Cần kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai những quy định mới về cai nghiện

23/07/2022 08:03

(Chinhphu.vn) - Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 đã góp phần quan trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác xác định tình trạng nghiện và cai nghiện ma túy theo quy định mới còn bộc lộ một số hạn chế; một số địa phương vẫn còn lúng túng trong quá trình thực hiện.

Cần kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai những quy định mới về cai nghiện - Ảnh 1.

Một Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng tại Hà Nội - Ảnh: VGP/HG

Theo Bộ Công an, tại nhiều địa phương, công tác phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến người sử dụng trái phép chất ma túy chưa thực hiện đúng quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, vẫn còn tình trạng thực hiện theo quy định cũ (chỉ ra thông báo phạm pháp đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, không ra thông báo theo biểu mẫu quy định tại Nghị định số 105/2021/NĐ-CP). 

Do đó, Công an cấp cơ sở không nắm được thông tin, không có tài liệu làm căn cứ đề nghị UBND cấp xã ra quyết định đưa người sử dụng trái phép chất ma túy vào quản lý.

Về thủ tục xác định tình trạng nghiện, hiện nay còn tình trạng Sở Y tế thuộc các địa phương chưa hoặc chậm công bố danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy trên Website của Sở Y tế; chưa tổ chức tập huấn cấp chứng chỉ xác định tình trạng nghiện ma túy cho đội ngũ y, bác sỹ. 

Chính vì vậy đã gây khó khăn cho việc xác định tình trạng nghiện do thiếu cơ sở y tế và bác sỹ có thẩm quyền. Trong khi đó, phần lớn y, bác sỹ đang công tác tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập mặc dù có đủ thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy, nhưng phòng y tế tại các cơ sở cai nghiện công lập chưa đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định của pháp luật hiện hành, nên chưa trực tiếp xác định tình trạng nghiện.

Tại Hội nghị triển khai Nghị định số 116/NĐ-CP (Nghị định 116) quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma tuý, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức mới đây, đại diện UBND phường Hoà Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng cho biết, Nghị định 116 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 tuy nhiên đến nay UBND thành phố vẫn chưa có văn bản hướng dẫn để UBND phường thực hiện.

Theo quy định mới hiện nay thì cán bộ Trạm Y tế phường không đủ thẩm quyền xác định tình trạng người nghiện ma túy. Cán bộ phụ trách Phòng chống tệ nạn xã hội, Công an phường, y tế và các bộ phận, đơn vị liên quan thì chưa được tập huấn, hướng dẫn thực hiện Nghị định.

Việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phải có cơ sở dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng bảo đảm đầy đủ các điều kiện và được UBND cấp huyện đồng ý cho phép mà địa phương chưa đảm bảo được các điều kiện để tiếp nhận đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Trước thực tế đó, UBND quận Thanh Khê kiến nghị, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, năng lực của hệ thống tổ chức thực hiện công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy. Ngành y tế cần nghiên cứu sửa đổi, ban hành văn bản hướng dẫn xác định tình trạng nghiện ma túy; đồng thời, tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở về chẩn đoán và điều trị nghiện ma túy để hỗ trợ thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng...Sở Y tế thành phố bổ sung cho phép 5 Trạm Y tế trên địa bàn quận Liên Chiểu được xác định tình trạng nghiện ma túy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa người nghiện ma túy đi cai kịp thời.

Hà Nội cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai các quy định mới. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số người điều trị cai nghiện ma túy của Hà Nội theo cả 3 hình thức: Cai nghiện bắt buộc; cai nghiện tự nguyện; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đều giảm so với cùng kỳ năm 2021. 

Theo đó, các cơ sở cai nghiện ma túy của TP. Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận và cai nghiện bắt buộc cho 536 người, giảm 251 người so với cùng kỳ năm 2021; tiếp nhận 918 người vào cai nghiện tự nguyện, giảm 324 người.Các xã, phường, thị trấn đã tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng cho 227 người, giảm 482 người.

Khẩn trương công bố danh sách cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy

Lý giải điều này, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH Hà Nội) Phùng Quang Thức cho hay, bắt đầu từ năm 2022, các quy định của pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện có nhiều thay đổi, nên một số địa phương còn lúng túng trong quá trình lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 30 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, để thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phải có sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 17 của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức thẩm định và công bố tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. 

Tuy nhiên, hiện nay đa số các địa phương chưa triển khai công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng do đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn, công bố tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện do chưa có hướng dẫn về nội dung này. 

Tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 35 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải bố trí khu lưu trú tạm thời đối với người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy và người trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tại điểm b, khoản 4, Điều 35 quy định hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy bao gồm cả thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3, Nghị định 109/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì các cơ sở cai nghiện ma túy của TP. Hà Nội hiện nay chưa đủ điều kiện để xác định tình trạng nghiện, do chưa có "giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nội hoặc chuyên khoa tâm thần hoặc điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; cơ sở giám định pháp y tâm thần".

Đến ngày 14/5/2022, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1, 2 Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và được Sở Y tế thẩm định. Các cơ sở cai nghiện ma túy còn lại cũng đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ.

Để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, xác định tình trạng nghiện, quản lý sau cai, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tháng 4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Công điện số 365/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ: Y tế, LĐTB&XH, Công an, Tài chính, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Trong đó, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương công bố danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức tập huấn chuyên môn về xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định; phối hợp với Bộ LĐTB&XH nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách bảo đảm 100% phòng y tế tại các cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện là cơ sở xác định tình trạng nghiện.

Bộ LĐTB&XH chỉ đạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên sâu đến Phòng LĐTB&XH cấp huyện việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP để kịp thời khắc phục tình trạng tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc chậm thẩm định hồ sơ để chờ hướng dẫn gây khó khăn cho việc đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện. Phối hợp với Bộ Y tế có phương án bổ sung đội ngũ bác sĩ cho các phòng y tế thuộc cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện thực hiện xác định tình trạng nghiện theo quy định.

UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương cho công tác cai nghiện ma túy, xác định tình trạng nghiện ma túy, lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, tổ chức cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), khi những quy định mới được thực thi đúng và trúng sẽ làm giảm nguồn cầu (người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy), từ đó có thể kéo giảm các tội phạm hình sự khác.

Hoàng Giang

Top