Cơ hội để nhóm MSM có thể phòng bệnh HIV/AIDS với chi phí ‘0 đồng’
(Chinhphu.vn) - Để giảm tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM, tiến tới thực hiện mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, các chuyên gia cho rằng phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp.
Độ tuổi MSM nhiễm HIV ngày càng trẻ
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến thời điểm hiện tại trên toàn quốc ước tính có tổng số 230.000 người nhiễm HIV, trong đó có 213.800 trường hợp báo cáo còn sống, số ca tử vong lũy tích 110.990 ca.
Trong năm 2021, cả nước thêm gần 11.000 trường hợp phát hiện mới HIV. Trong tổng số ca mắc mới có 84% là nam, phần lớn tập trung ở các đô thị lớn, từ 16-29 tuổi và 30-39 tuổi, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn.
Bộ Y tế ước tính cả nước có khoảng 300.000 người nam quan hệ đồng tính (MSM). Tỷ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh ở nhóm này, từ 2012-2020 tăng hơn 5 lần, từ 2,3% lên 13,3%. So với những năm đầu đại dịch, tỉ lệ MSM nhiễm HIV đã cao nhất, vượt qua nhóm tiêm chích ma túy và mại dâm.
Là người quan hệ đồng tính N.T.D, 22 tuổi (Hà Nội) có mối quan hệ với nhiều bạn tình đồng giới, tìm đến Trung tâm y tế ở Hà Nội, D. mong muốn được tư vấn và hỗ trợ thuốc dự phòng lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, do trước đó đã rất nhiều lần quan hệ tình dục không an toàn, khi được tư vấn xét nghiệm HIV, D. bàng hoàng nhận được kết quả dương tính. Sau đó D. được hướng dẫn điều trị thuốc kháng ARV và cách phòng tránh lây nhiễm cho bạn tình.
Bạn tình của D. là anh H.N.L, 30 tuổi may mắn không bị nhiễm HIV và anh đã được Trung tâm y tế cấp thuốc PrEP (dự phòng lây nhiễm HIV) và bao cao su miễn phí, đồng thời cũng được hướng dẫn chi tiết sử dụng thuốc PrEP.
Một trường hợp khác tương tự, N.H.T, 18 tuổi ở Bình Dương là người có nhiều mối quan hệ phức tạp với nhiều bạn tình, T, 18 tuổi tìm đến Câu lạc bộ Kết nối Trẻ (một tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống HIV cho cộng đồng song tính, đồng tính và chuyển giới LGBT tại Bình Dương), đề nghị được hỗ trợ thuốc dự phòng lây nhiễm HIV. Sau khi có kết quả test nhanh HIV âm tính, T. được cấp thuốc PrEP.
Tuy nhiên, vì có quan hệ tình dục tập thể không an toàn trước đó vài tuần, chàng trai được hẹn quay lại xét nghiệm sau một tháng. Lần này, kết quả có phản ứng ban đầu với HIV, song xét nghiệm khẳng định PCR tại cơ sở y tế cho âm tính. Nghi ngờ Trung đang ở "thời kỳ cửa sổ" với bệnh, các bác sĩ theo dõi duy trì thêm một tháng. Kết quả cuối cùng không khả quan, T. đã nhiễm HIV.
Đây là một trong hàng chục trường hợp lây nhiễm HIV đáng tiếc mà anh Tống Văn Nam, Trưởng câu lạc bộ đã tiếp cận trong 11 năm đồng hành cùng cộng đồng LGBT Bình Dương. Anh Nam cho biết, hầu hết người bệnh đều rất sốc, thậm chí khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng khi nhận tin. Họ thường ở nhóm trẻ tuổi, chủ yếu là sinh viên, công nhân, hoặc cả học sinh cấp ba và có điểm chung là không biết bạn tình của mình đã nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm HIV hay không.
Mỗi năm Bình Dương ghi nhận khoảng 700-800 ca nhiễm HIV mới, trong đó nhóm MSM chiếm khoảng 80%. Còn tại TPHCM, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC), năm 2012 số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận vào khoảng 2.000 người. Đến năm 2021 con số này là gần 4.500 người, trong đó 76% số ca nhiễm mới thuộc nhóm MSM.
Nhiều hệ lụy do thiếu hiểu biết
BS. Nguyễn Đức Bằng, Trưởng Khoa Lao và Điều trị HIV, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết, đơn vị ông phụ trách hiện có 5 bệnh nhân khi nhập viện đã ở giai đoạn cuối, hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng kèm các biến chứng như lao hạch, viêm phổi nặng. Đáng báo động là độ tuổi nhiễm HIV ngày càng trẻ, có bệnh nhân đang học cấp ba và nhiều người phát hiện bệnh muộn nên đáp ứng điều trị kém.
Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM tăng, BS. Nguyễn Bá Hưng, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, hầu hết nhóm quan hệ đồng giới ít có kiến thức về quan hệ tình dục cũng như các bệnh lây qua đường tình dục.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, đặc điểm quan hệ tình dục nhóm, có nhiều bạn tình cùng lúc là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Khu vực đô thị đông người, lại thêm mạng xã hội phát triển với các hội nhóm dành riêng cho người có nhu cầu quan hệ tình dục đồng giới nở rộ, khiến họ dễ dàng tìm kiếm và tiếp xúc với nhiều bạn tình hơn.
Nhóm quan hệ đồng giới thường áp dụng 2 cách quan hệ bằng miệng và quan hệ qua đường hậu môn. Quan hệ tình dục bằng miệng là bước dạo đầu khiến cho 2 bên đạt khoái cảm. Tuy nhiên, đây có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh xã hội: HIV, bệnh lậu, bệnh giang mai, bệnh sùi mào gà và mụn rộp sinh dục… Đặc biệt, trong trường hợp bị các vết thương hở ở niêm mạc miệng mà quan hệ bằng miệng thì nguy cơ mắc các bệnh xã hội này càng cao.
Thậm chí có nhiều trường hợp đua đòi, thiếu hiểu biết nên để đã sử dụng ma túy, chất kích thích quan hệ tập thể, mất kiểm soát hành vi và không sử dụng các biện pháp an toàn như bao cao su, chất bôi trơn…dẫn đến những hậu quả, hệ lụy khó lường. Nguy hiểm hơn, một số trường hợp không biết rõ về bạn tình của mình, nhất là tình trạng sức khỏe. Có người mang nhiều nguy cơ chồng chéo, như tiêm chích ma túy, quan hệ với cả nam và nữ, thường xuyên thay đổi bạn tình, mắc kèm các bệnh truyền nhiễm khác... khiến nguy cơ lây nhiễm càng tăng cao hơn.
Phòng bệnh với chi phí "0 đồng"
Để giảm tỷ lệ mắc HIV ở nhóm MSM, tiến tới thực hiện mục tiêu lớn là chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, các chuyên gia cho rằng phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp. Then chốt là phổ biến kiến thức về HIV và cách phòng tránh lây nhiễm HIV, hướng dẫn sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), dự phòng sau phơi nhiễm (PEP).
Cụ thể, PrEP được khuyến nghị cho những người không nhiễm HIV, nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm virus (quan hệ tình dục không an toàn hoặc tiêm chích ma túy). Đặc biệt với nhóm MSM và người chuyển giới cần sử dụng trong suốt thời gian có nguy cơ cao. Tuân thủ tốt liệu trình dự phòng có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục trên 90% và qua tiêm chích ma túy đến 70%.
Còn PEP sử dụng trong trường hợp phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ. PEP thường được áp dụng trong tình huống "tai nạn", như không sử dụng biện pháp an toàn, rách hay tuột bao cao su. Hiệu quả dự phòng của điều trị PEP vào khoảng 80%, có thể cao hơn nếu sử dụng trong những giờ đầu. Tác dụng thuốc giảm dần và vô hiệu sau 72 giờ tính từ lúc phơi nhiễm.
Ngoài ra, chuyên gia khuyến cáo nhóm MSM nên đề nghị bạn tình kiểm tra sức khỏe trước khi quan hệ tình dục, khám sức khỏe thường xuyên và sử dụng bao cao su 100% khi quan hệ tình dục. Trường hợp nghi ngờ bản thân hoặc bạn tình nhiễm HIV, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời. Nếu đã nhiễm HIV, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, nhằm kéo tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, sẽ không lây bệnh cho bạn tình.
Hiện nay, phần lớn các loại thuốc dự phòng HIV đang được điều trị miễn phí. Vì vậy, đây cũng là cơ hội để nhóm MSM có thể phòng bệnh với chi phí "0 đồng". Anh Tống Văn Nam cho biết, chúng ta không thể đánh giá hoặc ngăn cấm xu hướng, nhu cầu quan hệ tình dục của người khác. Điều cần làm là chỉ cho họ cách tự bảo vệ khỏi bệnh tật và không lây bệnh cho người khác.
Ông Võ Hoài Sơn, Trưởng phòng giám sát, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, việc triển khai chương trình PrEP miễn phí tại phòng khám do các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) quản lý là hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh 40% ca nhiễm mới mỗi năm thuộc nhóm MSM.
PrEP miễn phí sẽ tăng cường hơn nữa việc tiếp cận dịch vụ dự phòng HIV hiệu quả cho nhiều người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhưng không có khả năng chi trả hoàn toàn, cũng như giảm bớt gánh nặng cho những người đang phải chi trả cho điều trị PrEP, giúp họ có thêm động lực để điều trị lâu dài.
Thùy Chi