đoàn thể của địa phương.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, 80% tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, 95% tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình, loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, Vĩnh Phúc tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu trọng tâm là đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, đưa tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng virus HIV đạt 95%, tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%...
Bên cạnh đó, duy trì hiệu quả hoạt động điều trị trước phơi nhiễm; tăng cường truyền thông để phát hiện, thu dung thêm bệnh nhân mới và triển khai tốt hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng các chương trình tuyên truyền, phổ biến tác hại của HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh lây nhiễm nhằm huy động sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.
Thùy Chi