Hà Nội: Mở rộng các mô hình tiếp cận cộng đồng giúp người nhiễm được điều trị HIV
(Chinhphu.vn) - Để những người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị, thời gian tới Hà Nội tăng cường các dự án, phối hợp với các tổ chức liên quan để mở rộng các mô hình tiếp cận cộng đồng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến tháng 2/2022, tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống trên địa bàn TP. Hà Nội là 19.297; tổng số bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong do AIDS 7.316; 100% quận, huyện, thị xã đều có người nhiễm HIV, 575/579 xã/phường/thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV (99,50%).
Các quận, huyện có số người nhiễm HIV lũy tích cao nhất là: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Long Biên, Hoàng Mai…các trường hợp nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, 10 quận huyện cao nhất chiếm 56,8 % tổng số trường hợp nhiễm HIV. Riêng trong 6 tháng đầu năm, thành phố phát hiện 106 trường hợp, giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, từ đầu năm đến nay TP. Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại thành phố Hà Nội vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với mục tiêu cụ thể, thành phố phấn đấu: 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV trong diện quản lý được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (ARV); 97% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế.
Về chỉ tiêu, thành phố phấn đấu có 950 người nhiễm HIV mới được phát hiện năm 2022; 5.250 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone hoặc Buprenorphine; 70% người dân trong độ tuổi từ 15-49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; 14.318 người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV)…
Để hoàn thành các nội dung trên, TP. Hà Nội đã xác định 4 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm: Dự phòng lây nhiễm HIV; tư vấn xét nghiệm HIV; điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá và nghiên cứu khoa học. Cùng nhiều hoạt động như: Dự phòng và can thiệp giảm tác hại; xét nghiệm và giảm dịch HIV/AIDS; điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con…
Hướng tới các mục tiêu đã đề ra trong phòng, chống HIV/AIDS
Hướng tới đạt được các mục tiêu TP. Hà Nội đã đề ra, huyện Mỹ Đức đã tăng cường công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS, tổ chức truyền thông về phòng chống HIV/AIDS, giảm phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS bằng nhiều hình thức. Trên hệ thống đài phát thanh huyện đã triển khai tuyên truyền 01 lần/tháng, đài phát thanh xã 02 lần/tháng.
Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức đã phối hợp tổ chức các lớp truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS cho nhân dân trên địa bàn 09 xã. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cấp các băng zôn, khẩu hiệu hưởng ứng tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống AIDS; 100% các trạm y tế đều tổ chức truyền thông trên hệ thống đài phát thanh xã, thị trấn.
Tính đến thời điểm hiện tại, số người nhiễm HIV trên địa bàn huyện trên 500 người. Tất cả các xã, thị trấn có người nhiễm đều có sổ theo dõi, tư vấn chăm sóc người nhiễm; 100% các trường hợp có điạ chỉ rõ ràng được lập hồ sơ quản lý, chăm sóc. Để những người nhiễm HIV phát hiện tình trạng bệnh của mình, huyện Mỹ Đức đẩy mạnh việc thực hiện công tác tư vấn, xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ cao, tư vấn cho người nghiện chích ma túy điều trị Methadone...
Tại đơn vị y tế cơ sở, huyện Chương Mỹ cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS. Huyện này đã đề ra giải pháp về dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm: Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin giáo dục, truyền thông chú trọng trên các hình thức thông tin cơ sở (Đài truyền thanh, bản tin công cộng, tuyên truyền viên và báo cáo viên cơ sở...), tuyên truyền cổ động (pano, áp phích...).
Bên cạnh đó, đổi mới tư duy truyền thông, phòng chống HIV/AIDS không truyền thông hù dọa, huy động người nhiễm HIV có hành vi nguy cơ cao tham gia vào các hoạt động truyền thông; Nâng cao kiến thức về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan tới HIV/AIDS tại gia đình, nơi công cộng, nơi học tập và nơi làm việc.
Để đẩy mạnh các biện pháp can thiệp dự phòng, huyện tập trung khuyến khích sự tham gia nhóm đồng đẳng viên, can thiệp dự phòng lây nhiễm cho các nhóm có nguy cơ cao, người nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ bán dâm và bạn tình, bạn tiêm chích người nhiễm HIV.
Đồng thời, cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễm phí phù hợp với nhu cầu sử dụng, mở rộng tăng cường truyền thông và chuyển gửi điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho nhóm có hành vi nguy cơ cao.
Để đạt hiệu quả cao trong công tác tư vấn, xét nghiệm và điều trị, huyện Chương Mỹ đưa ra những giải pháp, gồm có: Đẩy mạnh xét nghiệm HIV tại Bệnh viện Đa khoa huyện xã, thị trấn; Xét nghiệm tại cộng đồng và xét nghiệm lưu động và 32 Trạm Y tế; Tăng cường tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai chuyển gửi điều trị ngay thuốc ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và quản lý trẻ sơ sinh; Dự phòng tư vấn và phát hiện chuyển gửi điều trị các bệnh đồng nhiễm với HIV/AIDS gồm bệnh lao, viêm gan B, C và các bệnh lây qua đường tình dục.
Tại quận Thanh Xuân, hướng tới mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS (90% người nhiễm HIV trên địa bàn quận biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV trong diện quản lý được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (ARV); 90% bệnh nhân hiện đang điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế), quận Thanh Xuân tập trung triển khai các biện pháp như: Dự phòng và can thiệp giảm tác hại (thông tin giáo dục truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; can thiệp giảm tác hại); Xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS (tư vấn xét nghiệm HIV; giám sát dịch tễ học HIV/AIDS; điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con); Hoạt động phối hợp HIV/Lao; Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Công tác dự phòng phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp...
Đồng thời, sử dụng mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng phát hiện ca nhiễm HIV mới và tiếp cận tìm kiếm ca HIV cũ trong cộng đồng để kết nối điều trị; duy trì và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS...
Từ nay đến cuối năm, TP. Hà Nội tiếp tục mở rộng các mô hình tiếp cận cộng đồng, tìm người nhiễm HIV đưa vào điều trị, sử dụng mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng phát hiện ca nhiễm HIV mới và tiếp cận tìm kiếm ca HIV cũ trong cộng đồng để kết nối điều trị.
Bên cạnh đó, tận dụng tối đa và phát huy các nguồn tài chính trong nước bao gồm: Quỹ BHYT chi trả toàn bộ các dịch vụ trong phạm vi chi trả theo quy định; tận dụng và huy động sự tham gia cung cấp dịch vụ và đầu tư của các tổ chức xã hội, các quỹ, các doanh nghiệp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; phí dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với người nhiễm HIV và các nhóm nguy cơ cao có khả năng tự chi trả.
Bên cạnh đó tăng cường quản lý, tổ chức, vận hành bộ máy theo hướng tinh giản và tiết kiệm, lồng ghép, kiện toàn hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế hiện hành; áp dụng triển khai các mô hình, dịch vụ các hoạt động theo hướng chi phí thấp hiệu quả cao.
Thùy Chi