Hải Dương: Gần 1.900 bệnh nhân được điều trị thuốc kháng HIV

06/12/2022 14:37

(Chinhphu.vn) - Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, tính đến hết tháng 10, toàn tỉnh có 1.878 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV, trong đó có 1.840 người từ 15 tuổi trở lên và 38 trẻ dưới 15 tuổi.

Hải Dương: Gần 1.900 bệnh nhân được điều trị thuốc kháng HIV - Ảnh 1.

Hiện tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những diễn biến phức tạp, người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm trẻ tuổi. Ảnh: Thùy Chi

Toàn tỉnh đang có 5 điểm chăm sóc và điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại những địa bàn có nhiều người nhiễm HIV, gồm: các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, thị xã Kinh Môn, TP Hải Dương và TP Chí Linh. Hầu hết bệnh nhân được nhận thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế.

Việc theo dõi xét nghiệm đánh giá hoạt động của hệ miễn dịch ở người bị nhiễm HIV, mức độ đáp ứng với thuốc điều trị, chẩn đoán AIDS, đo tải lượng virus được các điểm chăm sóc thực hiện theo đúng hướng dẫn.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong thời gian qua Hải Dương đã triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Hiện tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những diễn biến phức tạp, người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm trẻ tuổi. Trong khi đó, tỉ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở lứa tuổi từ 15-24 tuổi mới chỉ đạt dưới 50%, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV...

Trước thực tế trên, tỉnh Hải Dương chú trọng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng, kêu gọi các thanh thiếu niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, góp phần tiến tới chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng.

Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên về sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS. Phát huy vai trò, trách nhiệm, sự quyết tâm của thanh niên, góp phần đẩy lùi và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Vận động mỗi đoàn viên thanh niên phải thực sự là một tuyên truyền viên tích cực trong tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Mỗi tổ chức đoàn cần có sáng kiến, xây dựng các mô hình phòng chống HIV/AIDS phù hợp, hiệu quả và thân thiện với thanh niên, nhất là thanh nhiên trong các cơ sở giáo dục, khu, cụm công nghiệp…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng, vận động nhằm nâng cao ý thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng trong tham gia phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS.

Ngành y tế đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác truyền thông để người dân hiểu và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, chủ động xét nghiệm sớm cho những người có nguy cơ cao…

Trong Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Hải Dương triển khai các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, nhất là tại các cơ sở y tế; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội.

Cung cấp các dịch vụ toàn diện, mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa.

Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan vi rút B, C, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân trên địa bàn tỉnh; duy trì tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV…

Thùy Chi

}
Top