Hải Phòng: Triển khai hiệu quả các mô hình, sáng kiến trong phòng chống HIV/AIDS

04/07/2023 17:23

(Chinhphu.vn) - Nhờ thực hiện hiệu quả các mô hình, sáng kiến hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS tại Hải Phòng được đánh giá cao về những thành tích đạt được trong các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Hải Phòng: Triển khai hiệu quả các mô hình, sáng kiến trong Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS - Ảnh 1.

Xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng, ước tính đến tháng 2/2023, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn TP. Hải Phòng là 11.689 trường hợp.

Mặc dù công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hải Phòng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đối tượng lây nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa với hơn 80% người nhiễm HIV nằm trong độ tuổi 25 - 49 và có sự chuyển đổi về mô hình lây nhiễm, trong đó lây nhiễm qua tiêm chích ma túy có chiều hướng giảm rõ rệt, tình dục không an toàn đang dần chiếm ưu thế.

Trong bối cảnh đó, dịch HIV/AIDS tại Hải Phòng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gây tác động tiêu cực đối với xã hội thông qua ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ lao động trẻ. Tình hình đó đòi hỏi Hải Phòng cần tiếp tục có sự ứng phó toàn diện và kịp thời nhằm đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Để đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS, Hải Phòng đẩy mạnh việc thực hiện Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Dự án do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tài trợ. Hiện dự án được triển khai tại 5 tỉnh trọng điểm bao gồm: Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS để đạt được mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư nói chung dưới 0.3%; đạt được mục tiêu 90-90-90 và hướng tới cơ bản chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Ông Minesh P Shah, Cố vấn cao cấp của tổ chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ nhận định, trong thời gian qua Hải Phòng đã rất nỗ lực trong công tác triển khai dự án tại các Trung tâm y tế, cơ sở y tế, bệnh viện. Cụ thể, Tiểu dự án EPIC thành phố Hải Phòng, TTYT quận Hồng Bàng, Bệnh viện đa khoa Ngô Quyền đã tổ chức nhiều hoạt động, thực hiện những sáng kiến rất hiệu quả, thành công tại Hải Phòng.

Đặc biệt, 3 bài học kinh nghiệm điển hình sau nhiều năm triển khai dự án với các chương trình điều trị PrEP, ARV, bao gồm:

Thứ nhất, hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV, PrEP cần có sự phối hợp tốt giữa các bên: Cơ sở y tế - CBO (các tổ chức xã hội dân sự) - Ban quản lý Tiểu Dự án.

Bên cạnh đó, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa nhóm hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ (CAB), phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC), khoa xét nghiệm, khoa Dược nhằm bảo đảm sẵn và đủ thuốc ngay khi khách hàng đồng ý tham gia PrEP cũng đã hạn chế tối đa tình trạng mất dấu khách hàng và khách hàng được điều trị dự phòng sớm ngay trong ngày.

Tại Hải Phòng, nhờ sự phối hợp hiệu quả TTYT quận Hồng Bàng đã vượt chỉ tiêu đặt ra trong chương trình PrEP tính đến hết tháng 5/2023, cụ thể: số khách hàng bắt đầu điều trị PrEP đạt 112%, số khách hàng quay lại tái khám đạt 190% chỉ tiêu dự án, đặc biệt số khách hàng duy trì điều trị 3 tháng chiếm 81.6%.

Thứ hai, việc tư vấn khai thác khách hàng thông qua chiến lược PNS (tư vấn bạn tình/bạn chích), SNS (mạng lưới xã hội) có hiệu quả tốt đối với việc phát hiện ca nhiễm HIV mới. TTYT quận Hồng Bàng và Bệnh viện đa khoa Ngô Quyền cũng đã chia sẻ cách tối ưu hóa các mô hình SNS, PNS hiện tại đang rất thành công ở Hải Phòng nhằm truy vết được những ca HIV và bạn tình của họ trong thời gian ngắn nhất.

Thứ ba, cần xây dựng quy tắc ứng xử, cơ sở y tế thân thiện với khách hàng, cộng đồng đích giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và tăng số lượng khách hàng đến sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế.

Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng chia sẻ sự thành công trong các chương trình phòng chống HIV/AIDS cũng nhờ vào các hoạt động như thực hiện mô hình phòng khám thân thiện với khách hàng; cung cấp dịch vụ khám, tư vấn cấp phát thuốc PrEP ngoài giờ hành chính; thu nhận ý kiến phản hồi từ khách hàng thông qua QR code, hòm thư góp ý và từ phía nhóm CAB, nhân viên hỗ trợ…

Đại diện Sở Y tế Hải Phòng cho biết, nhờ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn sự gia tăng lây nhiễm HIV trong cộng đồng, giảm phân biệt kỳ thị đối với người nhiễm, đến nay, Hải Phòng cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình. Hàng năm, cả 3 chỉ số bao gồm: người nhiễm HIV mới, số chuyển sang AIDS và tử vong đều giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng vào khoảng 0,03%.

Liên quan thực hiện mục tiêu 90-90-90, hiện nay Hải Phòng đạt 89% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 86% số người đã chẩn đoán HIV được điều trị thuốc ARV và 99% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rus dưới ngưỡng phát hiện.

Được sự quan tâm của Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, Hải Phòng được lựa chọn để triển khai thí điểm các mô hình dự phòng lây nhiễm HIV, các giải pháp mới trong việc tiếp cận các đối tượng đích, xét nghiệm HIV điều trị thay thế các dạng thuốc phiện bằng Methadone, chăm sóc, điều trị ARV thông qua các mô hình điều trị dự phòng đã đem lại kết quả tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Thùy Chi

}
Top