Công bằng, bình đẳng sẽ sớm đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS
(Chinhphu.vn) - Việc chăm sóc y tế lấy con người làm trung tâm, giúp họ có thể tiếp cận dịch vụ y tế hay dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách dễ dàng nhất sẽ giúp thế giới đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Nhân Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) có cuộc trao đổi với báo chí về những thành tựu, khó khăn và giải pháp để có thể đạt mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS
Xin bà cho biết tại sao năm 2024 Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS là "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030"?
PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030" mà Việt Nam lựa chọn trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng và được đưa ra dựa trên bối cảnh cụ thể.
Trước hết, hưởng ứng chủ đề "Take the Rights Path" của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), nhằm nhấn mạnh vai trò của quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. UNAIDS cho rằng việc chăm sóc y tế lấy con người làm trung tâm, tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh của mỗi người, để giúp họ có thể tiếp cận dịch vụ y tế hay dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách dễ dàng nhất sẽ giúp thế giới đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Bên cạnh đó, đây còn là sự tiếp nối cam kết đã được thể hiện rõ tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS lần thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2021. Tại hội nghị này, cộng đồng quốc tế, bao gồm Việt Nam, đã thông qua Tuyên bố Chính trị với mục tiêu: "Chấm dứt các bất bình đẳng và trở lại đúng hướng để kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030". Tuyên bố Chính trị nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm quyền con người trong tiếp cận dịch vụ y tế, không có sự phân biệt đối xử và bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng việc tiếp cận các dịch vụ y tế phải bảo đảm tính sẵn có, khả năng tiếp cận, có thể chấp nhận được, có chi phí hợp lý và bảo đảm chất lượng.
Công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS có thể hiểu là việc bảo đảm rằng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác.
Bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là việc bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác, đều có quyền sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử.
Kết thúc dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS, mà đảm bảo rằng AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với các tiêu chí như số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca mỗi năm và tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự cam kết thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách cụ thể nhằm bảo đảm mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng.
Chính phủ đã thông qua Chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS, ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006, sửa đổi năm 2020) và chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp can thiệp. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW năm 2021 để tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, thể hiện sự quyết tâm cao độ trong việc thực hiện cam kết chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030.
Để giải quyết vấn đề khó khăn trong tiếp cận dịch vụ, Việt Nam đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt. Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập và tư nhân, đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao. Việt Nam cũng đã tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trong làm việc với các nhóm nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, các khóa đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS và các kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho các nhóm đặc thù này đã giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm thiểu kỳ thị từ phía nhân viên y tế. Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng người nhiễm HIV và các đối tác phát triển phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm nguy cơ cao tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), và những người dễ bị tổn thương khác vẫn khó tiếp cận các dịch vụ do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, và hạn chế về tài chính.
Bên cạnh đó, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong các chương trình điều trị dự phòng. Các vấn đề này gây trở ngại cho mục tiêu giảm thiểu sự lây lan HIV và bảo đảm chăm sóc cho mọi người dân.
Chính vì vậy, việc Việt Nam chọn chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS" thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS mà còn là bước đi cần thiết để bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
Dịch HIV/AIDS hiện vẫn đang diễn biến phức tạp
Xin bà cho biết tình hình dịch HIV/AIDS và xu hướng dịch HIV trên thế giới, khu vực và ở Việt Nam cũng như những khó khăn, thách thức tại Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Tính đến hết năm 2023, thế giới có khoảng 39,9 triệu người đang sống chung với HIV. Châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 25,9 triệu người nhiễm HIV hiện đang còn sống. Trong năm 2023, thế giới có khoảng 1,3 triệu người nhiễm HIV mới (trong đó có 120.000 trẻ em dưới 15 tuổi) và 630.000 người nhiễm HIV đã tử vong.
Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tính đến hết năm 2023 có khoảng 6,7 triệu người đang sống chung với HIV. Trong năm 2023, khu vực có 300.000 người nhiễm HIV mới và khoảng 150.000 người nhiễm HIV đã tử vong.
Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TPHCM, ước tính hiện nay có khoảng 267.000 người đang sống chung với HIV. Đến nay, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 701/705 quận/huyện có người nhiễm HIV (chiếm 99,43%) và trên 96% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%), đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).
Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6.5% tháng 9 năm 2024; tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 70,8% vào tháng 9 năm 20242.
Tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam nghiện chích ma túy (khoảng 12%) và nhóm phụ nữ bán dâm (dưới 5%) có xu hướng ổn định qua các năm. Tuy nhiên, tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rất nhanh trong thời gian qua (tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trong giám sát trọng điểm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022). Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỉ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% năm 2022, tại TPHCM tỉ lệ này là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.
Dịch HIV/AIDS hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV thay đổi rõ rệt từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục. Nhóm MSM liên tục chiếm tỉ lệ cao trong số mới phát hiện hằng năm (trên 40%).
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn tồn tại và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.
Về địa bàn, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam và các thành phố lớn - nơi có nhiều khu công nghiệp, trường đại học, là nơi tập trung kinh tế, văn hóa, giáo dục nên dân cư đổ về làm việc, học tập đông, dễ xảy ra các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV.
Đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 70% số người nhiễm HIV mới phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các số liệu cảnh báo dịch cho thấy các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn các nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV.
Tiếp tục huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS
Trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần, xin bà cho biết ngành y tế đã có phương án gì để bảo đảm nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS?
PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Bên cạnh việc tiếp tục vận động, huy động các nguồn tài chính quốc tế, Bộ Y tế tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính trong nước quan trọng bao gồm ngân sách địa phương, Nguồn quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách Trung ương, Thu phí dịch vụ và huy động khu vực tư nhân và các nguồn xã hội hóa. Đến nay các nguồn tài chính trong nước đã đạt khoảng 45%.
Để tiếp tục tăng tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước. Bộ Y tế tiếp tục tập trung huy động ngân sách địa phương. Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS làm hành lang pháp lý cho việc cho việc lập dự toán kinh phí từ nguồn NSĐP. Tiếp tục đôn đốc và hỗ trợ các địa phương chưa phê duyệt kế hoạch đảm bảo tài chính chấm dứt dịch bệnh AIDS đến năm 2030 tiếp tục trình hoàn thiện và phê duyệt.
Trong thời gian vừa qua Việt Nam đã rất thành công trong việc chuyển giao chương trình điều trị ARV sang nguồn quỹ bảo hiểm y tế đến nay Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả tới 90% thuốc đàm phán giá. Tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế đạt tới 96%, tuy nhiên đến nay vẫn còn 5-7% bệnh nhân đang điều trị từ khu vực tư nhân do không muốn lộ danh tính.
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế và bảo đảm quỹ bảo hiểm y tế chi trả đầy đủ cho người nhiễm HIV theo quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Thùy Chi