Triển khai toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị

06/02/2023 14:08

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh tình hình dịch HIV chuyển sang xu hướng dịch mới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu, trong năm 2023, ngành y tế cần tập trung mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị HIV/AIDS.

Triển khai toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị - Ảnh 1.

Cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Cụ thể, các hoạt động triển khai đẩy mạnh việc tiếp cận sớm xét nghiệm HIV cho những người có hành vi nguy cơ cao; người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với điều trị bằng thuốc kháng virus và điều trị các bệnh đồng nhiễm HIV/Lao, HIV/Viêm gan C.

Trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành đặc biệt là ngành y tế thì đến nay, về cơ bản dịch bệnh HIV/AIDS đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước.

Riêng trong năm 2022, dịch COVID-19 tiếp tục làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận xét nghiệm đối với nhóm nguy cơ cao, hay người bệnh tiếp cận với xét nghiệm tải lượng virus. Tình hình dịch HIV chuyển sang xu hướng dịch mới, lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và xu hướng gia tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

96% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế

Ths. Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát, Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, năm 2022, cả nước phát hiện được hơn 11.000 trường hợp nhiễm HIV. Nhìn chung, tỉ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao đã giảm đáng kể và tỉ lệ chung trong cộng đồng được kiểm soát ở mức dưới 0,3%. Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS trong vài năm gần đây có diễn biến đáng quan ngại.

Tỉ lệ nhiễm HIV xu hướng gia tăng ở một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng lên một cách đáng lo ngại, từ 6,7% năm 2014 lên 12,2% (2017) và 13,3% (2020). Một số địa phương, tỉ lệ MSM chiếm đến 50-70% tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện.

Để ứng phó với dịch bệnh HIV/AIDS, trong năm 2022, Cục đã tham mưu và trình Ban cán sự đảng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 05/KH - BCSĐ ngày 18/01/2022 của Ban cán sự đảng Bộ Y tế về thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030; sửa đổi thay thế 03 thông tư của Bộ Y tế bao gồm: Thông tư số 03/2015/TT-BYT ngày 16/3/2015 của Bộ Y tế về việc quy định chế độ báo cáo công tác phòng, chống HIV/AIDS; Thông tư số 02/2020/TT-BYT ngày 20/01/2020 của Bộ Y tế quy định trình tự, trách nhiệm thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính; Thông tư số 09/2012/TT-BYT ngày 24/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và 05 hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Về công tác giám sát xét nghiệm, Cục đã mở rộng và đa dạng dịch vụ xét nghiệm HIV, phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp xét nghiệm mới như: xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm. Sử dụng sinh phẩm mới để phát hiện sớm nhiễm HIV, recency testing, sinh phẩm xét nghiệm thế hệ 4...

Về công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định.

Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện với 97 phòng xét nghiện khẳng định. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 28 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Bên cạnh đó, Cục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và giám sát dịch HIV. Đến nay, hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV-INFO) phiên bản 4.0 và phần mềm quản lý điều trị PREP, ARV, cung ứng thuốc (HMED) đã được triển khai cho 63 tỉnh.

Đối với công tác dự phòng lây nhiễm HIV, công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông tạo cầu cho giới trẻ được đa dạng hóa và đạt hiệu quả cao thông qua nhiều sự kiện truyền thông trong khu công nghiệp, trường học và truyền thông đa phương tiện.

Ngoài ra, điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) đã được triển khai đa dạng thông qua các mô hình TelePrEP, PrEP trực tuyến, OS, lưu động... Tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Tính đến 31/8/2022, đã có 210 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố.

Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 40.020 khách hàng (đạt 88,9% so với chỉ tiêu 45.000 khách hàng vào năm 2022); số khách hàng duy trì trị điều trị PrEP trên 3 tháng liên tiếp đạt 69,6%; 80,4% số khách hàng PrEP là MSM.

Về công tác điều trị HIV/AIDS, ngành y tế đã tiếp tục được mở rộng và hiện có 499 cơ sở điều trị, trong đó 362 cơ sở đang điều trị thuốc ARV BHYT. Hiện có 167.022 bệnh nhân đang được điều trị. Hiện tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt tới 96% và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được tỉ lệ này.

Nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ

Để tiến tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu ngành y tế mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, xây dựng và trình ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch được Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Tập trung trình ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Nghị định số 75/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện thực hiện xét nghiệm HIV; Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước Bộ Y tế.

Tham mưu xây dựng, trình ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung/thay thế Quyết định số 120/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 quy định điều kiện người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; Xây dựng sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2020/TT-BYT ngày 02/12/2020 của Bộ Y tế quy định việc quản lý thuốc ARV được mua sắm tập trung cấp quốc gia; Xây dựng sửa đối, bổ sung Thông tư số 14/2015/TT-BYT ngày 25/6/2015 của Bộ Y tế về quản lý thuốc Methadone.

Đẩy mạnh truyền thông và can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV.

Về công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, tính đến tháng 10/2022, chương trình Methadone đã được triển khai tại hơn 600 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố với hơn 51.000 người bệnh tham gia điều trị trong đó gần 3.000 người được cấp thuốc mang về nhà. Điều trị Methadone đã góp phần khống chế được tình hình nhiễm HIV trong người tiêm chích ma túy.

Dựa trên hiệu quả chương trình điều trị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tổ chức đánh giá kết quả triển khai Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày. Mở rộng cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày sau thí điểm…

Trải qua 30 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS, Việt Nam cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu và trở thành điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Điển hình, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và 200.000 người không bị tử vong do AIDS.

Thùy Chi

hiv
}
Top