Giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện

28/02/2024 13:25

(Chinhphu.vn) - Sau một thời gian tạm lắng, việc học viên bỏ trốn tập thể khỏi cơ sở cai nghiện ma túy lại tái diễn. Mới đây, tại Sóc Trăng, gần 200 học viên đã bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện. Ngoài nhiều tài sản bị phá hoại, gây thương tích cho một số cán bộ, thì những vụ bỏ trốn tập thể còn gây ra nhiều hậu quả khác, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự, tạo tiền lệ không tốt, dù trong các vụ việc, hầu hết học viên đã được đưa trở lại cơ sở sau một thời gian ngắn. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện- Ảnh 1.

Các cơ sở cai nghiện ma túy của Hà Nội được đánh giá là khang trang, sạch sẽ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Báo điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH TP. Hà Nội) về các giải pháp của Hà Nội trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện, phòng chống tình trạng học viên bỏ trốn khỏi cơ sở. Trong những năm qua, Hà Nội chưa để xảy ra tình trạng học viên cai nghiện bỏ trốn tập thể. 

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, Hà Nội có số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện và người nghi nghiện, người có nguy cơ nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là trên 17.000 người - đứng thứ 2 cả nước, chiếm gần 10% tổng số đối tượng quản lý toàn quốc.

Hiện nay, Sở LĐTB&XH đang quản lý 7 cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn Hà Nội với tổng số học viên đang quản lý tại các cơ sở  (thời điểm tháng 2/2024) khoảng trên 3.000 người, bao gồm cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, lưu trú tạm thời trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị methadone và số tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm của Thành phố và Sở LĐTB&XH TP.Hà Nội, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã tham mưu cho Sở LĐTB&XH chỉ đạo các cơ sở cai nghiện ma túy song song với việc làm tốt công tác điều trị cai nghiện cho học viên thì việc bảo đảm an ninh trật tự tuyệt đối của các cơ sở được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên và xuyên suốt trong hoạt động của các đơn vị.

Trên cơ sở kiểm tra chuyên môn định kỳ của Chi cục, hàng tháng Lãnh đạo Sở LĐTB&XH duy trì giao ban với lãnh đạo và trưởng các phòng chuyên môn của 7 cơ sở cai nghiện ma túy, thông qua đó quán triệt và kiểm điểm nghiêm túc toàn bộ hoạt động của cơ sở. Bên cạnh việc yêu cầu nâng cao về chất lượng công tác điều trị cai nghiện, với mục tiêu "An toàn – Thân thiện – Chuyên nghiệp – Hiệu quả" thì nhiệm vụ bảo đảm tuyệt đối ninh an trật tự, an toàn và phòng chống thẩm lậu, phòng chống trốn, phòng chống tiêu cực....luôn được lãnh đạo Sở đặt ra và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Để duy trì làm tốt được yêu cầu trên, hàng năm, Sở đã chỉ đạo các cơ sở cai nghiện ma túy xây dựng kế hoạch về bảo đảm an ninh trật tự. Kế hoạch được xây dựng chi tiết phân công đến từng phòng, ban, tổ đội và từng cá nhân, bảo đảm khép kín 24/7 mọi vị trí công tác của cán bộ và nơi ở, nơi sinh hoạt, học tập, nơi phục vụ vui chơi, nơi tổ chức lao động trị liệu của học viên trong cơ sở.

Bên cạnh đó, mỗi cơ sở đều được xây dựng các phương án chống trốn, phương án chống bỏ trốn tập thể, chống bạo loạn...trong đó 7/7 cơ sở đều thành lập và tham gia Cụm an ninh liên kết khu vực nơi trú đóng, với sự tham gia của chính quyền, công an, quân đội, các đơn vị, cơ quan trú trên địa bàn, xây dựng phương án hỗ trợ cơ sở và duy trì giao ban 6 tháng/lần cùng hoạt động diễn tập hàng năm, đặc biệt vào các dịp lễ, tết hay những dịp có hoạt động chính trị quan trọng của Thủ đô và đất nước.

Hà Nội cũng chỉ đạo các Cơ sở làm thật tốt công tác cán bộ, công tác quản lý học viên, bám sát vào quy định của Luật phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành, các cơ sở đều triển khai xây dựng đầy đủ các quy chế làm việc, quy trình chuyên môn, bảo đảm quản lý chặt chẽ học viên, cán bộ được phân công công tác trực quản lý khép kín, không lúc nào được chủ quan, coi nhẹ công tác an ninh trật tự, luôn chủ động thăm nắm tư tưởng học viên, giải quyết kịp thời, tận gốc mọi mâu thuẫn, thắc mắc trong học viên.

Giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện- Ảnh 2.

Học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội tham gia hoạt động gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tạo môi trường cai nghiện thân thiện, an toàn

Thực tiễn cho thấy, các vụ học viên bỏ trốn tập thể khỏi Cơ sở cai nghiện ma túy tại một số địa phương phía Nam đều có những lý do về tâm lý, có sự bàn bạc tính toán, lôi kéo rủ rê một số người cùng trốn.

Vì vậy, chỉ khi thấu hiểu học viên, nắm bắt sát sao tâm tư, nguyện vọng của học viên mới giải tỏa các bức xúc dồn nén, không để tích tụ, từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi mưu toan bỏ trốn bắt đầu nhen nhóm. Đồng thời để giúp cho học viên thật sự thoải mái, yên tâm với môi trường cai nghiện tại cơ sở thì một vấn đề quan trọng phải thực hiện bằng được trong mỗi cơ sở cai nghiện ma túy, đó là tạo ra được môi trường cai nghiện thân thiện, học viên luôn phải cảm thấy an toàn.

Từ nhận thức trên, lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội đã quán triệt đến các Cc sở cai nghiện, đó là việc tiếp cận, ứng xử với các học viên phải thể hiện sự tôn trọng, gần gũi và tuyệt đối nói không với bạo lực, không để học viên quản học viên.

Ngoài ra, một vấn đề đóng vai trò mấu chốt nữa để bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở đó là phải hết sức quan tâm đến chế độ chính sách đối với người cai nghiện ma túy trong các cơ sở.

Học viên tại 7 cơ sở cai nghiện ma túy của Hà Nội được thực hiện rất đầy đủ về tiền ăn, tiền thuốc, học tập, rèn luyện và các chế độ ngày lễ tết nên học viên rất yên tâm, thoải mái về điều kiện sống và sinh hoạt, điều trị nghiện, lao động trị liệu. Yếu tố văn hóa, vùng miền, tôn giáo của học viên được quan tâm và tôn trọng, đặc biệt với nhóm học viên cai nghiện ma túy bắt buộc được đưa vào cơ sở có quê quán, vùng miền khác nhau. Các hoạt động tập thể đều được xin ý kiến, trao đổi để học viên cùng tham gia. 

Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức nhằm tạo không khí vui tươi, thỏa mái về tinh thần, thể hiện việc không phân biệt kỳ thị; thực hiện công tác quản lý, giáo dục với tấm lòng thương yêu, dạy dỗ, xử lý vi phạm ngay thẳng, không thiên vị, đúng quy định. Trong tổ chức lao động trị liệu của học viên đều được giám sát, chấm công và học viên được thụ hưởng thành quả lao động...

Cũng theo ông Nguyễn Văn Lập, trong nhiều năm qua, TP. Hà Nội rất quan tâm, đầu tư đến cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện, thực hiện cải tạo, sửa chữa chống xuống cấp hàng năm. 7 cơ sở cai nghiện được đánh giá là khang trang, hiện nay các cơ sở đang điều trị trên 3.000 học viên vẫn bảo đảm đầy đủ diện tích phòng ở, phòng điều trị cho học viên theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời và thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Sở LĐTB&XH, sự vào cuộc triển khai nghiêm túc của các cơ sở, với các chế độ chính sách đối với học viên cai nghiện ngày càng được quan tâm và nâng cao của Thành phố, ý thức, trách nhiệm và hành động của cán bộ làm việc trực tiếp tại các cơ sở đã góp phần bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh trật tự trong các cơ sở.

"Những năm qua, Hà Nội chưa để xảy ra tình trạng bỏ trốn tập thể mặc dù số người cai nghiện ma túy bắt buộc ở 7 cơ sở luôn có hàng nghìn học viên, trong đó phần lớn là người không có cư trú ổn định, song do làm tốt công tác chuyên môn về điều trị, cai nghiện, tôn trọng và luôn quan tâm chăm sóc học viên từ bên trong cơ sở, ngăn chặn các yếu tố nguy cơ từ bên ngoài cơ sở đã giúp các cơ sở luôn ổn định tình hình", ông Nguyễn Văn Lập nói.

Có thể nói, nhìn từ những vụ việc trốn khỏi các cơ sở cai nghiện tại một số địa phương phía Nam và kinh nghiệm của Hà Nội trong bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện cho thấy, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện thì trước hết cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng; thấy rõ những "lỗ hổng" bất cập trong quản lý, giáo dục để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.

Các giải pháp về bảo đảm an ninh trật tự, tăng cường lực lượng bảo vệ, siết lại nội quy, kỷ luật, kỷ cương giám sát học viên và trang thiết bị hỗ trợ cần thiết chủ yếu mang tính phòng ngừa. Mặt khác, cần phải chú trọng chăm lo bảo đảm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho học viên. Muốn vậy, đòi hỏi cán bộ trung tâm nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, nắm bắt tư tưởng hết lòng vì học viên, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, chữa trị từ khâu cắt cơn, tuyên truyền, giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách và dạy nghề, hướng nghiệp...

Hoàng Giang

}
Top