'Xuân nhân ái, Tết sẻ chia' cho bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn

10/01/2023 14:14

(Chinhphu.vn) - Phần lớn những bệnh nhân lao đều có hoàn cảnh khó khăn, do đó, việc chia sẻ, động viên các bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp Tết Nguyên Đán 2030 là việc làm rất thiết thực, ý nghĩa.

"Xuân nhân ái, Tết sẻ chia" cho bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh 1.

Lãnh đạo CDC Quảng Bình trao quà tặng cho đại diện bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Thùy Chi

Để chia sẻ với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình tổ chức chương trình "Xuân nhân ái, Tết sẻ chia", trao tặng quà cho bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Đây là món quà từ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao-PASTB (Chương trình chống lao quốc gia) tặng 30 bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn của Quảng Bình nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Trong đó, 10 bệnh nhân lao đang điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, 10 bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tại CDC và 10 bệnh nhân đang được quản lý, điều trị tại các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố.

Món quà nhằm khích lệ, động viên người bệnh lao vượt qua hoàn cảnh khó khăn để chiến thắng bệnh tật và đón Tết cổ truyền dân tộc ấm áp, nghĩa tình.  

"Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao-PASTB" được thành lập từ năm 2018. Đây là quỹ xã hội, từ thiện, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc; đặc biệt là những bệnh nhân có điều kiện kinh tế khó khăn.

Mục tiêu của PASTB là tiến tới giúp tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và chấm dứt bệnh lao đúng như tiêu chí của Liên hợp quốc là "không bỏ lại ai ở phía sau".

Quỹ PASTB còn hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người mắc bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để điều trị bệnh lao, ngăn không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Theo số liệu thống kê của CDC Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh, số bệnh nhân lao các thể phát hiện hàng năm vào khoảng trên dưới 1.000 ca. Trong năm 2022, Phòng Khám lao của CDC Quảng Bình đã quản lý, điều trị cho 186 bệnh nhân lao các thể, trong đó có 11 bệnh nhân lao kháng đa thuốc. 

Nhằm động viên người bệnh vượt qua hoàn cảnh khó khăn, chiến thắng bệnh tật và đón Tết Nguyên đán ấm áp nghĩa tình, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau tổ chức trao quà Tết cho 40 bệnh nhân lao phổi có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị ngoại trú trên địa bàn TP Cà Mau, bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú tại bệnh viện. 

 Mỗi suất quà gồm 300.000 đồng tiền mặt từ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (Quỹ PASTB) tặng cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết nguyên đán năm 2023 và quà trị giá 200.000 đồng do Nhà hàng Phượng Vĩ (TP Cà Mau) hỗ trợ. 

 Bất ngờ nhận được quà Tết, bệnh nhân Trương Văn Tám (đang điều trị bệnh phổi nội trú tại bệnh viện) xúc động: "Xin cảm ơn đội ngũ y bác sĩ tận tình điều trị bệnh và chăm sóc tôi trong những ngày qua, và cám ơn Quỹ PASTB đã hỗ trợ quà Tết cho bệnh nhân mắc bệnh lao, phổi có hoàn cảnh khó khăn, giúp chúng tôi có thêm động lực vượt qua bệnh tật".

Tại Quảng Ninh, nhằm khích lệ động viên người bệnh lao vượt qua hoàn cảnh khó khăn để chiến thắng bệnh tật và đón Tết Nguyên đán 2023 ấm áp, nghĩ tình. Bệnh viện Phổi Quảng Ninh tổ chức chương trình trao tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho 34 bệnh nhân lao (mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng) cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị lao của tỉnh Quảng Ninh. 

Trong đó, 07 bệnh nhân lao đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, 27 bệnh nhân đang được theo dõi, quản lý, điều trị tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Ninh. Phần quà được trích từ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao-PASTB (Chương trình chống lao quốc gia) nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc; đặc biệt là những bệnh nhân có điều kiện kinh tế khó khăn.

Theo thống kê, hiện Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới với hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa – nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Thống kê cũng cho thấy, hiện nay có khoảng 70% bệnh nhân lao thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Dù thuốc chống lao được cấp miễn phí song với thời gian điều trị kéo dài cùng với nhiều bệnh lý kèm theo nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể lên tới vài trăm triệu đồng.

Phần lớn bệnh nhân lao đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, các bệnh nhân thường không có khả năng điều trị bệnh dứt điểm mà có tâm lý buông xuôi. Việc này không những đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân mà còn gây nguy cơ lây nhiễm sang những người xung quanh. Một người bệnh có thể lây nhiễm sang 10-15 người trong một năm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số lượng bệnh nhân mắc lao có xu hướng ngày càng tăng trên địa bàn tỉnh và trong cả nước.

Vì vậy, việc quan tâm hỗ trợ về mặt kinh tế cho các bệnh nhân nghèo mắc bệnh lao, cũng như công tác tuyên truyền để người dân hiểu biết về phòng, chống bệnh lao, xóa bỏ tình trạng kì thị, e dè với bệnh nhân lao… rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền, đoàn thể các cấp và cả cộng đồng dân cư để cùng phấn đấu cho mục tiêu: Việt Nam loại trừ bệnh lao vào năm 2030.

Thùy Chi

Top