Bảo đảm tính thân thiện khi đưa trẻ em nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc

08/04/2022 07:17

(Chinhphu.vn) - Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc áp dụng đối với đối tượng có tính chất đặc thù. Do đó, một trong những nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị.

Bảo đảm tính thân thiện khi đưa trẻ em nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc - Ảnh 1.

Các học viên cai nghiện được xét nghiệm COVID-19 tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: VGP

Bảo vệ và hỗ trợ người chưa thành niên cai nghiện ma tuý

Ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 với nhiều nội dung mới đã khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000. 

Một trong những nội dung mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là quy định về đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Với lý do trên, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 9 ngày 24/3/2022 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua.

Pháp lệnh gồm 5 chương, 48 điều. Về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo TAND tối cao, hiện nay người chưa thành niên sử dụng chất ma tuý ngày một gia tăng, việc cai nghiện tự nguyện chưa có hiệu quả, nhiều trường hợp không đăng ký cai nghiện tự nguyện hoặc có đăng ký nhưng vẫn vi phạm, đặc biệt những người lang thang không nơi cư trú. Những đối tượng này bị bỏ ngỏ trong một thời gian đã ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Do vậy, để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên nghiện ma tuý, thì sự ra đời của pháp lệnh nhằm bảo vệ và hỗ trợ người chưa thành niên cai nghiện ma tuý lành mạnh, ổn định trật tự xã hội.

Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Pháp lệnh này, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, để bảo đảm tính thân thiện của phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến.

Đồng thời, theo quy định của Pháp lệnh thì phiên họp phải đáp ứng các yêu cầu như được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn.

Thẩm phán được phân công phải được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.

Thẩm phán mặc trang phục hành chính của TAND. Trong phiên họp, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị hỗ trợ người bị đề nghị. Việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.

Để đảm bảo tốt nhất quyền của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Pháp lệnh có những quy định cho tòa án và thẩm phán được tham vấn ý kiến hoặc yêu cầu chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường, UBND cấp xã, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã…

Với mục đích đảm bảo quyền được học tập cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, Pháp lệnh cũng quy định người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong trường hợp họ đủ điều kiện và đã đăng ký tham dự hoặc đang tham dự Kỳ thi Tốt nghiệp THPT hoặc phải tham gia thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và được cơ sở giáo dục nơi họ học tập xác nhận.

Chuẩn bị về nguồn nhân lực thẩm phán, bảo đảm cơ sở vật chất

Theo ông Nguyễn Văn Du, khi pháp lệnh được ban hành chắc chắn các toà án đặc biệt là toà án cấp huyện sẽ có quá tải.  Hiện nay, TAND tối cao đang xây dựng kế hoạch triển khai pháp lệnh, trong đó chú trọng chuẩn bị về nguồn nhân lực thẩm phán, đào tạo với mục tiêu thi hành pháp lệnh hiệu quả, thực sự đảm bảo quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi.

TAND Tối cao sẽ tiếp tục rà soát đánh giá về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nếu phát sinh sẽ báo cáo với các cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Du cho biết, về bảo đảm cơ sở vật chất để thực hiện pháp lệnh, hiện nay, Bộ LĐTB&XH là cơ quan chịu trách nhiệm, quản lý trực tiếp đã rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện. 

Việc này đã được quy định ở Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho hay, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã quy định trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Quy định này để bảo đảm UBND các tỉnh, thành phố có thời gian chuẩn bị huy động nguồn lực, làm các thủ tục nâng cấp, sửa chữa cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng quy định mới của Luật.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH đã chủ trì và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021).

Bộ LĐTB&XH cũng đã có văn bản số 332/LĐTBXH-PCTNXH gửi UBND các tỉnh, thành phố về triển khai thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức đánh giá, thống kê số lượng người nghiện ma túy, nhu cầu thực tiễn của công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, ngân sách theo quy định của pháp luật để tổ chức, triển khai công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người cai nghiện và sau cai nghiện ma túy.

Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương và các chính sách, chế độ theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, UBND ban hành hoặc xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy; chính sách, chế độ hỗ trợ đối với công chức, viên chức, người kiêm nhiệm làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện công lập và ở cộng đồng; chính sách, chế độ hỗ trợ người tự nguyện cai nghiện; chế độ đối với người cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; chính sách, chế độ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện ma túy.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tại địa phương: Hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Rà soát thực trạng điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Đối chiếu với các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP để xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện các dự án, phương án tăng cường cơ sở vật chất, tuyển dụng, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập bảo đảm đủ điều kiện hoạt động cai nghiện ma túy của các cơ sở này theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; tổ chức tập huấn về quy trình, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy, quy trình cai nghiện ma túy cho đội ngũ cán bộ các cơ quan ban ngành có liên quan, đặc biệt là cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc; đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm các quyền của trẻ em khi áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện ma túy.

Hoàng Giang

Top