Xóa tan nỗi lo gánh nặng bệnh lao

10/07/2022 08:26

(Chinhphu.vn) - Thuốc chống lao nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế được cấp cho bệnh nhân lao trên toàn quốc bắt đầu từ tháng 7, đánh dấu một cột mốc quan trọng nhằm bảo đảm tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để ngành y tế xoá tan nỗi lo gánh nặng bệnh lao.

Xóa tan nỗi lo gánh nặng bệnh lao - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội

Mới đây, sự kiện "Triển khai cấp thuốc lao nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế" do Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến cơ sở y tế 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thể hiện sự nhân văn sâu sắc của chính sách an sinh xã hội. Điều này được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị của tấm thẻ bảo hiểm y tế, tạo nhiều thuận lợi cho cả người bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh.

Việc cấp thuốc lao bằng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế thể hiện sự nhân văn của chính sách an sinh xã hội, điều này sẽ nâng cao giá trị của tấm thẻ bảo hiểm y tế. Từ nay trở đi, người bệnh có thể sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để vừa đi khám bệnh khác, vừa sử dụng thuốc điều trị lao, các quyền lợi vẫn được bảo đảm như trước đây. 

Tại sự kiện "Triển khai cấp thuốc lao nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế" do Chương trình Chống lao quốc gia cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức mới đây, PGS, TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, có đến hơn 30% bệnh nhân lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kỳ vọng với việc chuyển nguồn thanh toán thuốc chống lao hiện nay, sẽ tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế.

Lý giải của cơ quan này cho thấy, người bệnh lao đa số là bệnh nhân nghèo, không thể tự trang trải chi phí điều trị thuốc chống lao, do vậy sẽ là động lực để họ tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các nhà tài trợ đang chuyển hướng từ hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh mua thuốc lao, thành hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, trong một số năm đầu người bệnh chưa có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hỗ trợ từ các nguồn tài trợ, viện trợ hoặc từ ngân sách địa phương để mua thẻ bảo hiểm y tế. Như vậy, việc này sẽ xóa tan đi nỗi lo gánh nặng bệnh lao bấy lâu nay.

Theo phân tích của lãnh đạo Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), tỷ lệ bệnh nhân sử dụng thuốc ARV điều trị HIV tăng từ 60% lên 90% nhờ việc chuyển đổi từ nguồn hỗ trợ, viện trợ sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế và hỗ trợ của các tổ chức để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người chưa tham gia bảo hiểm y tế. Do đó, có cơ sở để khẳng định số bệnh nhân lao tham gia bảo hiểm y tế sẽ tăng lên.

Trước lo ngại về gánh nặng hành chính cũng như dòng kinh phí thanh toán đối với thuốc chống lao, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định sẽ không có vấn đề gì phát sinh. Hiện nay, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đều đã liên thông dữ liệu, việc thay thế hay bổ sung các gói thuốc chỉ là thêm một thao tác bổ sung vào danh mục và chỉ định cho người bệnh. Cơ sở khám, chữa bệnh từ trước đến nay vẫn phải lập báo cáo để tổng hợp quyết toán, nên sẽ không phát sinh chứng từ, thủ tục.

Người bệnh thậm chí còn thuận lợi hơn vì trước đây, có thể họ phải đi lĩnh thuốc hai nguồn, thuốc bảo hiểm y tế ở một quầy và thuốc ngân sách ở một quầy, thì nay chỉ cần đến một quầy thuốc. Bệnh viện từ chỗ phải thực hiện hai hệ thống sổ sách, giờ đây chỉ có một hệ thống, giảm đi một nửa. Điều đó cho thấy, việc cấp thuốc chống lao nguồn bảo hiểm y tế sẽ rất thuận lợi cho người bệnh và cơ sở y tế cũng dễ dàng theo dõi hơn khi chỉ có một hệ thống sổ sách.

Đối với những băn khoăn về cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế, đại diện Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khẳng định, trong năm nay chưa có tác động lớn, vì nguồn thuốc hiện nay vẫn đang dùng từ ngân sách nhà nước và các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn còn tồn cơ số thuốc đã lĩnh. Tháng đầu tiên triển khai cấp thuốc lao nguồn bảo hiểm y tế chưa có số lượng bệnh nhân sử dụng nhiều, vì trong tháng này còn các thủ tục ký hợp đồng, vận chuyển thuốc đến các cơ sở y tế. Do tình hình dịch COVID-19, Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 - 2021 vẫn đang ở trong dự toán Chính phủ giao. Trong năm nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã dự trù nguồn kinh phí không lớn để sử dụng thanh toán cho bệnh nhân lao.

Thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, sẽ có đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn về tác động của việc chuyển nguồn thanh toán thuốc lao sang Quỹ Bảo hiểm y tế, song, tin tưởng rằng điều này sẽ không tác động quá lớn vì đây là thuốc đặc trị nên sẽ không có sự lạm dụng của người bệnh hay của cơ sở y tế trong việc chỉ định không đúng với phác đồ điều trị, không thể kê vượt quá liều hay sử dụng cho các mục đích khác. Bệnh viện sẽ mua để sử dụng cho bệnh nhân và quyết toán với các cơ quan Bảo hiểm Xã hội tại địa phương nên sẽ nắm được nguồn đầu vào và đầu ra, dễ cân đối.

Tổ chức khám chữa bệnh cho bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, bắt đầu từ ngày 1/7/2022, nhiều địa phương trên toàn quốc bắt đầu tổ chức nhiều hoạt động khám chữa bệnh cho tất cả bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế. Điển hình tỉnh Quảng Bình cũng đã khởi động và tổ chức khám chữa bệnh cho tất cả bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế có điều kiện trên địa bàn bằng nguồn bảo hiểm y tế.

BS. Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong năm 2021 địa phương điều trị cho 638 bệnh nhân; riêng 6 tháng đầu năm 2022, gần 5.000 người được khám và đã phát hiện 366 bệnh nhân lao các thể, trong đó, bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn học (có khả năng lây lan trong cộng đồng) là 136 người.

Có thể nói, những năm qua, với sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia từ Trung ương đến địa phương, cùng với công nghệ mới, thuốc mới… đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc… nên tỷ lệ bệnh nhân lao được chữa khỏi bệnh trên 90%. Đối với Quảng Bình, giai đoạn từ năm 2016-2021, bệnh nhân lao được điều trị thành công đạt tỷ lệ khoảng 95%.

Với những nỗ lực không ngừng trong công tác phòng, chống lao, Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống lao. Tuy nhiên, trên thực tế, dịch tễ bệnh lao trong cộng đồng ở tỉnh ta vẫn còn cao. Cũng như COVID-19, lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Một bệnh nhân từ khi phát bệnh đến khi tử vong đã làm lây cho rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan trong cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. 

Trước đây, thuốc chống lao được cung cấp miễn phí cho người bệnh từ nguồn ngân sách mua sắm của Chương trình mục tiêu Quốc gia, sau đó là Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số đến hết năm 2021. Nhưng nay, do nguồn ngân sách hạn hẹp không thể bảo đảm để cung cấp thuốc chống lao miễn phí đầy đủ cho toàn bộ bệnh nhân lao lâu dài. Vì vậy, việc triển khai cấp thuốc điều trị bệnh lao từ nguồn ngân sách nhà nước trong hơn 20 năm qua sang nguồn Quỹ bảo hiểm y tế là một lựa chọn tất yếu để bảo đảm cho người bệnh có thuốc liên tục trong quá trình điều trị. Bởi, lao là bệnh phải điều trị dài ngày, 70% bệnh nhân mắc lao là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nên việc thanh toán thuốc cũng như các chi phí khám chữa bệnh lao qua bảo hiểm y tế sẽ giúp người bệnh giảm thiểu chi phí, yên tâm tuân thủ phác đồ điều trị… hạn chế được tình trạng lao kháng thuốc, góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.

BS. Đỗ Quốc Tiệp cho hay, để thực hiện khám chữa bệnh lao bằng nguồn bảo hiểm y tế, thời gian qua, Sở Y tế tỉnh và BHXH tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động để kịp thời khám, điều trị và cấp thuốc cho bệnh nhân lao tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Trong đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở điều trị lao trên địa bàn nhanh chóng kiện toàn để đủ điều kiện ký hoặc bổ sung hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan BHXH và thực hiện kê đơn, cấp thuốc lao hằng tháng bằng nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho người bệnh lao có thẻ bảo hiểm y tế từ ngày 1/7/2022. 

Sở giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trực thuộc, trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị đầu mối tuyến tỉnh về khám chữa bệnh lao chủ động hướng dẫn, theo dõi, giám sát các đơn vị thực hiện kế hoạch; tham mưu để kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các Tổ Chống lao phù hợp với tình hình mới; hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trong quá trình chuyển, tiếp nhận người bệnh; phối hợp với các đơn vị xây dựng, điều chỉnh dự trù và kế hoạch cung ứng thuốc lao nguồn bảo hiểm y tế. 

Đối với 8 Trung tâm Y tế tuyến huyện, có trách nhiệm hướng dẫn bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế về cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế (nếu có điều trị lao để tiếp tục được điều trị). Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh ban đầu không điều trị lao thì chuyển bệnh nhân đến cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khác có điều trị hoặc các bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên địa bàn có điều trị lao để tiếp tục được điều trị; lập danh sách bệnh nhân, hồ sơ bệnh án, chuẩn bị bàn giao cho các bệnh viện.

Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cấp phép khám chữa bệnh mô hình phòng khám đa khoa đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để tiếp tục quản lý và điều trị cho bệnh nhân lao trên địa bàn.

Hiện nay Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao và một trong 30 quốc gia có bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao (trong đó 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động). Trên thực tế, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện chỉ đạt khoảng 60%, còn có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện trong cộng đồng.

Thùy Chi

}
Top