Cần hành động khi bệnh lao là ‘sát thủ’ gây tử vong hàng đầu thế giới
(Chinhphu.vn) - Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, bệnh lao là “sát thủ” truyền nhiễm gây ra số ca tử vong lớn nhất thế giới, khiến khoảng 1,5 triệu người chết mỗi năm.
Chủ tịch Liên minh toàn cầu phát triển thuốc chữa trị bệnh lao (TB Alliance) Mel Spigelman mới đây cảnh báo, sau những nỗ lực lớn chống đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, bệnh lao đã trở lại là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới, do thiếu sự tập trung vào công tác đẩy lùi căn bệnh hiểm nghèo này.
Ông Spigelman đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc trong công tác kiểm soát đại dịch COVID-19 với hàng loạt vaccine, phương pháp xét nghiệm và biện pháp điều trị an toàn, hiệu quả được phát triển trong 2 năm qua. Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết, trong khi số ca tử vong do COVID-19 đang giảm ở mức ổn định, bệnh lao lại phát triển mạnh hơn.
Trước khi COVID-19 xuất hiện, lao là căn bệnh truyền nhiễm khiến nhiều người tử vong nhất thế giới, mỗi năm cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người, theo đó mỗi ngày có 4.109 người tử vong do bệnh lao.
Trong khi đó, theo tính toán của Đại học Johns Hopkins, trong 28 ngày qua có tổng cộng 40.578 người tử vong do COVID-19, như vậy trung bình mỗi ngày có 1.449 người tử vong do bệnh này. Tuy nhiên, không giống như đối với COVID-19, hiện thế giới có rất ít cảnh báo về bệnh lao. Trên thực tế, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới các nỗ lực chống bệnh lao, khi các bệnh viện điều trị lao phải chuyển sang chữa trị cho các bệnh nhân COVID -19, trong khi các biện pháp phong tỏa cản trở bệnh nhân lao đến thăm khám và điều trị. Điều này khiến số ca tử vong do lao trong năm 2020 tăng mạnh lần đầu tiên trong một thập kỷ. Chính vì vậy, chuyên gia Spigelman nhận định đây là bước thụt lùi đáng kể.
Trong khi hàng tỷ USD được chi cho chiến dịch chống COVID -19, tình trạng kinh tế toàn cầu suy giảm khiến các nhà tài trợ hàng đầu cho cuộc chiến chống lao thắt chặt "hầu bao". Phần lớn các nhà tài trợ cho TB Alliance đã bất ngờ không cam kết quyên góp hơn 1 năm và giảm bớt số tiền chi cho công tác này. Chuyên gia Spigelman lo ngại rằng, tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống lao, vốn đã chịu ảnh hưởng tiêu cực do COVID -19, sẽ ngày càng suy yếu.
Những khó khăn này xuất hiện trong khi thống kê cho thấy khoảng 5% trong số 9,5 triệu người mắc lao mỗi năm đang kháng thuốc kháng sinh thông thường, mỗi ngày bệnh nhân phải uống 5-8 viên thuốc và thường phải tiêm thuốc hằng ngày trong khoảng 2 năm, với nhiều tác dụng phụ và tỷ lệ chữa khỏi chỉ khoảng 20%-30%. Tuy nhiên, với loại thuốc mới BPaL do Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt năm 2019, người bệnh chỉ cần uống thuốc 3 viên/ngày trong 6 tháng. Thuốc này ít tác dụng phụ và tỷ lệ chữa khỏi lên tới 90%.
Đưa ra giải pháp để giải quyết những khó khăn trước mắt, chuyên gia Spigelman cho rằng cần tăng nguồn lực để giúp bệnh nhân có thể tiếp cận loại thuốc mới này. Mặc dù nguồn lực chống lao luôn hạn chế, song việc thế giới thiếu khẩn trương trong nỗ lực xóa bỏ căn bệnh này đang khiến lao trở thành căn bệnh phổ biến ở người nghèo. Trong bối cảnh đó, các vaccine tiềm năng chống lao ngày càng giảm, khi có rất ít ngân sách để phát triển và ít nỗ lực triển khai thử nghiệm như các vaccine ngừa COVID-19.
Ông Spigelman khẳng định rằng, nếu có nhiều nguồn lực đầu tư cho cuộc chiến chống lao, giống như cuộc chiến dịch chống COVID-19 thì thế giới hoàn toàn có thể xóa bỏ bệnh lao.
TB Alliance là tổ chức phi lợi nhuận với mục đích phát triển các loại thuốc chữa trị bệnh lao hiệu quả nhanh chóng, giá thành phải chăng, đặc biệt là tại những nước nghèo.
Thùy Chi (Theo AFP)