Đồng bộ hoá các giải pháp ngăn chặn ma tuý tác động vào thế hệ trẻ

05/05/2022 07:56

(Chinhphu.vn) - Ngành Giáo dục đang đồng bộ hoá các giải pháp ngăn chặn ma tuý tác động vào thế hệ trẻ và ngăn chặn ma tuý xâm nhập học đường, đặc biệt là các trường học thuộc khu vực phức tạp về tệ nạn ma tuý.

Đồng bộ hoá các giải pháp ngăn chặn ma tuý tác động vào thế hệ trẻ - Ảnh 1.

Tuyên truyền, giáo dục về phòng chống ma túy cho học sinh ở Đắk Nông. Ảnh:VGP/HG

Nguy cơ trẻ hóa người sử dụng trái phép, người nghiện ma túy

Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, kiểm soát ma túy và đã mang lại kết quả nhất định, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay, tệ nạn lạm dụng ma túy chưa giảm, đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp (dạng Amphetamine và Methamphetamine), trong đó thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên đang có những diễn biến phức tạp.

Đây là khó khăn và những dấu hiệu nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân chủ yếu phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội, làm mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến tháng 6/2021, cả nước có 246.648 người nghiện có hồ sơ quản lý. Tỉ lệ sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) chiếm khoảng 70-80% trong số người nghiện.

Ngoài ma túy truyền thống và ATS thì các loại ma túy khác như cần sa, "cỏ Mỹ"... xuất hiện ngày càng nhiều. Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15-25.

Đặc biệt, hiện nay với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.

Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ trẻ hóa người sử dụng trái phép, người nghiện ma túy. Do thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng phòng, chống ma túy, chủ quan, thờ ơ nên nhiều em ngày càng dấn sâu và bị lệ thuộc vào ma túy.

Bên cạnh đó, gần 2/3 số thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, đây là bài toán nan giải trong việc giải quyết tình trạng nghiện và giải quyết việc làm cho thanh niên trong bối cảnh dư thừa lao động hiện nay.

Nghiện ma túy là tác nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm pháp luật của thanh niên với tỉ lệ khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Tỉ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy trong các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là 41,04%, tỉ lệ 1 phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là 28,58%.

Cần các biện pháp phòng ngừa thường xuyên, quyết liệt

Theo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), ngành Giáo dục có gần 23 triệu học sinh, sinh viên và trên 2 triệu cán bộ, giáo viên, chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Đây là lực lượng quan trọng đối với tương lai của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, lứa tuổi học sinh, sinh viên cũng rất dễ bị tác động, lôi kéo tham gia tệ nạn ma túy nếu như không có biện pháp phòng ngừa thường xuyên, quyết liệt.

Việc tổ chức giáo dục tốt cho thanh thiếu niên, học sinh sinh viên về phòng, chống ma túy cũng chính là nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ cho bản thân mỗi học sinh, sinh viên, nói không với ma túy, tránh xa các tệ nạn xã hội, bảo đảm cho việc học tập trong môi trường lành mạnh, an toàn. Theo đó, học sinh, sinh viên cũng chính là lực lượng quan trọng trong công tác tuyên truyền phòng chống ma túy cho toàn xã hội.

Mặc dù nhà nước, ngành Giáo dục luôn coi trọng việc giáo dục cho học sinh sinh viên về tác hại của ma túy và các chất kích thích khác. Tuy nhiên, những việc làm đó vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn hiệu quả tình trạng ma túy đang có dấu hiệu tấn công, xâm nhập vào trường học.

Nhận thức và hành động của học sinh, sinh viên trong trường học vẫn là điều rất đáng lo ngại, đặc biệt là trước sự xuất hiện của ngày càng nhiều loại ma túy tổng hợp mới, đa dạng, ẩn dưới nhiều hình thức như thuốc lá điện tử, trà sữa, bóng cười... cùng thủ đoạn tinh vi của các nhóm đối tượng hoạt động có tổ chức.

Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống ma túy trong trường học, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự án "Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025" với mục tiêu tạo chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của các thành viên trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy, ngăn chặn không để tệ nạn ma túy xâm nhập vào trường học, đặc biệt là các trường học thuộc khu vực phức tạp về tệ nạn ma túy.

Đồng bộ hoá các giải pháp ngăn chặn ma tuý tác động vào thế hệ trẻ và ngăn chặn ma tuý xâm nhập học đường, đặc biệt là các trường học thuộc khu vực phức tạp về tệ nạn ma tuý, góp phần làm giảm số người nghiện mới trong xã hội theo chuẩn can thiệp dự phòng của Liên Hợp Quốc.

Tại hội thảo xin ý kiến vào dự thảo dự án "Tăng cường năng lực phòng, chống ma tuý trong trường học đến năm 2025" mới đây, ông Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc  cho rằng, cần quan tâm đến việc biên soạn tài liệu phục vụ cho công tác tuyên tuyền về phòng, chống ma tuý trong trường học. Tài liệu cần bảo đảm yếu tố phù hợp với đặc thù vùng miền và các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành, cơ quan hữu quan, khoanh vùng các đối tượng để chú trọng hơn trong công tác tuyên truyền.

Theo PGS.TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các trường cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan và các đơn vị liên quan để xử lý, hỗ trợ người học nếu không may mắc phải ma tuý. Bởi thực tế, có trường hợp các em bị stress nặng nên tìm đến ma tuý để giải toả. Nếu chúng ta phát hiện sớm những trường hợp này để can thiệp, hỗ trợ sẽ rất tốt và rất ý nghĩa.

Còn ThS.Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng phòng Công tác Chính trị và Quản lý sinh viên, Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) cho biết, nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS và ma tuý. Hiện, câu lạc bộ này hoạt động rất hiệu quả, đã lan toả đến các cơ sở giáo dục đại học khác, cùng nhiều cộng đồng dân cư.

Theo ThS.Nguyễn Hoàng Hà, một trong giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống ma tuý ở trường học là nhân rộng những tấm gương điển hình. Cùng với đó, lồng ghép vào các chương trình, hoạt động giáo dục và cuộc thi để lan toả hiệu ứng tích cực.

Hiện Bộ GD&ĐT cũng đang đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực như: Duy trì, phát triển, hỗ trợ hoạt động hiệu quả của CLB "Tuổi trẻ phòng, chống ma túy"; tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy trong nhà trường; tăng cường lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng chống ma túy trong nội dung, chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học, trình độ đào tạo; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phòng chống ma túy.

Ngoài ra, tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tệ nạn ma túy và công tác ma túy tại các nhà trường; tăng cường trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy; xây dựng, triển khai bộ tài liệu giáo dục phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên; triển khai xã hội hóa dưới nhiều hình thức nhằm huy động nguồn lực xã hội cùng chung tay phòng chống ma túy trong trường học.

Hoàng Giang

Top