Bình Dương: Nỗ lực kiểm soát tình hình nhiễm HIV trong cộng đồng

13/01/2023 09:43

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, Bình Dương sẽ chú trọng đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đây được coi là mô hình tiên phong của cả nước trong việc bảo đảm một cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV có chất lượng, thân thiện và đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng.

Bình Dương: Nỗ lực kiểm soát tình hình nhiễm HIV trong cộng đồng - Ảnh 1.

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về HIV và tăng cường tiếp cận sử dụng PrEP cho người lao động trẻ. Ảnh: Tống Nam

Tiếp tục ghi nhận gia tăng tình trạng nhiễm mới

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bình Dương, đến cuối năm 2022, Bình Dương ghi nhận khoảng 835 ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong đó số lượng người nhiễm HIV là người ngoại tỉnh chiếm đến 77% và có đến 64.5% lây qua quan hệ tình dục đồng giới. Đáng lưu ý, số ca nhiễm mới trong năm 2022 tăng 25% so với 2021. Đây được xem là năm có số lượng ca nhiễm cao nhất của Bình Dương trong 10 năm qua (2012-2022).

Bác sĩ Vương Thế Linh – Trưởng Khoa HIV, CDC Bình Dương cho biết, trong số ca nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), thì có đến 85% là đối tượng công nhân và học sinh/sinh viên. Đa số những đối tượng chưa biết cách bảo vệ phòng ngừa, không có thói quen sử dụng bao cao su, lại quan hệ với nhiều bạn tình nên nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. Một số MSM hiện nay có xu hướng rủ nhau cùng sử dụng ma túy rồi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ.

Dự báo trong những năm sắp tới, số người nhiễm HIV là MSM có gốc ngoại tỉnh sẽ tiếp tục tăng trong làn sóng di cư vào các khu công nghiệp, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Với văn hóa cởi mở và dễ hòa nhập, một lượng không nhỏ nam đồng tính sẽ chọn Bình Dương làm nơi dừng chân sinh sống, đây là một bài toán khó cho việc kiểm soát, nâng cao nhận thức của nhóm lao động di cư này về kiến thức HIV.

5 chiến lược quan trọng

Bình Dương nỗ lực vào công cuộc can thiệp phòng ngừa và điều trị, hướng đến chấm dứt dịch HIV vào 2030. Trong đó phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khống chế tỉ lệ lây nhiễm HIV trong quần thể dân cư nói chung dưới 0,3% và giảm tác động của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế, xã hội.

Để kiểm soát lây nhiễm HIV trong cộng đồng, Bình Dương chú trọng 5 chiến lược quan trọng bao gồm: Duy trì, cải thiện các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng tập trung vào các nhóm đối tượng đích và bạn tình của người nhiễm HIV trong cộng đồng; Mở rộng chẩn đoán sớm thông qua các hình thức xét nghiệm HIV tại cơ sở xét nghiệm, xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các nhóm quẩn thể đích và bạn tình của người nhiễm HIV; Mở rộng, cải thiện chất lượng điều trị ARV  giảm lây truyền HIV và giảm tử vong do AIDS; Củng cố hệ thống nâng cao năng lực  chiến lược, giải pháp hiệu quả; Nâng cao năng lực ứng phó COVID-19 và giảm ảnh hưởng của COVID 19 đối với các hoạt động PC HIV/AIDS.

Bình Dương: Nỗ lực kiểm soát tình hình nhiễm HIV trong cộng đồng - Ảnh 3.

Các cuộc họp đối thoại cộng đồng giúp gia tăng chất lượng dịch vụ liên quan đến HIV tại Bình Dương. Ảnh: Tống Nam

Tăng cường các giải pháp ứng phó với tình trạng gia tăng người nhiễm HIV, đặc biệt trong nhóm MSM. Thời gian qua tỉnh Bình Dương đã tập trung đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại, như: Cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nguy cơ cao, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và triển khai chiến dịch K=K (không phát hiện= Không lây truyền); tập trung nâng cao chất lượng y tế, đặc biệt xây dựng các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV thân thiện; đẩy mạnh các hoạt động của đội ngũ đồng đẳng viên, các tổ chức dựa vào cộng đồng nhằm thu hút người xét nghiệm và tham gia điều trị sớm…

Trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông trong các công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về HIV cho người nguy cơ cao, các công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và cộng đồng. Từ đó khuyến khích người nguy cơ cao kết nối điều trị dự phòng PrEP.

Tích lũy đến 2022, Bình Dương ghi nhận đã có 1.437 người đã tiếp cận và sử dụng PrEP ít nhất một lần, đây được coi là thành quả vượt bậc của tỉnh nhà nhằm gia tăng hơn nữa của cộng vào dự phòng lây nhiễm HIV chủ động bằng thuốc. 

Ngoài ra, Bình Dương cũng chú trọng đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đây được coi là mô hình tiên phong của cả nước trong việc bảo đảm một cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV có chất lượng, thân thiện và đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng.

Anh Đào Minh Tín (Nhóm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế - CAB Bình Dương) cho biết: cơ sở y tế, khách hàng thông qua nhóm cộng đồng giúp nhau cùng tìm được tiếng nói chung để cải thiện chất lượng chất lượng cơ sở, qua đó giúp khách hàng trong cộng đồng có thể an tâm tiếp cận, sử dụng dịch vụ và tuân thủ điều trị.

Bs Vương Thế Linh cho hay, để khắc phục những hạn chế, khó khăn, thời gian tới địa phương tập trung nâng cao chất lượng y tế, đặc biệt xây dựng các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV thân thiện. Đẩy mạnh các hoạt động của đội ngũ đồng đẳng viên, các tổ chức dựa vào cộng đồng nhằm thu hút người xét nghiệm và tham gia điều trị sớm.

Chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông về nguy cơ lây nhiễm và nguy hại của virus HIV trong các công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về HIV cho người nguy cơ cao, các công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và cộng đồng. Từ đó khuyến khích người nguy cơ cao kết nối điều trị dự phòng PrEP.

Tống Nam

Top