Hà Nội: Đấu tranh xóa tệ nạn mại dâm bằng nhiều giải pháp

03/11/2022 14:03

(Chinhphu.vn) - Theo cơ quan chức năng, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm ở một số khu vực thuộc quận Đống Đa, Nam Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức.

Hà Nội: Đấu tranh xóa tệ nạn mại dâm bằng nhiều giải pháp - Ảnh 1.

Tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp

 Tệ nạn mại dâm gia tăng, biến tướng dưới nhiều hình thức

Theo Cục Cảnh sát hình sự, hiện nay, tệ nạn mại dâm có dấu hiệu gia tăng, biến tướng dưới nhiều hình thức. Đối tượng tham gia hoạt động mại dâm sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thông qua các "nhóm kín" trên mạng internet, mạng xã hội, các diễn đàn… Đặc biệt, nhiều hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở dịch vụ vẫn khó kiểm soát.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Hà Nội có gần 3.700 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Hà Nội cũng đặt mục tiêu triệt xóa 100% điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm trước năm 2025.

Trong khi đó, TP. Hà Nội là địa bàn giáp ranh với nhiều tỉnh, đây cũng là nơi tập trung không ít cơ sở kinh doanh dễ phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm, nên việc đấu tranh đẩy lùi hoạt động mại dâm còn nhiều gian nan, thách thức.

Trong năm 2021, Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội liên ngành 178) các cấp đã kiểm tra hơn 2.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, qua đó phát hiện, xử phạt, đình chỉ kinh doanh 407 cơ sở vi phạm.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các Đội đã kiểm tra gần 1.800 cơ sở; trong đó phát hiện 100 cơ sở vi phạm. Công an các cấp cũng đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 84 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm; bắt giữ 360 đối tượng, trong đó xử lý hình sự 82 vụ, 92 đối tượng (tội danh chứa mại dâm, môi giới mại dâm).

Trước đó, theo công bố của thành phố Hà Nội, trên địa bàn có 7 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm và cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố, đặt mục tiêu triệt xóa năm 2022. Trong 7 điểm này có 4 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội và 3 điểm tại địa điểm công cộng.

Cụ thể, tại huyện Thanh Trì có 3 điểm gồm: Ngã ba Ngọc Hồi - Liên Ninh (xã Ngọc Hồi - Liên Ninh); Đường Kim Giang (đoạn từ Cầu Tó đến đường Nghiêm Xuân Yêm thuộc địa bàn xã Thanh Liệt); Đường 70 cầu Bươu (xã Tân Triều Tả Thanh Oai - Vĩnh Quỳnh - Tam Hiệp). Các địa bàn này chủ yếu có các hoạt động gội đầu, thư giãn, tẩm quất, massage, được xác định ở mức độ có hoạt động mại dâm, hoạt động phức tạp. Quận Cầu Giấy có đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa), được xác định ở mức độ có hoạt động, chủ yếu liên quan đến hoạt động karaoke, massage, nhà nghỉ, khách sạn.

Trong 3 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm tại địa bàn công cộng, quận Hai Bà Trưng có 2 điểm gồm Phố Yersin - Vườn hoa Pasteur (phường Phạm Đình Hổ), mức độ ít hoạt động; phố Nguyễn Huy Tự - Trần Khánh Dư (phường Bạch Đằng), mức độ hoạt động phức tạp; quận Hoàng Mai có 1 điểm là đường Giải Phóng (khu vực ngã 3 bến xe Giáp Bát đến lối rẽ vào phố Đại Từ, phường Thịnh Liệt), mức độ có hoạt động…

Linh hoạt nhiều giải pháp

Nhằm đẩy lùi các hoạt động mại dâm,đạt mục tiêu triệt xóa 100% điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về phòng, chống mại dâm trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Hà Nội xác định 13 chỉ tiêu cần thực hiện đến năm 2025, cụ thể: 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm. 100% xã, phường, thị trấn triển khai mô hình phòng, chống mại dâm cấp xã. Ít nhất 50% các quận, huyện, thị xã lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Hằng năm, tăng từ 3%-5% số tội phạm liên quan đến mại dâm được xử lý theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra trên 60% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn quản lý. Triệt xóa 100% điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm, không để phát sinh điểm mới. Duy trì không để tái hoạt động trở lại tại các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm đã triệt xóa.

Ít nhất 10% địa bàn cấp huyện xây dựng, triển khai mô hình thí điểm về phòng, ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.

Ít nhất 60% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng; thực hiện các can thiệp giảm hại; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.

Trong thời gian tới, Tổ công tác liên ngành phòng, chống mại dâm của Thành phố tiếp tục phối hợp với Sở LĐTB&XH tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm và phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn năm 2022; triển khai công tác của Đội Kiểm tra liên ngành 178 Thành phố; phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống mại dâm tại các địa phương trên địa bàn; tập huấn nâng cao nghiệp vụ trong công tác phòng, chống mại dâm cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp.

Bên cạnh đó, huy động nguồn lực các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống HIV/AIDS; tranh thủ sự tài trợ về tài chính, giúp đỡ về chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ huy động được của các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống mại dâm.

Giang Oanh

}
Top