Điều trị methadone - giải pháp vàng về can thiệp giảm tác hại cho người nghiện
(Chinhphu.vn) - Tại Việt Nam điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone vẫn là một giải pháp vàng về can thiệp giảm tác hại cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Hơn 6.400 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy
Chia sẻ về thực trạng công tác xác định tình trạng nghiện ma túy hiện nay, đại diện lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, sau khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được ban hành, Bộ Y tế đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 109/2021/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện và ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BYT quy định tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy.
Trong 02 năm triển khai Luật và các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật, các tỉnh, thành phố đều đã thực hiện công bố danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy. Tính đến đầu tháng 9/2023, toàn quốc có 6.412 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy. Trong đó, có 156 cơ sở tuyến tỉnh, 770 cơ sở tuyến huyện và 5.454 cơ sở tuyến xã, 9 cơ sở do ngành Công an quản lý và 23 cơ sở do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý.
Kết quả thực hiện công tác xác định tình trạng nghiện ma túy: Theo thống kê của ngành Công an, tổng số người được xác định tình trạng nghiện ma túy trong 02 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy là 75.405 người, trong đó 64.385 (85,4%) người được xác định là nghiện ma túy và 11.020 người được xác định là không nghiện.
Việc xác định tình trạng nghiện ma túy và phân loại người nghiện hay sử dụng ma túy đã góp phần vào thành công của công tác phòng, chống ma túy nói chung, công tác quản lý người nghiện và người sử dụng ma túy nói riêng. Thực thi pháp luật về phòng, chống ma túy đã làm giảm tỉ lệ tội phạm liên quan đến ma túy và góp phần giảm tệ nạn do ma túy gây ra.
Về công tác xác định tình trạng nghiện, thực hiện Chỉ thị 36/CT-TW của Đảng, Luật phòng, chống Ma túy, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo và hướng dẫn các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai công tác xác định tình trạng nghiện tại 63 tỉnh, thành phố.
Tính đến 31/12/2023, ngành Y tế đã công bố gần 7.500 cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, trong đó có 27 cơ sở do ngành công an quản lý, 31 cơ sở do ngành LĐTBXH quản lý và có 10 cơ sở do tư nhân quản lý. Như vậy, số cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma tuý đã tăng gấp 2 lần từ năm 2022 đến cuối năm 2023 (tăng từ 3.521 cơ sở lên 7.447 cơ sở vào cuối năm 2023); số cơ sở tại tuyến xã tăng 2,3 lần so với năm 2022 và chiếm 61% số xã trên toàn quốc.
Số lượng y, bác sỹ tham gia vào công tác xác định tình trạng nghiện ma tuý tại các tuyến là hơn 12.000 người. Đối với các xã, phường chưa đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, Bộ Y tế đã hướng dẫn địa phương giao Trung tâm Y tế tuyến huyện hỗ trợ, đảm bảo 100% xã, phường có thể xác định tình trạng nghiện ma túy khi cần.
Hơn 51.000 bệnh nhân đang được điều trị methadone
Trong những năm qua, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, tại Việt Nam điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone vẫn là một giải pháp vàng về can thiệp giảm tác hại cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Tính đến nay, sau hơn 15 năm triển khai, tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là hơn 51.000 bệnh nhân tại hơn 600 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố.
Hiệu quả của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cũng đã được chứng minh về việc giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị và từ nhóm bệnh nhân ra cộng đồng; giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp cả về tần suất và số lượng, từ đó giảm nguy cơ quá liều do sử dụng ma túy bất hợp pháp; giảm hành vi vi phạm pháp luật trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị và chương trình đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho cá nhân, gia đình bệnh nhân và xã hội.
Trong gần 3 năm vừa qua, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội trên toàn thế giới. Đối với các bệnh lý thông thường khác đã gặp nhiều khó khăn thì đối với nhóm bệnh nhân methadone càng gặp khó khăn gấp bội. Trong bối cảnh đó, tháng 5/2021 Đề án thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện chính thức được triển khai tại Điện Biên, Lai Châu và Hải Phòng.
Sau 1 năm triển khai thí điểm, với những kết quả đáng ghi nhận, Đề án đã được tiếp tục mở rộng thêm tại Nghệ An, Bắc Giang và Lào Cai. Trong giai đoạn năm 2023-2024, Đề án tiếp tục duy trì và mở rộng cấp thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại 6 tỉnh, thành phố. Đến ngày 31/10, hiện đang có khoảng gần 2.500 bệnh nhân được cấp thuốc methadone nhiều ngày.
Việc cấp phát thuốc nhiều ngày bên cạnh những hiệu quả về sức khỏe như hiệu quả của chương trình nói chung thì còn tạo thuận lợi hơn cho người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân ở khu vực miền núi, địa bàn đi lại khó khăn. Thay vì hằng ngày người bệnh phải đi đến cơ sở điều trị để uống thuốc, người bệnh có thể mang thuốc về và sử dụng tại nhà, mỗi lần đến uống thuốc sẽ được mang từ 1 đến 10 ngày thuốc về nhà uống. Người bệnh có thể chủ động bố trí thời gian để tìm kiếm việc làm, lao động, sản xuất, giúp đỡ gia đình và ổn định cuộc sống. Người bệnh không phải đi lại hàng ngày do đó giảm tụ tập tại cơ sở điều trị, góp phần ổn định an toàn, trật tự xã hội. Nhiều người bệnh chưa đủ điều kiện mang thuốc nhiều ngày về nhà sẽ có động lực phấn đấu để được mang thuốc về nhà.
Đối với cơ sở điều trị: việc triển khai cấp thuốc nhiều ngày giúp giảm thời gian bệnh nhân trực tiếp đến cơ sở, giảm tụ tập đông tại cơ sở điều trị, tránh lây nhiễm chéo và đặc biệt phù hợp trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam trong 2 năm vừa qua.
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiện Cục đang phối hợp các đơn vị liên quan đang tiến hành sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn chuyên môn cho việc triển khai mở rộng cấp thuốc methadone nhiều ngày.
Hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện và cấp thuốc Methadone nhiều ngày cũng là một trong những hoạt động trọng tâm của Ủy ban Quốc gia trong, do đó Bộ Y tế đã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone và duy trì việc cấp thuốc methadone nhiều ngày. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đã đem lại hiệu quả không chỉ cho người bệnh, mà còn cho cả gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.
Hiện Bộ Y tế tiếp tục duy trì triển khai cấp phát thuốc nhiều ngày tại 06 tỉnh, thành phố. Sau 03 năm triển khai, công tác cấp phát thuốc methadone nhiều ngày đã thể hiện sự hiệu quả như: 100% bệnh nhân và người nhà đều hài lòng về chương trình vì mang lại nhiều lợi ích cho bản thân người bệnh, cho gia đình; giảm một phần áp lực cho cơ sở y tế trong việc cấp phát thuốc hàng ngày.
Thùy Chi