Dự kiến bổ sung 17 chất ma túy mới vào danh mục quản lý

16/05/2022 15:11

(Chinhphu.vn) - Tình hình ma túy diễn biến phức tạp, các chất ma túy tổng hợp ngày càng bị lạm dụng và có chiều hướng gia tăng. Tại một số địa bàn ở nước ta đã xuất hiện chất gây nghiện, chất hướng thần mới có tác hại như các chất ma túy và bị lạm dụng vào mục đích bất hợp pháp nhưng chưa được quy định trong danh mục kiểm soát dẫn đến thiếu căn cứ pháp lý để xử lí.

Dự kiến bổ sung 17 chất ma túy mới vào danh mục quản lý - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều chất ma túy mới xuất hiện và bị lạm dụng tại Việt Nam

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong thời gian tới, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định các Danh mục chất ma túy và tiền chất.

Việc xây dựng Nghị định nhằm thay thế Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, Nghị định số 60/2020/NĐ-CP là để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; đồng thời, kịp thời bổ sung vào danh mục quản lý những chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất mới đã được kiểm soát quốc tế theo 3 Công ước của Liên Hợp Quốc và những chất gây nghiện, chất hướng thần có tác dụng tương tự chất ma túy đang bị lạm dụng tại Việt Nam đã được cơ quan chức năng thu giữ, giám định.

Các danh mục được cập nhật để đảm bảo sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy, đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Dự thảo bổ sung 17 chất ma túy mới. Theo đó, bổ sung 14 chất ma túy vào danh mục IIC.

Bộ Công an cho biết, tại phiên họp lần thứ 64 của Ủy ban kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc (CND) năm 2021, các nước đã thống nhất bổ sung 4 chất vào danh mục kiểm soát theo Công ước quốc tế về thống nhất các chất ma túy năm 1961 và Công ước về các chất hướng thần năm 1971, bao gồm: Isotonitazene - (Bảng I, Công ước ma túy năm 1961, CUMYL-PEGACLONE - (Bảng II, Công ước các chất hướng thần năm 1971), MDMB-4en-PINACA - (Bảng II, Công ước các chất hướng thần năm 1971), Diphenidine - (Bảng II, Công ước các chất hướng thần năm 1971)

Việt Nam với vai trò là thành viên tham gia các công ước quốc tế về kiểm soát ma túy có nghĩa vụ pháp lý phải kiểm soát các chất trên.

Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, qua công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, các lực lượng chức năng đã thu giữ tang vật các vụ án và được Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an giám định 07 chất gây nghiện, chất hướng thần mới chưa có trong danh mục quản lý, bao gồm: 04 chất kích thích, gây ảo giác: 1cp-LSD, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC; 03 chất nhóm cần sa tổng hợp gây ảo giác: 4F-MDMB-BUTICA, ADB-BUTINACA, 4F-ABUTINACA.

Các chất này đều là các chất hướng thần mới (NPS) mà Ủy ban kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận và thống kê. Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cũng đã có văn bản báo cáo và đề xuất đưa 07 chất trên vào danh mục kiểm soát.

Ngoài ra, tháng 12/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xem xét và đánh giá tổng thể một số chất hướng thần mới và kiến nghị đưa vào danh mục kiểm soát của các Công ước quốc tế và sẽ được bỏ phiếu thông qua vào phiên họp CND đầu năm sau. Trong đó, có 03 chất mới chưa có trong danh mục kiểm soát của Việt Nam, bao gồm: 01 chất nhóm cần sa tổng hợp: 4F-MDMB-BICA; 02 chất nhóm thuốc phiện tổng hợp: Brorphine, Metonitazene

Các chất này đều là chất gây nghiện, chất hướng thần không có ứng dụng hợp pháp và đã được kiểm soát ở nhiều nước như Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc…, do đó việc bổ sung vào danh mục kiểm soát của Việt Nam không gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội nhưng lại có tác dụng lớn trong việc hạn chế xu hướng các ma túy mới du nhập vào Việt Nam.

Hơn nữa, sau khi được các nước thông qua, CND sẽ đưa vào danh mục kiểm soát quốc tế theo các Công ước Liên Hợp Quốc vào năm 2022, do đó, việc đưa vào trong lần sửa đổi Nghị định này là đón đầu xu hướng, hạn chế sự lạc hậu lỗi thời của Nghị định mới và giảm thiểu số lần sửa đổi, bổ sung danh mục chất ma túy cần kiểm soát.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng bổ sung 03 chất vào Danh mục III "Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền". Bởi tại phiên họp lần thứ 64 của Ủy ban kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc (CND) năm 2021, các nước đã thống nhất bổ sung 03 chất vào danh mục kiểm soát theo Công ước quốc tế về thống nhất các chất ma túy năm 1961 và Công ước về các chất hướng thần năm 1971, bao gồm :

Nhóm Benzodiazepines: Clonazolam (Bảng IV, Công ước các chất hướng thần năm 1971, Diclazepam (Bảng IV, Công ước các chất hướng thần năm 1971), Flubromazolam (Bảng IV, Công ước các chất hướng thần năm 1971).

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng chuyển 2 tiền chất từ Danh mục IVB sang Danh mục IVA để đảm bảo phù hợp với tên Danh mục: Diethylamine (N-ethylethanamine) do tham gia vào cấu trúc của chất ma túy LSD; Methylamine (Methanamine) do tham gia vào cấu trúc của chất ma túy Methamphetamine.

Sửa đổi nội dung 2 chất ma túy thuộc Danh mục ID như sau:"Cần sa và các chế phẩm cần sa" sửa thành "Cây cần sa, nhựa cần sa và các chế phẩm từ cây cần sa". "Thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện" sửa thành "Cây thuốc phiện, nhựa thuốc phiện và các chế phẩm từ cây thuốc phiện".

Việc sửa đổi dựa trên định nghĩa trong Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961 và thực tiễn quá trình giám định của Viện Khoa học hình sự, để phù hợp với Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Hoàng Giang

}
Top