Giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc điều trị kháng ARV

21/01/2023 11:58

(Chinhphu.vn) - Đối với người nhiễm HIV, liệu pháp điều trị ARV đặc biệt quan trọng, giúp người bệnh cải thiện sức khỏe. Do đó, điều trị ARV góp phần đáng kể trong việc kiểm soát gia tăng lây nhiễm HIV.

Giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc điều trị kháng ARV - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ảnh: Thùy Chi

Để hiểu rõ hơn về vấn đề bảo đảm cung ứng thuốc kháng ARV, và các giải pháp bảo đảm cung ứng trong thời gian tới, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Xin ông chia sẻ những kết quả nổi bật trong công tác bảo đảm cung ứng thuốc kháng điều trị ARV trong thời gian qua?

PGS.TS Phạm Đức Mạnh: Công tác điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV được triển khai tại Việt Nam đến nay đã hơn 20 năm. Từ năm 2019, Việt Nam bắt đầu chuyển giao chi phí thuốc ARV và các dịch vụ điều trị ARV cho bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.

Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị thuốc ARV.

Từ năm 2020, Việt Nam đã thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Hiện, có gần 80% bệnh nhân sử dụng phác đồ tối ưu này, bao gồm cả điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Phác đồ này cũng đã được BHYT chi trả.

Theo số liệu thống kê, đến tháng 9/2022, toàn quốc có 169.455 người nhiễm HIV được điều trị ARV, trong đó có 3.450 trẻ em. Có 499 cơ sở điều trị, trong đó có 442 cơ sở sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT. Các cơ sở điều trị cho trẻ em và một số cơ sở đang sử dụng thuốc ARV do Quỹ toàn cầu viện trợ.

Việt Nam là một trong các quốc gia có chất lượng điều trị ARV cao, với tỉ lệ bệnh nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế luôn được duy trì cao. Năm 2017, tỉ lệ này là 94%. Từ năm 2018 đến nay tỉ lệ này luôn duy trì trên 95%. Về tỉ lệ HIV kháng thuốc mắc phải trong năm 2020 ở mức thấp dưới 5%.

Đặc biệt, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV là một trong các ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Với việc mở rộng và sử dụng phác đồ ARV tối ưu, số trẻ nhiễm HIV từ mẹ đang giảm dần. Trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 6 trẻ nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ.

Một điểm đặc biệt nữa là, điều trị ARV cho người nhiễm HIV cũng là một trong các biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh lao ở người nhiễm HIV. Trong những năm qua, Cục phòng chống HIV/AIDS đã phối hợp chặt chẽ với Chương trình chống lao Quốc gia triển khai đồng bộ công tác điều trị ARV cho người bệnh lao cũng như điều trị lao tiềm ẩn ở người nhiễm HIV.

Xin ông cho biết, nếu cung ứng thuốc ARV, trang thiết bị, vật tư gặp khó thì có làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị HIV/AIDS không?

PGS.TS Phạm Đức Mạnh: Việc cung ứng thuốc ARV và thực hiện các xét nghiệm theo dõi điều trị vô cùng quan trọng trong việc duy trì, theo dõi hiệu quả điều trị của người bệnh. Nếu thuốc ARV cung ứng không đầy đủ, người bệnh HIV bị gián đoạn điều trị hoặc duy trì phác đồ điều trị không hiệu quả sẽ có nguy cơ kháng thuốc và thất bại điều trị.

Việc kháng thuốc này có tạo ra hệ lụy nữa là có thể sẽ làm xuất hiện tình trạng nhiễm HIV kháng thuốc. Lý do là khi điều trị ARV không hiệu quả, xuất hiện chủng HIV kháng thuốc, tải lương HIV ở người bệnh tăng trên 200 bản sao/ml. Điều này sẽ dẫn đến việc lây truyền chủng HIV kháng thuốc sang người khác qua quan hệ tình dục.

Khi người bệnh không được xét nghiệm tải lượng HIV thì cũng sẽ có rất nhiều bất lợi đối với công tác điều trị ARV.

Thứ nhất, không biết được liệu hiệu quả điều trị ARV của người bệnh có tốt không. Việc xét nghiệm tải lượng sẽ giúp phát hiện sớm tình trạng này, ngay từ khi người bệnh chưa có các dấu hiệu về thất bại điều trị.

Thứ hai, không chuyển phác đồ ARV kịp thời nếu người bệnh bị thất bại điều trị.

Thứ ba, không hỗ trợ cho việc đưa ra các quyết định giảm thiểu nguy cơ trẻ nhiễm HIV từ mẹ, có thể làm gia tăng việc trẻ nhiễm HIV từ mẹ.

Thứ tư, không đánh giá được hiệu quả của chương trình điều trị ở cấp độ cộng đồng.

Thực tế trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân, bao gồm tác động của dịch COVID-19 đã dẫn việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT luôn chậm; xét nghiệm tải lượng HIV chưa kịp thời, số người được làm xét nghiệm tải lượng giảm.

Một số khó khăn chính được kể đến như sau:

Tác động của các chính sách phòng, chống dịch COVID-19, bệnh nhân bị thất nhiệp làm gián đoạn thẻ BHYT đã tác động đến việc duy trì điều trị ARV và các xét nghiệm hỗ trợ điều trị thanh toán qua BHYT.

Công tác mua sắm, đấu thầu thuốc BHYT, nguồn viện trợ hoặc nguồn ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn, phức tạp dẫn đến không mua được một số loại thuốc trong phác đồ, hoặc cung ứng chậm, không đứng tiến độ làm cho việc điều phối các nguồn thuốc trở lên phức tạp, tuy nhiên chưa để xảy ra tình trạng đứt thuốc của bệnh nhân.

Đối với xét nghiệm tải lượng HIV, không mua được hoặc chậm cung ứng sinh phẩm là nguyên nhân dẫn đến số người điều trị ARV được xét nghiệm tải lượng HIV còn thấp. Đặc biệt tại Viện Pasteur TPHCM đã dừng việc xét nghiệm tải lượng HIV từ đầu năm 2022 đến nay do không thực hiện được việc đấu thầu sinh phẩm. Trong khi Viện Pasteur đang đảm nhiệm nhiệm vụ xét nghiệm cho toàn bộ bệnh nhân tại các trại giam khu vực phía Nam và các tỉnh miền trung.

Theo ông, chúng ta cần phải có những giải pháp gì để bảo đảm cung ứng thuốc điều trị kháng ARV trong thời gian tới?

PGS.TS Phạm Đức Mạnh: Để  bảo đảm cung ứng thuốc điều trị kháng ARV trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đưa ra một số giải pháp, trong đó, trọng tâm là phối hợp chặt chẽ với các đơn vị mua sắm thuốc ARV của BHYT để thực hiện các kế hoạch mua sắm bổ sung thuốc. Điều tiết thuốc ARV Các nguồn để hỗ trợ cho các cơ sở chưa có thuốc.

Đồng thời, Cục sẽ làm việc với Quỹ toàn cầu đề nghị hỗ trợ thuốc ARV đối với các thuốc do BHYT và nguồn ngân sách Nhà nước chi trả nhưng không mua được. Làm việc với các đơn vị cung ứng xét nghiệm tải lượng, hướng dẫn các cơ sở điều trị điều chỉnh đơn vị ký hợp đồng xét nghiệm tải lượng HIV.

Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ hoặc từ ngân sách địa phương trong việc hỗ trợ thẻ BHYT để người bệnh tiếp tục duy trì điều trị. Chúng tôi hy vọng rằng, những nỗ lực trên sẽ bảo đảm vẫn duy trì chất lượng điều trị ARV cho người bệnh.

Định hướng năm 2023 và những năm tiếp theo, theo ông chúng ta cần phải làm gì để có thể chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030?

PGS.TS Phạm Đức Mạnh: Theo tôi, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý: Hiện nay công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có bộ 3 văn bản hết sức quan trọng đó là: Chỉ thị 07 của Ban Bí thư; Luật Phòng, chống HIV/AIDS mới được sửa đổi và Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS của Chính phủ cùng hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, năm 2023 chúng ta vẫn tiếp tục rà soát và xây dựng mới hoặc sửa đổi các văn bản dưới luật để triển khai Luật cũng như các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật để có cơ chế và hướng dẫn cho các địa phương triển khai một cách hiệu quả và cập nhật nhất được các kinh nghiệm, khuyến cáo của thế giới.

Đối với công tác chuyên môn kỹ thuật, chúng ta cần tiếp tục đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV; Đẩy mạnh việc triển khai các mô hình tư vấn xét nghiệm HIV phù hợp với từng nhóm có hành vi nguy cơ cao, gồm người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, phụ nữ bán dâm, phạm nhân; mở rộng triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV; xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai;

Về  dự phòng lây nhiễm HIV: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông ở cả kênh truyền thông đại chúng; Hệ thống thông tin cơ sở và nhất là truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ. Tiếp tục các can thiệp để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV. Tập trung triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao, người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và bạn tình, bạn tiêm chích của người nhiễm HIV.

Đa dạng hóa các mô hình cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, kết hợp với mở rộng cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm qua kênh thương mại; Đổi mới và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Mở rộng các mô hình điều trị, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở. Thí điểm và nhân rộng mô hình cấp phát thuốc điều trị mang về nhà. Đẩy mạnh các mô hình can thiệp cho người sử dụng ma túy tổng hợp, người sử dụng ma túy dạng kích thích Amphetamine (ATS) và người sử dụng đa ma túy; Đồng thời mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao qua hệ thống y tế nhà nước và tư nhân…

Về điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV: Mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Mở rộng điều trị HIV/AIDS tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, các cơ sở chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội và các tổ chức hợp pháp khác.

Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS; Lồng ghép dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà, tại cộng đồng.

Tăng cường tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; điều trị ngay thuốc ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; chẩn đoán sớm, quản lý và điều trị cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; Tăng cường dự phòng, phát hiện và điều trị các bệnh đồng nhiễm với HIV/AIDS, gồm lao, viêm gan B, C và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Song song mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị là nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS.

Về giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá: Thiết lập hệ thống giám sát ca bệnh từ khi xác định nhiễm HIV cho đến tham gia điều trị, chuyển đổi cơ sở điều trị, chất lượng điều trị, tuân thủ điều trị cho đến tận khi người nhiễm HIV tử vong. Tiếp tục duy trì hoạt động giám sát trọng điểm HIV, STI và giám sát hành vi lây nhiễm HIV phù hợp. Áp dụng kỹ thuật chẩn đoán mới nhiễm trong giám sát trọng điểm để đánh giá và ước tính nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm tài chính trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thùy Chi

}
Top