Giải pháp để chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 tại TPHCM
(Chinhphu.vn) - Nhờ sự quyết liệt trong hành động và đồng bộ trong chính sách, từ địa phương từng được xem là một trong những điểm nóng của đại dịch HIV/AIDS, TPHCM đang từng bước khống chế, kiểm soát và hướng tới mục tiêu đầy tham vọng: chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Tiến bộ nổi bật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS
TPHCM hiện đang quản lý khoảng 52.700 người nhiễm HIV, trong đó 48.741 người đang được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV. Đáng chú ý, 100% quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên địa bàn TPHCM đều phát hiện người nhiễm HIV. Xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng trong những năm gần đây, vượt qua lây nhiễm qua đường máu. Hiện TPHCM đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tiến tới không còn người nhiễm HIV mới, chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Điều trị methadone giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Tính đến cuối năm 2024, TPHCM đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong việc triển khai các mục tiêu 95-95-95 của Liên Hợp Quốc, đó là: 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 95% trong số đó được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV; 95% người điều trị có tải lượng virus dưới ngưỡng lây truyền.
Theo các mục tiêu trên, TPHCM hiện đã đạt tỉ lệ 93,5% người nhiễm biết tình trạng bệnh, 92,8% người được chẩn đoán đang điều trị ARV và đặc biệt là 98% bệnh nhân duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng lây nhiễm. Đây là con số rất gần với đích 95-95-95, thể hiện nỗ lực của TPHCM trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Để đạt được các kết quả trên, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Điển hình là giải pháp tăng cường xét nghiệm, phát hiện sớm. Phát hiện sớm là chìa khóa để kiểm soát HIV/AIDS.
Cụ thể, TP.HCM đã triển khai hàng loạt các mô hình xét nghiệm đa dạng, linh hoạt nhằm tiếp cận các nhóm nguy cơ cao, bao gồm: Xét nghiệm tại cơ sở y tế công lập và tư nhân; Xét nghiệm cộng đồng do các tổ chức xã hội thực hiện; Xét nghiệm lưu động đến các khu vực khó tiếp cận; Tự xét nghiệm HIV tại nhà bằng bộ kit xét nghiệm nhanh.
Chất lượng xét nghiệm cũng được đặc biệt quan tâm thông qua các quy trình kiểm soát nội kiểm, ngoại kiểm, giám sát kỹ thuật định kỳ và nâng cao năng lực nhân viên xét nghiệm tuyến cơ sở.
Mở rộng điều trị ARV và hỗ trợ toàn diện người nhiễm
Để đạt được mục tiêu thứ 2 là 95% trong số người phát hiện nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, TPHCM đẩy mạnh công tác điều trị. Việc điều trị bằng thuốc kháng virus ARV hiện được triển khai tại hầu hết các cơ sở y tế tuyến quận, huyện và tuyến thành phố. Đặc biệt, người nhiễm HIV không phân biệt thường trú hay tạm trú đều có thể được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế nếu sinh sống tại TPHCM từ 6 tháng trở lên. Điều này bảo đảm 100% người nhiễm HIV có thể tiếp cận dịch vụ điều trị một cách đầy đủ và liên tục.
Ngoài ARV, TPHCM cũng mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và sau phơi nhiễm (PEP), hỗ trợ sử dụng thuốc thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho người nghiện ma túy, triển khai các mô hình kết nối – hỗ trợ đồng đẳng, giúp người bệnh duy trì điều trị và nâng cao chất lượng sống.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lây nhiễm HIV là do sử dụng ma túy và hoạt động mại dâm không an toàn. Nhằm ngăn chặn đường lây này, TPHCM cũng đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội. Trong đó, nổi bật là: Lập danh sách, theo dõi và quản lý người sử dụng ma túy trên địa bàn; Tăng cường cai nghiện tự nguyện và điều trị thay thế bằng Methadone; Phối hợp liên ngành để triệt phá các tụ điểm mại dâm trá hình; Hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng thông qua các chương trình giáo dục, dạy nghề.
Ứng dụng công nghệ và đổi mới mô hình can thiệp
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển, TPHCM đã triển khai các ứng dụng hỗ trợ theo dõi điều trị HIV, nhắn tin nhắc lịch khám, quản lý dữ liệu bệnh nhân tập trung… Ngoài ra, các mô hình điều trị thân thiện như "một điểm tiếp cận – nhiều dịch vụ" cũng được áp dụng, giúp người bệnh không phải di chuyển nhiều nơi để khám, xét nghiệm và nhận thuốc.
Việc xây dựng "điểm nóng HIV không lây lan" tại một số quận, huyện có tỉ lệ nhiễm cao cũng giúp thành phố khoanh vùng và chủ động kiểm soát dịch hiệu quả hơn.
Ngoài ra, thành công trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại TPHCM không thể thiếu sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự tham gia tích cực từ cộng đồng. AHF, Quỹ Toàn cầu, PEPFAR… đã cung cấp không chỉ tài chính mà còn hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo nhân lực và trang thiết bị cho ngành y tế thành phố.
Cùng với đó là mạng lưới các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực của người sống chung với HIV đã trở thành "cánh tay nối dài" của hệ thống y tế, giúp kết nối, chia sẻ thông tin và đồng hành cùng người bệnh trong quá trình điều trị.
Một trong những điểm sáng trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS tại TPHCM là hoạt động truyền thông giáo dục. Thành phố đã tích cực lồng ghép nội dung phòng, chống HIV vào các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường; tổ chức các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng, đặc biệt hướng đến giới trẻ và các nhóm nguy cơ cao như người đồng tính nam, người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy…
Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội như AHF (AIDS Healthcare Foundation) cũng phối hợp triển khai các chiến dịch truyền thông cộng đồng, tổ chức xét nghiệm lưu động, phân phát bao cao su, tài liệu tuyên truyền và cung cấp tư vấn điều trị miễn phí.
Hướng đến mục tiêu 2030, TPHCM không còn dịch AIDS
Mặc dù còn không ít khó khăn, đặc biệt là sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn tồn tại trong xã hội, TPHCM đang có cơ sở vững chắc để tin vào mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Việc duy trì sự cam kết chính trị mạnh mẽ, đầu tư đủ nguồn lực, tăng cường phối hợp liên ngành và phát huy vai trò của cộng đồng sẽ là những yếu tố then chốt trong chặng đường còn lại.
Từ những giải pháp hiện có, TPHCM đang chuẩn bị lộ trình cho giai đoạn mới: chuyển đổi dần từ viện trợ quốc tế sang sử dụng ngân sách địa phương và bảo hiểm y tế để đảm bảo tính bền vững. Thành phố cũng đang xây dựng các mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người sống chung với HIV, bao gồm hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, việc làm, giáo dục con cái…
Một hướng đi đặc biệt tiềm năng là tích hợp công nghệ số trong kiểm soát HIV. TPHCM đã ứng dụng phần mềm quản lý bệnh nhân HIV, hỗ trợ nhắn tin tự động nhắc lịch uống thuốc, tái khám, đồng thời triển khai các kênh tư vấn online và xét nghiệm HIV tại nhà.
TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM là một trong những địa phương tiên phong trong triển khai các mô hình can thiệp mới, hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ra, trong công tác phòng chống HIV/AIDS còn có sự tham gia rất tích cực của cộng đồng, đặc biệt là công tác truyền thông, xét nghiệm, hỗ trợ điều trị và hộ trợ người nhiễm HIV hòa nhập xã hội.
Để tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, thành phố cần tiếp tục mở rộng điều trị ARV, mở rộng can thiệp tập trung vào nhóm nguy cơ cao và nhóm thanh niên từ 15 đến 25 tuổi.
TS. Phan Thị Thu Hương, nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá cao vai trò của TPHCM trong việc dẫn dắt và đi đầu cả nước trong các chương trình đổi mới công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bà cho biết: "Năm 2006-2007, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm HIV mới.
TS. Phan Thị Thu Hương khuyến nghị mỗi địa phương, trong đó có TPHCM, cần tiếp tục chọn đúng mục tiêu ưu tiên theo điều kiện cụ thể, từ đó phân bổ nguồn lực hợp lý để đạt được mục tiêu bền vững: "Chúng ta không chỉ dừng ở mục tiêu kỹ thuật 95-95-95, mà còn phải hướng tới một xã hội không kỳ thị để không ai bị bỏ lại phía sau".
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định: Việt Nam, trong đó có TPHCM, đã đạt được những bước tiến quan trọng trong kiểm soát dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch vào năm 2030, cần tiếp tục đầu tư và phối hợp liên ngành, đặc biệt là trong giáo dục, y tế, lao động – thương binh và xã hội, công an, và các tổ chức xã hội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, để sớm kết thúc được dịch AIDS, cần thay đổi cách tiếp cận không chỉ tập trung vào y tế mà phải coi đây là một vấn đề phát triển bền vững. Bên cạnh thuốc men và kỹ thuật, điều quan trọng là xây dựng một môi trường không kỳ thị, tạo điều kiện cho mọi người được xét nghiệm, điều trị và sống chung với HIV như một bệnh mạn tính có thể kiểm soát.
Mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 là một đích đến đầy thách thức nhưng hoàn toàn có thể đạt được nếu có sự cam kết chính trị mạnh mẽ, hành động kịp thời và phối hợp đa ngành. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng với nhiều giải pháp đổi mới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, TPHCM đang phấn đấu hiện thực hóa khát vọng lớn: một thành phố không còn AIDS, nơi mọi người đều được sống khỏe mạnh, an toàn và không bị kỳ thị bởi HIV/AIDS.
Thùy Chi