Bình Định: Nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS

30/08/2022 16:14

(Chinhphu.vn) - Hiện Bình Định vẫn còn nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS. Đó là tình hình nghiện chích ma túy, mại dâm còn phức tạp, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đang gia tăng, đặc biệt trong nhóm MSM…

Bình Định: Nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS - Ảnh 1.

Thực nghiệm quy trình xét nghiệm máu cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS Bình Định, số nhiễm HIV tích lũy từ năm 1993 tính đến giữa tháng 6/2022 của tỉnh là 1.160 người, trong đó chuyển sang giai đoạn AIDS là 706 người, số tử vong là 496 người.

Riêng trong năm 2021, địa phương phát hiện 83 ca nhiễm HIV và gần 6 tháng năm 2022 phát hiện 55 ca nhiễm HIV. Đến nay tại Bình Định có 11/11 (100%) huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV và 135/159 xã phường (84,9%) có người nhiễm HIV/AIDS.

Nhận định tình hình dịch HIV/AIDS của tỉnh cho thấy, công tác phòng chống AIDS của tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan, khống chế được sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng ở mức khoảng 0,04% (mục tiêu của Trung ương khống chế được sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%). Tuy nhiên, hiện còn nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS đó là tình hình nghiện chích ma túy, mại dâm còn phức tạp, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV, số lượng dân di biến động cao, ngoài ra tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đang gia tăng, đây là đường lây rất khó kiểm soát trong cộng đồng. Việc sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng dẫn đến hành vi tình dục không an toàn gây lây nhiễm HIV.

Căn cứ Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020, Bình Định xây dựng mục tiêu chủ yếu của công tác phòng, chống HIV: Hạn chế số người nhiễm HIV mới hàng năm dưới 100 người/năm; Tăng tỷ lệ người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV) từ 90% trở lên; Tăng tỷ lệ người điều trị ARV được làm XN tải lượng virus HIV và xét nghiệm CD4 từ 90% trở lên; 100% bệnh nhân tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT và được tỉnh hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV.

Để đạt được các mục tiêu trên tỉnh đã và đang triển khai các hoạt động như: Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, trong đó có điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; thực hiện thường xuyên công tác giám sát, xét nghiệm phát hiện HIV; điều trị thuốc ARV, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, thực hiện hoạt động chương trình Lao và HIV và triển khai tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS vào các đợt cao điểm như Tháng cao điểm về Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

Để hỗ trợ cho bệnh nhân HIV/AIDS, Bình Định đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí đóng 100% tiền mua bảo hiểm y tế cho đối tượng là người nhiễm HIV có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, trong năm 2021 mua cấp 58 thẻ BHYT và 6 tháng đầu năm 2022 tỉnh mua cấp 25 thẻ cho người nhiễm HIV.

Ngoài ra tỉnh đã hỗ trợ ngân sách cùng chi trả chi phí thuốc kháng HIV (ARV) cho người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV. Tính đến cuối tháng 5/2022 tỉnh đang điều trị 390 bệnh nhân HIV/AIDS trong đó có 11 trẻ em, tất cả người nhiễm HIV ngoài cộng đồng đang điều trị thuốc ARV đều có thẻ BHYT (trừ các trường hợp trong trại giam).

Về những tồn tại và hạn chế có thể nhận thấy: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong phòng, chống HIV/AIDS chưa được tiến hành thường xuyên còn mang tính chiến dịch, phong trào vào những tháng cao điểm. Hoạt động truyền thông trực tiếp giảm dần, truyền thông chủ yếu qua phương tiện thông tin đại chúng; Ngân sách nhà nước còn hạn chế chưa đáp ứng hết nhu cầu hoạt động, chỉ đảm bảo các hoạt động cơ bản, thiết yếu. Hiện nay chương trình phòng chống AIDS không còn là chương trình mục tiêu, trong khi đó Chiến lược quốc gia đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, đây là một thách thức rất lớn rất lớn với địa phương.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đạt được những mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đại diện Sở Y tế Bình Định cho biết: Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, nhưng các hoạt động thiết yếu, cơ bản về giám sát, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS, điều trị bằng Methadone vẫn triển khai thường xuyên. Để tiến đến chấm dứt AIDS vào năm 2030, ngành y tế tỉnh tiếp tục can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, trong đó duy trì việc cung cấp bao cao su; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; đẩy mạnh công tác giám sát, xét nghiệm phát hiện HIV; tăng cường chất lượng điều trị bằng thuốc ARV, phối hợp thực hiện tốt hoạt động chương trình phòng chống lao và HIV. Đồng thời, duy trì 100% bệnh nhân HIV có thẻ BHYT và được hỗ trợ chi trả thuốc ARV trong điều trị từ quỹ khám bệnh dành cho người nghèo…

Thùy Chi

Top