Đẩy mạnh phong trào 'Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư'

11/02/2023 08:53

(Chinhphu.vn) - Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” đang được đẩy mạnh với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là người nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy, người bán dâm, người thường xuyên di biến động tự giác tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa bàn dân cư.

Bên cạnh đó, phong trào cũng làm tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể nhằm tuyên truyền, vận động, thúc đẩy phong trào đạt hiệu quả ở các địa phương; Tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và từng bước làm thay đổi hành vi của người dân, hạn chế tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.

Triển khai các hoạt động phù hợp với điều kiện địa phương

Tại Hưng Yên, phong trào được triển khai các hoạt động phù hợp với điều kiện của từng địa phương trên địa bàn tỉnh; gắn liền hoạt động phòng chống HIV/AIDS với phòng, chống ma túy, mại dâm; đồng thời nâng cao năng lực cho nhóm nòng cốt tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Tại các khu dân cư, tùy theo tình hình thực tế, ngoài các hoạt động truyền thông, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS theo hướng dẫn, ngành y tế tỉnh chú trọng triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.

Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” - Ảnh 1.

Phát thuốc cho bệnh nhân điều trị HIV. Ảnh: Thùy Chi

Bên cạnh đó, đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư và tiêu chuẩn xây dựng danh hiệu "Gia đình văn hóa", khu dân cư văn hóa trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

Cụ thể, Hưng Yên đã triển khai với các nội dung truyền thông chính như: Tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; hậu quả của đại dịch HIV/AIDS đối với sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế-xã hội; trách nhiệm của cơ quan đơn vị, tổ chức và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.

Đại dịch HIV/AIDS và vấn đề về giới, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm; Quyền, nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và của người nhiễm HIV trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nguyên nhân, đường lây, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV như sử dụng bơm kim tiêm sạch, sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục với đối tượng nguy cơ cao và chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone. Biểu dương những gương tập thể, cá nhân tích cực tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS…

Bằng những hình thức truyền thông chính như: Thông qua phương tiện thông tin đại chúng; thông qua hoạt động của cộng đồng dân cư, hưởng ứng tháng chiến dịch dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con, tháng hành động quốc gia và ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS…

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cung phối hợp với bệnh viện tổ chức truyền thông các nội dung thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia phòng,chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư", nêu gương những điển hình, người tốt việc tốt trong thực hiện phong trào ở cơ sở.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 31/10/2022, toàn tỉnh phát hiện 1.940 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó 1.035 người nhiễm HIV/AIDS còn sống; 100% số huyện, thị xã, thành phố và 96,9% số xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV; tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 15-39, chiếm 67%, nguyên nhân nhiễm HIV chủ yếu do tiêm chích ma túy, lây nhiễm qua đường tình dục có chiều hướng gia tăng. Hiện tỉ lệ bệnh nhân đang điều trị bằng ARV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 98,5%, số còn lại là những trường hợp trong trại tạm giam, trại cai nghiện.

Tập trung thay đổi hành vi, can thiệp giảm hại

Tại Hải Phòng, "Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư" cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.

Địa phương đã đẩy mạnh thoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng, giảm tỉ lệ lây truyền HIV/AIDS; tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ y tế, cơ sở y tế, không còn hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử với HIV/AIDS tại cơ sở y tế, tiến tới giảm thiểu sự kỳ thị phân biệt đối xử tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, triển khai đầy đủ, chất lượng các hoạt động cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, duy trì tốt mô hình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone, giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS đến người bệnh, gia đình và cộng đồng; nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.

Với hàng loạt các quyết sách quan trọng và những can thiệp có bằng chứng hiệu quả, Hải Phòng đang dần xua tan bóng tối của kỳ thị và phân biệt đối xử bao quanh HIV, trở thành điểm sáng trong cả nước.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Phòng, tính đến tháng 10/2022, thành phố có hơn 6.000 người nhiễm HIV còn sống và hơn 5.000 người đã chết do AIDS, số bệnh nhân nhiễm HIV đang được theo dõi điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) là 5.363 người.

Trong những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS của Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần tích cực vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu về công tác phòng chống HIV/AIDS, được Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao. Hàng năm, cả 3 chỉ số bao gồm: số người nhiễm HIV mới, người chuyển sang AIDS và số người tử vong do AIDS đều giảm. Số người nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc ARV và được thực hiện các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS tăng.

Đẩy mạnh công tác truyền thong trong thanh niên, công nhân và người lao động

Tại Quảng Bình, Phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư" được triển khai mạnh mẽ.

Mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng hiện nay đang thực hiện công việc tiếp cận, truyền thông về HIV/AIDS, cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Kết nối tư vấn xét nghiệm HIV ngoài cộng đồng, kết nối khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm khẳng định HIV và kết nối chăm sóc điều trị HIV.

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 được khống chế trên địa bàn tỉnh, CDC tỉnh đã tập trung thực hiện tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV cho các phạm nhân tại Trại giam Đồng Sơn và Trại tạm giam Công an tỉnh; cấp test xét nghiệm sàng lọc HIV cho trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xét nghiệm được 10.627 mẫu, phát hiện 15 trường hợp dương tính với HIV.­

Hiện Quảng Bình có 269 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị (người lớn 261, trẻ em 8); tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone tại 3 cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh là 150 trường hợp; 100% bệnh nhân được khám, cấp phát thuốc qua bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, ngành Y tế tăng cường dự phòng, phát hiện, điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS mắc các bệnh đồng nhiễm (lao, da liễu, viêm gan vi rút, các bệnh lây truyền qua đường tình dục), góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

Ở Quảng Bình, tình hình dịch AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp. Đường lây HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên... 

Trong thời gian tới, Quảng Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng. Đối với thanh niên là học sinh, sinh viên: Tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ…

Thông qua các tiết ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề, các sự kiện truyền thông tại các trường THPT, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp để tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên.

Đối với thanh niên là công nhân, người lao động: Tăng cường hiểu biết về HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức các hình thức truyền thông phù hợp về phòng, chống HIV/AIDS tại các công ty thuộc các khu công nghiệp có nhiều nam công nhân, nhất là ở các khu công nghiệp lớn…

Thùy Chi

}
Top