Tăng cường các biện pháp can thiệp trong nhóm MSM

03/08/2022 15:26

(Chinhphu.vn) - Để giảm thiểu số người lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, các biện pháp can thiệp giảm hại, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm HIV, đặc biệt chú trọng vào nhóm MSM, lồng ghép xét nghiệm HIV/giang mai và triển khai các phần mềm để tìm người nhiễm HIV và xét nghiệm HIV.

BR-VT: Tăng cường các biện pháp can thiệp trong nhóm MSM - Ảnh 1.

Đoàn công tác làm việc tại Bệnh viện Vũng Tàu. Ảnh: Thùy Chi

Ngày 3/8, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức đưa đoàn phóng viên thuộc các cơ quan báo chí Trung ương đi thực tế tại Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng như huy động sự ủng hộ của người dân trong triển khai các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến 30/6, lũy tích số người nhiễm HIV của tỉnh là 5.285 trường hợp, trong đó số nhiễm HIV còn sống tiếp cận được là 3.171, số người nhiễm HIV tử vong là 2.114 trường hợp. Trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh phát hiện mới 102 trường hợp nhiễm HIV, không có ca tử vong.

Nhìn chung từ đầu vụ dịch, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới (66,5%) cao hơn nữ giới (33,5%). Lây qua đường máu chiếm tỉ lệ 42%, lây truyền qua đường tình dục chiếm 55%, mẹ truyền sang con là 3%.

Trong những năm gần đây, tỉ lệ lây nhiễm qua đường tình dục đã tăng rõ rệt (17,27% năm 2000; 52,89% năm 2010 và 66% năm 2019).

Về đối tượng: Tỉ lệ nhiễm HIV có chiều hướng tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) từ 2,2% (năm 2012) lên 15,3% (năm 2016), 18,7% (năm 2017),  16,5% (năm 2018) và 41,85% (năm 2020). Nhóm nghiện chích ma túy: Tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy tại cộng đồng có xu hướng giảm dần từ 15,4% (năm 2007) xuống 10% (năm 2013), từ năm 2013 - 2018 xu hướng dịch ít biến động, giao động trong khoảng 8,5-10%, tuy nhiên năm 2020 lại tăng trở lại 14,13%. Nhóm phụ nữ bán dâm có xu hướng tăng nhẹ từ 3,5% (năm 2017) và 3,8% (năm 2020).

Về địa bàn: 100% các huyện, thành, thị phát hiện người nhiễm HIV, trong đó thành phố Vũng Tàu là địa phương có số người nhiễm HIV còn sống cao nhất 1.162 (40,24%), tiếp đến là thị xã Phú Mỹ 576 (19,95%), TP Bà Rịa 366 (12,36%)... Đây là những địa phương có các biện pháp can thiệp tích cực.

BS. Nguyễn Duy Minh, Phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, những năm gần đây, đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi mạnh. Trong đó, lây nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh, trở thành phương thức lây truyền HIV chủ yếu. Vì vậy, việc duy trì, tuân thủ điều trị đối với bệnh nhân HIV/AIDS vô cùng quan trọng, bảo đảm cho nồng độ virus trong máu của bệnh nhân đạt dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu), thì sẽ không có nguy cơ lây qua đường tình dục.

Bên cạnh đó, nhiều biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai như: Xét nghiệm tầm soát nhanh, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và kiểm soát HIV/AIDS tận cơ sở. Nhờ đó, số người nhiễm HIV mới, trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS giảm so với năm trước.

Hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS của địa phương đang được hỗ trợ từ dự án EPIC và dự án Quỹ Toàn cầu. Là 1 trong 6 tỉnh được dự án EPIC hỗ trợ để thực hiện mục tiêu 90-90-95, Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu triển khai dự án từ năm 2018.

"Dự án EPIC là một cú hích lớn hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, dự án hỗ trợ về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, góp phần hỗ trợ tỉnh tìm ra những người nhiễm mới HIV, dự án EPIC có đóng góp đếm 60% số người phát hiện nhiễm mới HIV; dự án cũng hỗ trợ số lượng lớn bệnh nhân tiếp cận điều trị thuốc kháng ARV; hỗ trợ chăm sóc, điều trị HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao trình đồ chuyên môn cho các cán bộ trong công tác phòng chống HIV/AIDS và các cộng tác viên, đồng đẳng viên…", BS. Minh cho hay.

Trong thời gian tới, để đẩy lùi dịch bệnh, ngành y tế tỉnh sẽ tập trung các hoạt động như: Mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV; đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV; đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng; bảo đảm, lồng ghép hoạt động khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua nguồn BHYT; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIVV/AIDS; xây dựng cơ sở dữ liệu HIV/AIDS tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cảnh báo sớm, kiểm soát dịch phòng, chống HIV/AIDS…

Thùy Chi

}
Top