`Q1

Tính toán phương án học tập phù hợp cho trẻ em nghiện đi cai nghiện

31/03/2022 08:40

(Chinhphu.vn) - Bảo đảm quyền học văn hóa cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong thời hạn cai nghiện bắt buộc là quy định hết sức nhân văn, là sự quan tâm của Nhà nước, xã hội. Tuy nhiên việc tổ chức thực hiện rất khó khăn, đòi hỏi các ngành phải căn cứ trên tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ sở cai nghiện để đưa ra phương án cụ thể, bảo đảm tính khả thi.

Tính toán phương án học tập phù hợp cho trẻ em nghiện đi cai nghiện - Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Túy: Việc tổ chức triển khai học văn hóa tại cơ sở cai nghiện cũng sẽ được cân nhắc tính hiệu quả và tính khả thi khi thực hiện. Ảnh: VGP/Hoàng Giãng

Mới đây, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là bảo đảm quyền học tập cho các em ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc. 

Bên cạnh đó, theo Điều 73 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định: Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong thời hạn cai nghiện bắt buộc được học văn hóa theo chương trình của Bộ GD&ĐT.

Khoản 3 Điều 84 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021) cũng quy định: Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐTB&XH hướng dẫn việc tổ chức dạy và học tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) xung quanh vấn đề này.

Cân nhắc tính hiệu quả, khả thi

Thưa ông, việc bảo đảm quyền học tập cho các em ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được quy định trong Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tổ chức sẽ rất khó khăn. Ông có thể phân tích rõ hơn?

Ông Trần Ngọc Túy: Hiện nay, theo rà soát của Bộ Công an, đến hết ngày 31/12/2021, có 743 người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi có hồ sơ quản lý.

Chúng tôi dự tính chỉ 15% trong số đó vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bởi vì các em sẽ chủ yếu tham gia cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là chính, ngoài ra thì còn một số em ở các Trường giáo dưỡng, các cơ sở tạm giam, tạm giữ...

Như vậy, số trẻ em nghiện đưa vào 97 cơ sở cai nghiện công lập trên cả nước là rất ít. Do đó, việc tổ chức triển khai học văn hóa tại cơ sở cai nghiện cũng sẽ được cân nhắc tính hiệu quả và tính khả thi khi thực hiện.

Từ trước đến nay, đối với người nghiện trên 18 tuổi, các cơ sở cai nghiện thường phối hợp với các cơ sở giáo dục ở gần để đưa các học viên đi học hoặc với một số cơ sở cai nghiện có đông đối tượng học thì có thể tổ chức lớp học tại cơ sở, nhưng cũng rất ít cơ sở tổ chức được.

Ngoài ra, thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là từ đủ 6 tháng đến 12 tháng. Nếu là lần đầu thì dự kiến cai nghiện bắt buộc chỉ khoảng 6 tháng. Riêng giai đoạn cắt cơn, điều trị đã mất khoảng 1-2 tháng.

Mỗi phương án đều có những khó khăn nhất định, như thuê giáo viên đến cơ sở cai nghiện để giảng dạy thì mỗi em lại có một bậc học, một trình độ khác nhau. Hay phương án đưa các em đi học ở cơ sở giáo dục bên ngoài, tuy nhiên, các cơ sở cai nghiện thường xa trung tâm; nếu đưa học viên đi học thì phải bố trí ít nhất một cán bộ đi cùng để theo dõi, quản lý.

Thời gian tới, phải căn cứ trên tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ sở cai nghiện để đưa ra phương án cụ thể.

Như vậy, việc bảo đảm học tập cho các em tại cơ sở cai nghiện là rất khó khăn, ngành LĐTB&XH có dự kiến phương án như nào không, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Túy: Như tôi đã nói, chúng tôi sẽ phải căn cứ trên tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ sở để đưa ra phương án cụ thể.

Trong quá trình xây dựng Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi), Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề Xã hội, Ủy ban Pháp luật và các Ủy ban khác cũng đã bàn rất nhiều về nội dung này. Chúng tôi xác định vẫn phải bảo đảm cho các em được tham gia học tập nhưng trong điều kiện chúng ta có thể tổ chức được.

Ngoài ra, nếu quá khó khăn, chúng tôi đang tính đến việc có thể phối hợp với ngành Giáo dục để bảo lưu kết quả học tập của các em. Khi hết thời gian cai nghiện, các em sẽ được đi học tiếp.

Bảo đảm các quyền của trẻ em khi áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện

Ngoài vấn đề học tập, các cơ sở cai nghiện cần chuẩn bị gì để bảo đảm việc đưa nghiện ma túy nói chung, người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nói riêng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi Luật phòng chống ma túy đã có hiệu lực, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Túy: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Quy định này để bảo đảm UBND các tỉnh, thành phố có thời gian chuẩn bị huy động nguồn lực, làm các thủ tục nâng cấp, sửa chữa cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng quy định mới của Luật.

Bộ LĐTB&XH đã chủ trì và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021).

Nghị định đã quy định rõ trình tự, thủ tục, đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, đặc biệt là giảm thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, trong đó có quy định mới về trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc và quy định thống nhất về quy trình cai nghiện ma túy… từ những tháo gỡ trên sẽ khắc phục được những khó khăn trong quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy.

Đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được khuyến khích đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Trong trường hợp không đăng ký cai nghiện tự nguyện, không đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thì sẽ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Điều này thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước, nhưng cũng là biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn đối với trẻ em nghiện, bảo đảm quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy.

Đồng thời quy định rõ các cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải bố trí các khu riêng biệt để bảo đảm các quyền và trách nhiệm riêng biệt đối với các nhóm đối tượng khác nhau như: Khu lưu trú tạm thời, khu cai nghiện bắt buộc, khu cai nghiện tự nguyện, khu cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi (Điểm d Khoản 2 Điều 35 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021)…

Bộ LĐTB&XH cũng đã có văn bản số 332/LĐTBXH-PCTNXH gửi UBND các tỉnh, thành phố về triển khai thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức đánh giá, thống kê số lượng người nghiện ma túy, nhu cầu thực tiễn của công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, ngân sách theo quy định của pháp luật để tổ chức, triển khai công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người cai nghiện và sau cai nghiện ma túy.

Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương và các chính sách, chế độ theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, UBND ban hành hoặc xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy; chính sách, chế độ hỗ trợ đối với công chức, viên chức, người kiêm nhiệm làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện công lập và ở cộng đồng; chính sách, chế độ hỗ trợ người tự nguyện cai nghiện; chế độ đối với người cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; chính sách, chế độ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện ma túy.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tại địa phương: Hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Rà soát thực trạng điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Song song với đó là đối chiếu với các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP để xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện các dự án, phương án tăng cường cơ sở vật chất, tuyển dụng, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập bảo đảm đủ điều kiện hoạt động cai nghiện ma túy của các cơ sở này theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; tổ chức tập huấn về quy trình, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy, quy trình cai nghiện ma túy cho đội ngũ cán bộ các cơ quan ban ngành có liên quan, đặc biệt là cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

Đặc biệt cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc; đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm các quyền của trẻ em khi áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện ma túy.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Giang (thực hiện)

Top