Cai nghiện ma túy tự nguyện vẫn còn nhiều khó khăn

30/04/2023 08:03

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh việc cai nghiện bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng cũng cần được chú trọng. Dù các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm nhưng mới có 20 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cai nghiện ma túy tự nguyện vẫn còn nhiều khó khăn - Ảnh 1.

Học viên cai nghiện may túi siêu thị tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang ở xã Song Mai, TP.Bắc Giang

Tại Bắc Giang, tính đến 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 189/209 (chiếm 90,4%) xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 2.478 người, số người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ là 268 người và đang được quản lý tại xã, phường, thị trấn.

Người nghiện ma túy đang có xu hướng chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp và hỗn hợp nhiều loại ma túy (chiếm 35%). Tình trạng người sử dụng trái phép chất ma túy tụ tập tại các cơ sở kinh doanh như quán karaoke, quán bar, nhà nghỉ, nhà trọ, chung cư… còn nhiều tiềm ẩn và khó kiểm soát. Năm 2021 - 2022 lực lượng Công an toàn tỉnh phát hiện 127 vụ, 916 đối tượng dương tính với ma túy tổng hợp.

Trong thời gian qua, Bắc Giang xác định nhiệm vụ tổ chức cai nghiện ma túy là thường xuyên và lâu dài. Đặc biệt tỉnh Bắc Giang đã xây dựng, duy trì mô hình cai nghiện ma túy tự nguyện. Trong đó, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (trực thuộc Sở LĐTB&XH) đã quy hoạch riêng một khu cai nghiện ma túy tự nguyện với quy mô 50 giường bệnh. Bệnh viện Tâm thần tỉnh (trực thuộc Sở Y tế) duy trì khu tự nguyện điều trị rối loạn thần kinh do sử dụng ma túy tổng hợp, công suất tiếp nhận 70 giường bệnh.

Tại tuyến huyện, UBND các huyện, thành phố giao nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế tuyến huyện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất sẵn có, bố trí trang thiết bị, phương tiện và nhân sự cho khu cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho người nghiện ma túy trên địa bàn. Trong đó, bố trí 2 phòng ở (diện tích tối thiểu 15m2/01phòng) để cung cấp dịch vụ cai nghiện nội trú và được thực hiện lồng ghép với các công tác khám chữa bệnh tại đơn vị. Có ít nhất 2 người phụ trách y tế là y sỹ, bác sỹ, đã được đào tạo, tập huấn về xác định tình trạng nghiện, điều trị và cai nghiện ma túy; 2 người phụ trách về công tác giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách và một người phụ trách về công tác tiếp nhận, phân loại người cai nghiện ma túy.

Tại tuyến xã, 100% các xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy đã bố trí nhân sự và địa điểm để tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy đăng ký hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Ngoài ra, cơ sở cai nghiện tự nguyện ngoài công lập khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện ngoài công lập và các dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình cộng đồng, nhằm thu hút người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện. Tuy nhiên, đến nay chưa có tổ chức, cá nhân nào thành lập.

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang, đến nay, cơ sở công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện có 12 cơ sở (tuyến tỉnh 2 cơ sở, tuyến huyện 10 cơ sở). Năm 2022, số người đăng ký, tham gia cai nghiện tự nguyện 105 người.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng chống tệ nạn xã hội do Bộ LĐTB&XH tổ chức, lãnh đạo Sở LĐTB&XH Bắc Giang đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại địa bàn Bắc Giang.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch 12 cơ sở công lập để tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, nhưng đến nay mới có 4 cơ sở đủ điều kiện, 2 cơ sở đang hoàn thiện hồ sơ công bố, còn 6 cơ sở tuyến huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự; do đó chưa đáp ứng được nhu cầu cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình cộng đồng cho người nghiện ma túy.

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang hoạt động chủ yếu tại địa điểm xã Song Mai, TP. Bắc Giang có quy mô tiếp nhận là 200 người. Số viên chức, người lao động đang làm việc tại Cơ sở có 40 người, bảo đảm quản lý, chữa bệnh, chăm sóc cho khoảng 200 học viên (theo định mức của Bộ LĐTB&XH). Tuy nhiên phần lớn số học viên cai nghiện trong Cơ sở vượt quá quy mô tiếp nhận dẫn đến tình trạng quá tải cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự. Do vậy Cơ sở chủ yếu tiếp nhận học viên cai nghiện bắt buộc trong chỉ tiêu kế hoạch năm của tỉnh, không tiếp nhận học viên tự nguyện.

Hơn nữa, kinh phí để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cho khu cai nghiện ma túy tự nguyện tại Trung tâm Y tế một số huyện còn hạn chế, vì vậy các các cơ sở cung cấp dịch vụ này không đủ điều kiện tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Do đó, Sở LĐTB&XH Bắc Giang đề nghị Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH rà soát các mô hình cai nghiện ma túy và hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy công lập nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trực tiếp tham gia công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai tại nơi cư trú.

Sẽ hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện 

Theo Bộ LĐTB&XH, trong năm 2022 có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 3.656 người nghiện.

Đa số các tỉnh, thành phố chưa quan tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện chính sách cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. UBND cấp huyện (cơ quan được Luật Phòng, chống ma túy giao chủ trì việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng) chưa thực sự vào cuộc, chưa xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện chính sách này ở địa bàn.

Việc xây dựng hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại công đồng gặp nhiều khó khăn (chưa thu hút được đầu tư từ tổ chức cá nhân ngoài công lập; các đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp huyện rất ít, hoặc không đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn về cai nghiện; chưa có các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ đối với các dịch vụ cai nghiện tự nguyện ....).

Hơn nữa, đội ngũ cán bộ làm công tác công tác tư vấn, hỗ trợ, quản lý cai nghiện tự nguyện ma túy ở cấp xã còn thiếu, chưa được đào tạo, tập huấn về các chính sách, quy trình theo cách tiếp cận mới của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 116 nên việc triển khai còn nhiều lúng túng.

Một số người nghiện, gia đình người nghiện ma túy không có khả năng đóng góp chi phí cai nghiện, không có mặt tại nơi cư trú; gia đình người nghiện vẫn còn mặc cảm nên việc theo dõi, quản lý và tiếp cận, tư vấn cai nghiện gặp khó khăn.

Để đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, trong thời gian tới, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ có hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện bố trí ngân sách, đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện (công lập và ngoài công lập) cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy cho người tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cho người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký cai nghiện, hỗ trợ người tự nguyện cai nghiện...

Hoàng Giang

Top