Nhân rộng các mô hình truyền thông đa dạng phòng, chống HIV cho nhóm MSM
(Chinhphu.vn) - Những năm gần đây, số lượng người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục gia tăng trong nhóm người trẻ tuổi, đáng lưu ý ghi nhận có sự thay đổi khá rõ nét về đường lây truyền HIV đặc biệt tăng qua quan hệ tình dục và xảy ra nhiều trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng và diễn biến theo chiều hướng phức tạp trong những năm gần đây. Đáng lo ngại là đối tượng nhiễm bệnh ngày càng trẻ hóa kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, làm giảm nguồn lao động, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội. Hơn nữa, những người trẻ tuổi do ít hiểu biết nên rất dễ khiến tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao.
Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có 1.671 bệnh nhân nhiễm HIV còn sống, qua giám sát thường xuyên HIV trong tỉnh cho thấy, nhóm tuổi 13-19 nhiễm HIV giai đoạn 2010-2019 là 3% nhưng giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 3/2022 đã tăng lên 8%. Công tác điều trị cho thấy bệnh nhân điều trị ARV ngày càng trẻ, hiện nay bệnh nhân ở Khoa Phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, số người dưới 39 tuổi chiếm 42%, đặc biệt bệnh nhân điều trị ARV là đối tượng MSM chiếm 86% trong nhóm này.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc người nhiễm HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa thực sự là hồi chuông đáng báo động. Qua thăm khám bệnh nhân điều trị ARV và khách hàng đến các phòng tư vấn và xét nghiệm tự nguyện (VCT) có thể thấy hầu hết người nhiễm HIV đều do tình trạng qua hệ tình dục không an toàn, tình dục đồng giới và tâm lý chủ quan với dịch bệnh là nguyên nhân làm tăng số người nhiễm HIV trẻ tuổi.
Cụ thể đã ghi nhận có sự thay đổi khá rõ nét về đường lây truyền HIV đặc biệt tăng qua quan hệ tình dục và xảy ra nhiều ở đối tượng MSM. Chưa kể, những đối tượng MSM thường có tiêm chích ma túy, không thích dùng bao cao su, lại hay thay đổi bạn tình và quan hệ không an toàn theo nhóm... nên dễ dẫn đến nhiễm HIV từ người khác.
Để kiểm soát số người nhiễm HIV trong cộng đồng, năm 2018 ngành y tế tỉnh đã triển khai phần mềm định vị cá nhân để đếm số liệu, con số đáng báo động cho thấy có đến hơn 1.500 trường hợp nam đồng tính trên toàn tỉnh.
Cũng theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, việc người nhiễm HIV ngày càng trẻ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cộng đồng, giảm sự cống hiến sức lao động, giảm chất lượng dân số vì đây là nhóm trong độ tuổi sinh đẻ và là nhóm tuổi lao động.
Để giảm tình trạng người nhiễm HIV/AIDS, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh triển khai việc truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng qua các kênh truyền thanh ở tuyến xã phường và thực hiện tư vấn cho người có hành vi nguy cơ ở các phòng VCT. Đồng thời, tăng cường kiểm soát và phát hiện những người nhiễm HIV, tổ chức các biện pháp xét nghiệm tại cộng đồng trong nhóm MSM. Đặc biệt, nhân rộng những mô hình truyền thông đa dạng trong phòng chống HIV trong nhóm MSM để họ chủ động bảo vệ sức khỏe cjo bản thân, phát hiện sớm lây nhiễm HIV và phòng tránh lây nhiễm HIV ra ngoài cộng đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh củng đẩy mạnh công tác truyền thông vận động những người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ sở điều trị (Khoa Phòng, chống HIV/AIDS – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên; Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột. Hiện số bệnh nhân có BHYT trên địa bàn tỉnh chiếm 92,05% (614/667 bệnh nhân); trong đó có 157 trường hợp được BHYT chi trả 100%, 23 trường hợp được BHYT chi trả 95%, 434 trường hợp được BHYT chi trả 80%.
Cho đến nay, bệnh AIDS do virus HIV gây ra vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu có thể chữa khỏi hoàn toàn, chi phí điều trị bệnh có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người bệnh và trở thành gánh nặng cho cả gia đình. Với người nhiễm HIV, nguy cơ ốm đau nhiều hơn người khác và điều trị bằng thuốc kháng virus ARV là liên tục và suốt đời. Chính vì vậy, sử dụng BHYT là việc làm rất cần thiết đối với người nhiễm HIV.
Người nhiễm HIV đi lao động làm ăn xa nhà vẫn có thể tham gia BHYT với các lựa chọn sau: Đăng ký tạm trú tại cơ quan công an nơi đang tạm trú để lao động và có thể tham gia BHYT bình thường theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành; tham gia BHYT tại quê nhà nơi có hộ khẩu thường trú (theo quy định từ ngày 1/1/2021 đã thông tuyến khám chữa bệnh đến tuyến tỉnh nên người nhiễm HIV vẫn có thể sử dụng thẻ để khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nơi lao động tương đương với tuyến của nơi ghi trên thẻ BHYT hoặc cơ sở y tế khác nếu không có cơ sở tương đương).
Thùy Chi