Đơn giản thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

19/08/2023 08:18

(Chinhphu.vn) - Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, trình tự lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định chi tiết, đơn giản; thủ tục rút gọn, phù hợp với thực tiễn.

Đơn giản thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc - Ảnh 1.

Bữa cơm của học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình - Ảnh: VGP/Thu Hà

Nhiều địa phương chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Do đó, kết quả 6 tháng đầu năm 2023, số hồ sơ cai nghiện bắt buộc được lập tăng 375% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng có nhiều chuyển biến, số đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng tăng 246 cơ sở (tăng gần 600% so với cuối năm 2022).

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2023, việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết đã đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả trên tất cả các mặt công tác.

Tuy nhiên, mặc dù đã được Luật quy định, nhưng công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng vẫn chưa đạt hiệu quả, nhiều địa phương chưa thực hiện được theo quy định mới. Số đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức cá nhân đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng vẫn còn thấp. 

Việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng người nghiện phải trả phí dịch vụ, trong khi đa phần đều rất khó khăn về kinh tế nên không thu hút họ cai nghiện theo hình thức này.

Đối với công tác cai nghiện bắt buộc, theo quy định trong thời gian lập hồ sơ đưa đi cai nghiện, người nghiện được giao cho gia đình quản lý. Tuy nhiên, đã xảy ra nhiều trường hợp người nghiện bỏ trốn khỏi địa phương, gây rất nhiều khó khăn cho việc triển khai các nhiệm vụ tiếp theo. Nhiều người nghiện ma túy sau khi hoàn thành cai nghiện không khai báo với chính quyền nơi cư trú, bỏ đi khỏi địa phương nên công tác quản lý sau cai và lập hồ sơ đưa vào danh sách quản lý gặp nhiều khó khăn.

Việc hỗ trợ trong quá trình quản lý sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng còn chung chung, chưa được quan tâm đầu tư, chưa có biện pháp, mô hình tốt giúp đỡ người sau cai nghiện. Do không có việc làm, không có thu nhập để tự nuôi sống bản thân, vì vậy người sau cai nghiện dễ bị lôi kéo phạm tội về ma túy hoặc tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến tái nghiện.

Trên phạm vi toàn quốc, mạng lưới cơ sơ cai nghiện công lập không đồng đều, một số địa phương bị thiếu cục bộ, quá tải về công suất chứa. Hiện tại nhiều địa phương, số người nghiện lập hồ sơ đi cai nghiện bắt buộc tăng cao gây ra tình trạng quá tải ở một số cơ sở cai nghiện. Nhiều địa phương chưa bố trí được nguồn vốn phục vụ xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở cai nghiện công lập do nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ xong.

Để thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết, lực lượng Công an với vai trò chủ trì, nòng cốt cần phối hợp với các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa ma túy; tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm hạn chế phát sinh người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. 

Tổ chức rà soát, đánh giá các mô hình phòng, chống ma túy trên toàn quốc hoạt động hiệu quả để tổ chức nhân rộng; xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn sạch về ma túy, tiến tới huyện sạch ma túy. 

Tăng cường công tác nghiệp vụ nhằm phát hiện, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, các khu công nghiệp, công trường lao động… để "giảm cầu" ma túy. Đồng thời tiếp tục rà soát, thống kê, cập nhập đầy đủ, thường xuyên danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện để tổ chức quản lý; tích hợp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, LĐTB&XH thực hiện các biện pháp cai nghiện và xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tăng cường các giải pháp giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện chính sách cho vay vốn, dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người bi quản lý sau cai nghiện ma túy.

Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo các Sở Y tế địa phương bố trí nguồn nhân lực, quy hoạch mạng lưới cơ sở xác định tình trạng nghiện phù hợp, tổ chức tập huấn, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất cho Trạm y tế cấp xã, đảm bảo đến cuối năm 2023 đạt 60% các trạm y tế xã, phường là cơ sở y tế thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy.

Bộ LĐTB&XH quy hoạch lại mạng lưới cơ sở cai nghiện công lập, có thể bố trí theo vùng, nghiên cứu cho chuyển gửi người thực hiện Quyết định cai nghiện thuộc tỉnh này được thực hiện tại cơ sở cai nghiện công lập của tỉnh lân cận khi có đủ điều kiện để giải quyết vấn đề quá tải trong công tác cai nghiện. Sớm ban hành hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Tạo cơ chế phù hợp để khuyến khích các tổ chức cá nhân đủ điều kiện đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. UBND cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống ma túy; tham mưu HĐND sớm ban hành Nghị quyết chi ngân sách phòng, chống ma túy để đưa vào dự toán ngân sách năm 2024.

Hoàng Giang

}
Top