Hệ thống cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu

07/08/2023 16:43

(Chinhphu.vn) - Bộ LĐTB&XH đánh giá, tổng công suất tiếp nhận của hệ thống cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế và không đồng đều ở các tỉnh, thành phố, các khu vực. Hơn 50% cơ sở không bảo đảm các yêu cầu, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị...

Hệ thống cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu  - Ảnh 1.

Các cơ sở cai nghiện ma túy của Hà Nội thi tiểu phẩm truyền thông phòng chống ma túy năm 2023 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Theo Bộ LĐTB&XH, tính đến ngày 14/6, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 47.190 người. Hiện các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đang tổ chức cai nghiện cho 31.522 người, trong đó có 28.003 người thuộc diện cai nghiện ma túy bắt buộc theo quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính của Tòa án (có 57 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi); số người cai nghiện ma túy tự nguyện là 3.519 người (có 91 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi). Số người lưu trú tạm thời trong thời gian xác định tình trạng nghiện và trong thời gian lập hồ sơ là 2.526 người.

Tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã điều trị, cai nghiện cho 1.436 người.

Đối với cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, hiện cả nước có 261 cơ sở, đơn vị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng thuộc 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 6 tháng đầu năm tổ chức cai nghiện cho 2.040 người.

Bộ LĐTB&XH đánh giá, tổng công suất tiếp nhận của hệ thống cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế và không đồng đều ở các tỉnh, thành phố, các khu vực.

Về chất lượng, do các Cơ sở xây dựng đã lâu hoặc tiếp nhận cơ sở vật chất từ hệ thống khác nên không có thiết kế phù hợp với việc tổ chức cai nghiện ma túy; mặt khác, do không được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên đã xuống cấp rất nghiêm trọng;.

Hơn 50% cơ sở không bảo đảm các yêu cầu, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu để thực hiện quy trình chuyên môn về cai nghiện ma túy cũng như các điều kiện sinh hoạt cho người cai nghiện ma túy.

Đội ngũ cán bộ tại các Cơ sở thiếu về số lượng; chưa được chuẩn hóa theo các quy định về đôi ngũ viên chức; chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về cai nghiện ma túy theo quy trình cai nghiện của Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Đến nay, có rất ít các tỉnh (8/63 tỉnh) quan tâm, bố trí kinh phí kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện theo quy định Nghị định 116/2021/NĐ-CP. Số vốn được bố trí cũng ở mức rất thấp (khoảng 316,467 tỷ đồng/8 tỉnh, thành phố).

Hơn nữa chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, công việc nên không thu hút được lao động làm việc lâu dài, đặc biệt đối với các vị trí y sĩ, bác sĩ, gây khó khăn cho hoạt động của cơ sở; không nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy. Tuy nhiên, do có sự chưa thống nhất trong hệ thống pháp luật về xử lý hành chính và khám chữa bệnh nên cho đến nay có rất ít cơ sở được công nhận có đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện (chỉ có 24/97 cơ sở của các tỉnh).

Điều này dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức cai nghiện, đặc biệt đối với đối tượng thuộc diện tạm thời lưu trú tại cơ sở trong thời gian thực hiện các thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, đa số các tỉnh, thành phố chưa quan tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện chính sách cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP (20/63 tỉnh có chỉ đạo triển khai). UBND cấp huyện (cơ quan được Luật Phòng, chống ma túy giao chủ trì việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng) chưa thực sự vào cuộc, chưa xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện chính sách này ở địa bàn.

Việc xây dựng hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn (chưa thu hút được đầu tư từ tổ chức cá nhân ngoài công lập; các đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp huyện rất ít, hoặc không đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn về cai nghiện; chưa có các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ đối với các dịch vụ cai nghiện tự nguyện ....).

Đội ngũ cán bộ làm công tác công tác tư vấn, hỗ trợ, quản lý cai nghiện tự nguyện ma túy ở cấp xã còn thiếu, chưa được đào tạo, tập huấn về các chính sách, quy trình theo cách tiếp cận mới của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 116 nên việc triển khai còn nhiều lúng túng.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy thời gian tới cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương. 

Trong đó, Bộ LĐTB&XH đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH xây dựng chủ trương đầu tư, cơ chế hỗ trợ vốn từ ngân sách từ Trung ương để địa phương nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, phương tiện cho các cơ sở cai nghiện ma túy công lập của các tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ LĐTB&XH sẽ nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu cho cơ sở cai nghiện ma túy công lập đến năm 2030; xây dựng hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma túy.

Đồng thời đánh giá đề xuất các phương án bảo đảm nguồn lực cho việc triển khai Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động ở cơ sở về dự phòng, điều trị, cai nghiện ma túy theo mục tiêu đề ra; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nghiện ma túy, người cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy...

Hoàng Giang

Top