Hà Nội xây dựng mới 112 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy

17/07/2023 14:37

(Chinhphu.vn) - 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã xây dựng mới 112 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại các xã, phường, thị trấn đạt 108,7% chỉ tiêu Thành phố giao năm 2023.

Hà Nội xây dựng mới 112 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy - Ảnh 1.

Cơ sở Cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) xây dựng môi trường "văn minh, chuyên nghiệp, thân thiện", là địa chỉ tin cậy giúp người nghiện thoát khỏi ma túy, làm lại cuộc đời - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, tính từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/6/2023, toàn Thành phố đã lập hồ sơ đưa 809 người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc, đạt 67,4% chỉ tiêu Thành phố giao, tăng 273 người so với cùng kỳ năm 2022.

Các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với các cơ sở cai nghiện ma túy vận động 602 người đi cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đạt 62,7% chỉ tiêu Thành phố giao; tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được 42 người; hỗ trợ, vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm 60 người, đạt 24% chỉ tiêu Thành phố giao.

Đối với công tác triển khai các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú, các địa phương tiếp tục duy trì triển khai thực hiện hoạt động của 289 mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy thành lập năm 2021, 2022.

Phòng LĐTB&XH các quận, huyện, thị xã đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138 cấp huyện ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các xã, phường, thị trấn lựa chọn, triển khai áp dụng mô hình phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã xây dựng mới 112 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại các xã, phường, thị trấn đạt 108,7% chỉ tiêu Thành phố giao năm 2023.

Tính đến ngày 14/6/2023, Thành phố hiện có 93 câu lạc bộ B93. Các câu lạc bộ B93 đã tổ chức được 389 buổi sinh hoạt. Các nội dung đa dạng, phong phú, mang tính tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy đã huy động được gần 2.000 lượt hội viên tham gia, qua đó giúp các hội viên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng chống tái nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. 

Thành phố có 28 mô hình Điểm tư vấn. Các Điểm tư vấn trên địa bàn Thành phố đã tiếp nhận được 510 khách hàng; tư vấn cho 698 lượt người, hỗ trợ cho 73 người; chuyển gửi tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy của Thành phố 7 người; chuyển gửi điều trị nghiện các chất dạng thuộc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho 4 người; chuyển gửi xét nghiệm HIV cho 01 người và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho 01 người. 

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội khảo sát lựa chọn Điểm tư vấn tham gia vào hoạt động triển khai mô hình thí điểm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia triển khai mô hình; tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ triển khai thực hiện mô hình; tiếp cận khảo sát đánh giá khách hàng tham gia mô hình trên địa bàn phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm; phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy; xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì. 

Theo kết quả đánh giá tỷ lệ tái nghiện sau 1 năm, tổng số đối tượng được đánh giá trong 6 tháng đầu năm là 500/735 người, chiếm tỷ lệ 68%, trong đó: số đối tượng tái nghiện 114/500 người, chiếm tỷ lệ 23%; số đối tượng có việc làm là 84/500 người, chiếm tỷ lệ 17%; số đối tượng không đánh giá được là 235/735 người, chiếm tỷ lệ 32% (do không có mặt tại địa phương, ốm chết, di chuyển đi nơi khác...). 

Đội công tác xã hội tình nguyện hoạt động tích cực

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện của các quận, huyện, thị xã tăng cường tiếp cận tư vấn trực tiếp cho hơn 36.000 lượt người, gia đình và thân nhân người được phân công quản lý, giúp đỡ động viên, nhắc nhở chấp hành tốt pháp luật phòng chống tái nghiện. Phối hợp với lực lượng chức năng địa phương vận động, thuyết phục được 408 người đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện Thành phố. 

Đồng thời tiếp tục duy trì quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người có nguy cơ cao mắc nghiện tại địa phương được phân công năm 2022 và quản lý giúp đỡ 739 người hoàn thành thời gian cai nghiện tại các Cơ sở trở về địa phương. Nắm bắt thông tin trực tiếp, qua phản ánh của quần chúng nhân dân, hòm giác tội phạm thu được 93 tin cung cấp cho chính quyền, công an. Nhiều tin có giá trị đã được xử lý kịp thời làm giảm tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn. 

Phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, rà soát địa bàn, khu vực giáp ranh phức tạp 5.790 lượt, buổi phòng ngừa phát sinh tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma tuý, mại dâm góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên theo đánh giá của Sở LĐTB&XH, các địa phương vẫn chưa thực hiện việc lựa chọn, công bố, chỉ định đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định tại Khoản 6, Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy. 

Việc duy trì, phát triển các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; cán bộ tham gia thực hiện mô hình chưa nắm được nội dung, cách thức triển khai mô hình mà địa phương đang áp dụng; kết quả số người sau cai tại địa phương được vận động tham gia mô hình còn ít. 

Công tác hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy gặp khó khăn về điều kiện cho vay hoặc do đối tượng mặc cảm tự ti với xã hội, các cơ sở sản xuất kinh doanh không muốn nhận người sau cai nghiện vào làm việc....

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, thời gian tới, Sở sẽ đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các quận, huyện, thị xã thực hiện đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Thành phố giao năm 2023; chú trọng triển khai việc quản lý người nghiện, người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng; duy trì nâng cao chất lượng hoạt động mô hình Câu lạc bộ B93 ở các xã, phường, thị trấn; tăng cường phát huy vai trò của lực lượng Tình nguyện viên trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; tiếp tục duy trì có hiệu quả hoạt động Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. 

Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội gắn với triển khai, đánh giá việc thực hiện quy định về chế độ báo cáo, thống kê trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa phương. 

Bên cạnh đó, rà soát và kiểm tra các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn Thành phố. Tuyên truyền, tập huấn hỗ trợ hoạt động mở rộng duy trì mô hình "Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng – Câu lạc bộ B93. Tổ chức sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2023, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025.

Hà Nội tăng mức chi cho cai nghiện ma tuý tự nguyện, quản lý sau cai

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định một số nội dung, mức chi thực hiện chế độ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện.

Theo đó, Nghị quyết Quy định một số nội dung, mức chi thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn TP. Hà Nội được ban hành với mục tiêu nhằm triển khai thực hiện các chính sách quy định của Trung ương trong công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, khuyến khích người nghiện ma túy tham gia các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy, góp phần thực hiện mục tiêu giảm cầu và đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Tổng kinh phí dự kiến trên 51 tỷ đồng/năm (tăng trên 23,6 tỷ đồng/năm).

Hoàng Giang

}
Top