Đẩy mạnh công tác sàng lọc, phát hiện bệnh đồng nhiễm lao/HIV

26/03/2024 13:03

(Chinhphu.vn) - Người nhiễm HIV có nguy cơ cao mắc lao mới, hoặc lao tái phát do hệ miễn dịch bị suy giảm, có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác sàng lọc, phát hiện bệnh đồng nhiễm lao/HIV, áp dụng chiến lược phát hiện lao tích cực có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca

Theo Báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia, trong năm 2023, chương trình đã phát hiện 106.086 ca mắc bệnh lao các thể, tăng 2.282 ca (2,2%) so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021 - là năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19.

Đẩy mạnh công tác sàng lọc, phát hiện bệnh đồng nhiễm lao/HIV- Ảnh 1.

Nếu người nhiễm HIV có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm lao cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn khám, điều trị dự phòng bệnh lao. Ảnh minh họa

Số bệnh nhân bệnh nhân lao phát hiện hằng năm tại Việt Nam vào khoảng 60%, như vậy sẽ có khoảng 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện. Ước tính có khoảng 12.000 người tử vong do bệnh lao mỗi năm, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Đặc biệt, năm 2023 cũng phát hiện các trường hợp lao kháng đa thuốc gia tăng lên 3.775 ca, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%. Lao đa kháng thuốc ước tính chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca. Bệnh lao đồng nhiễm HIV ước tính chiếm 2,5%.

Trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa VN trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Về điều trị, năm 2022, tỉ lệ điều trị khỏi trên toàn quốc đã có dấu hiệu cải thiện, đạt 90%, đáp ứng chỉ tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhưng vẫn chưa đạt được so với thời điểm trước Covid-19.

Tình hình bệnh lao gia tăng ở Việt Nam cũng phù hợp với xu hướng gia tăng bệnh lao trên toàn cầu. Theo báo cáo của WHO, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm năm 2022, chỉ sau Covid-19 và các mục tiêu toàn cầu trong công tác chống bệnh lao hiện vẫn bị chậm tiến độ.

Theo WHO, công cuộc thanh toán bệnh lao toàn cầu vẫn còn rất nhiều trở ngại và cần nhiều hơn nữa nỗ lực từ các quốc gia, đặc biệt phải biến các cam kết được đưa ra tại cuộc họp cấp cao của Liên Hợp quốc về bệnh lao năm 2023 thành hành động cụ thể.

Cần tối ưu các chính sách hiện có

Theo Chương trình chống lao quốc gia, muốn đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào 2035 cần triển khai tối ưu các chiến lược, chính sách hiện có. Đó là bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với công tác phòng chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội.

Đồng thời, nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vaccine mới, các tiếp cận và can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị lao sớm để cắt đứt nguồn lây, điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao.

Hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, cùng với các chính sách mới như thuốc chống lao, dịch vụ khám chữa bệnh do bảo hiểm y tế chi trả…, Chương trình chống lao quốc gia đã huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ để hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực triển khai các hoạt động có hiệu quả. Trong đó, có sự góp phần không nhỏ của chính sách mở rộng triển khai chiến lược 2X, bao gồm sử dụng X-quang lồng ngực cùng xét nghiệm sinh học phân tử ở cộng đồng và các cơ sở y tế, hiệu quả gấp 7 lần so với việc phát hiện thụ động như hiện nay.

Theo Chương trình phòng chống lao quốc gia, bệnh lao có thể hoàn toàn điều trị khỏi với tỷ lệ đạt hơn 90% với bệnh nhân lao mới và 70% với bệnh lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% bệnh nhân lao đa kháng thuốc với phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc.

Để góp phần giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh lao ở những người bệnh nhiễm HIV/AIDS, thời gian qua, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã triển khai hiệu quả các hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm, dự phòng và điều trị hiệu quả bệnh lao cho những người nhiễm HIV.

Khả năng mắc bệnh lao của người nhiễm HIV là 50% và cao hơn từ 10 đến 30 lần so người không nhiễm. Chính vì vậy, việc phối hợp giữa công tác phòng chống lao và HIV sẽ góp phần phát hiện sớm bệnh nhân đồng nhiễm lao và HIV để điều trị, tránh lây lan, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh HIV.

Để kịp thời phát hiện, điều trị lao cho người bị nhiễm HIV, bệnh viện Phổi Hà Nội cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân có thêm kiến thức về bệnh lao, HIV và cùng chung tay xóa bỏ các rào cản, giảm kỳ thị, không giấu bệnh, tự giác đi khám để được điều trị.

BS.CKI Nguyễn Văn Khiêm, Trưởng Khoa Nội II, Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, với đặc thù của bệnh nhân HIV là suy giảm hệ miễn dịch, nếu người bệnh đồng nhiễm lao mà không được phát hiện sớm và điều trị, tình trạng bệnh sẽ tiến triển theo chiều hướng xấu rất nhanh và dễ dẫn đến tử vong.

Nguy cơ mắc bệnh lao ở người nhiễm HIV cao hơn người bình thường do hệ miễn dịch bị suy giảm. Hằng năm, người nhiễm HIV cần thường xuyên khám tầm soát sàng lọc bệnh lao và chủ động phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, người bệnh lao có nhiễm HIV/AIDS đến bệnh viện thường khi bệnh đã chuyển biến nặng, sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn, gia đình ít quan tâm chăm sóc. Một số trường hợp không tuân thủ phác đồ điều trị, nên phải kéo dài thời gian điều trị, có trường hợp dẫn đến kháng thuốc, ảnh hưởng đến hoạt động kiểm soát bệnh lao.

Do đó, Bệnh Phổi Hà Nội luôn chú trọng việc phát hiện và có phác đồ điều trị sớm nhằm góp phần phát hiện sớm người bệnh đồng nhiễm lao, HIV. Qua đó giúp người bệnh được điều trị hiệu quả, giảm thiểu lây lan, giảm tử vong và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV.

Nếu người nhiễm HIV có một trong các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm lao phổi như ho kéo dài, sốt về chiều, khó thở… cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn khám, điều trị dự phòng bệnh lao. Bên cạnh đó, người bệnh tiếp tục tuân thủ phác đồ điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV để đảm bảo hiệu quả quy trình điều trị.

Thùy Chi

Top