Ca đầu tiên trên thế giới nhiễm cùng lúc HIV, đậu mùa khỉ, COVID-19
(Chinhphu.vn) - Kết quả nghiên cứu cho thấy nam bệnh nhân mới bị nhiễm HIV gần đây. Tuy nhiên, đây là trường hợp duy nhất được báo cáo mắc cùng lúc đậu mùa khỉ, SARS-CoV-2 và HIV.
Bệnh nhân 36 tuổi người Italy mắc cùng lúc 3 bệnh và là người đầu tiên trên thế giới rơi vào trường hợp này. Các chuyên gia hiện chưa có đủ bằng chứng để kết luận 3 căn bệnh khiến tình trạng của bệnh nhân thêm nghiêm trọng.
Ca bệnh này cho thấy bệnh đậu mùa khỉ và triệu chứng mắc COVID-19 có nhiều điểm tương đồng, đồng thời chứng minh ở những người bị đồng nhiễm, thu thập tiền sử, thói quen tình dục là rất quan trọng để chẩn đoán.
Nam bệnh nhân 36 tuổi người Italy trước đó đã lưu trú 5 ngày ở Tây Ban Nha từ ngày 16-20/6. Sau đó 9 ngày, anh ta bị sốt 39 độ C, kèm theo đau họng, mệt mỏi, đau đầu và nổi hạch ở bẹn phải. Ngày 2/7, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Chiều cùng ngày, trên cánh tay trái của anh ta bắt đầu phát ban.
Ngày hôm sau, các mụn nước nhỏ, đau, bao quanh là các quầng ban đỏ xuất hiện trên thân, chi dưới, mặt và mông của bệnh nhân. Đến ngày 5/7, mụn nước lan rộng liên tục, phát triển thành mụn mủ ở rốn và người bệnh phải đến khoa cấp cứu, Bệnh viện Đại học San Marco, Catania, Italy và sau đó được chuyển đến đơn vị truyền nhiễm.
Khi nhập viện, bệnh nhân cho biết mình được điều trị bệnh giang mai vào năm 2019. Tháng 9/2021, anh ta xét nghiệm HIV và cho kết quả âm tính. Người bệnh bị rối loạn lưỡng cực, thường xuyên dùng carbamazepine 200 mg mỗi ngày, đã tiêm 2 mũi vaccine Pfizer và mắc COVID-19 vào tháng 1.
Theo báo cáo của bệnh nhân, anh ta đã quan hệ tình dục không dùng bao cao su với nam giới trong thời gian ở Tây Ban Nha.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị sốt 37,5 độ C, đau hạ họng, mệt mỏi, nhức đầu, cơ thể nổi nhiều chấm ban đỏ ở lòng bàn tay phải, quanh hậu môn. Đến ngày thứ hai sau khi nhập viện, người bệnh được xét nghiệm đậu mùa khỉ và cho kết quả dương tính. Chủng virus mà người này mắc phải là Tây Phi - chủng gây ra đợt bùng phát ở Tây Ban Nha. Trong khi đó, chủng nCoV mà anh ta mắc phải là BA.5.1.
Các xét nghiệm huyết thanh học cho viêm gan virus, herpes simplex, lậu, chlamydia và lymphogranuloma venereum đều âm tính. Tuy nhiên, xét nghiệm HIV-1 cho kết quả dương tính với tải lượng virus cao, cho thấy người này mới bị nhiễm bệnh.
Đến ngày thứ 3 nhập viện, các tổn thương trên da đóng vảy, bệnh nhân được truyền thuốc Sotrovimab 500 mg. Ngày 9/7, hầu hết triệu chứng đã thuyên giảm nhưng bệnh nhân vẫn dương tính với nCoV và đậu mùa khỉ. Vì các triệu chứng đã hết, bệnh nhân được xuất viện về nhà cách ly.
Đến ngày 19/7, kết quả xét nghiệm đậu mùa khỉ vẫn là dương tính. Tuy nhiên, tất cả vết thương do căn bệnh này gây ra đã đóng vảy và bong ra, để lại sẹo.
Các chuyên gia cho rằng đây là ca bệnh minh chứng cho việc triệu chứng mắc đậu mùa khỉ và COVID-19 có thể trùng lặp như thế nào. Các biến chủng phụ của SARS-CoV-2 như BA.4 và BA.5 đang gây ra hơn một triệu ca mắc trên toàn cầu mỗi ngày. Do đó, các bác sĩ lâm sàng nên biết về khả năng đồng nhiễm SARS-CoV-2 và virus đậu mùa khỉ, đặc biệt ở những người có tiền sử du lịch gần đây đến các khu vực bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Nếu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, bác sĩ cần cho bệnh nhân xét nghiệm dịch hầu họng ngay cả khi không có biểu hiện tổn thương trên da.
Với trường hợp này, bác sĩ lưu ý quan hệ tình dục có thể là cách lây truyền chủ yếu. Do đó, bệnh nhân cần được kiểm tra các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục sau khi chẩn đoán mắc đậu mùa khỉ.
Thùy Chi (Theo Journal of Infection)