40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện trong cộng đồng
(Chinhphu.vn) - Hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện trong cộng đồng.
Theo số liệu thống kê của Chương trình Chống lao Quốc gia, hằng năm Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.
Trong khi đó, báo cáo Global Tuberculosis Report 2022 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
WHO ước tính trong 2 năm 2020-2021 số lượng và tỉ lệ tử vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện cao nhất trên toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhận định: Giống như nhiều quốc gia khác, chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng động.
Có thể nói, Việt Nam sẽ phải đối mặt với lượng bệnh nhân lao phát hiện mới và cần điều trị hàng năm cao hơn giai đoạn trước dịch.
Do vậy, để đối mặt với những thách thức hiện tại, Chương trình chống lao quốc gia cần tăng cường công tác phát hiện trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế kết hợp với phát hiện thường quy, tăng cường quản lý điều trị, tăng cường xét nghiệm để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.
Ngày Thế giới Phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24/3 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.
Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay trên toàn cầu là "Yes! We can end TB" (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao).
Chủ đề năm nay mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.
Chủ đề lạc quan mang đến nguồn năng lượng tràn đầy, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ, đồng thời cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người.
Trên cơ sở chủ đề của thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2023 của Việt Nam là "Việt Nam chiến thắng bệnh lao". Đây là một chủ đề dễ nhớ, như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.
Năm 2023 là một năm rất quan trọng để Việt Nam hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao, đây được coi là "năm của hy vọng" để nhận được sự chung tay, tập hợp sức mạnh của toàn cầu trong tiến trình thanh toán bệnh lao.
Những kết quả phục hồi công tác phòng chống lao tại các nước có gánh nặng bệnh lao cao sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể đến gần hơn với mục tiêu chấm dứt bệnh lao.
Thùy Chi